Tất cả những người giàu nhất năm nay đều ghi nhận tài sản giảm, từ vài nghìn tỷ đồng cho đến vài chục nghìn tỷ đồng.
2022 là năm cực kỳ khó khăn của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index mặc dù vượt đỉnh lịch sử 1.500 điểm ngay từ những phiên giao dịch đầu năm, nhưng đến khi đóng cửa phiên cuối năm chỉ còn 1.007 điểm, tương ứng mức giảm lên tới hơn 32%.
Chính vì thế, không quá bất ngờ khi tài sản của toàn bộ 10 người giàu nhất sàn chứng khoán đều giảm mạnh trong năm 2022. Theo thống kê, tổng tài sản của top 10 đã giảm từ 561 nghìn tỷ đồng xuống còn 290 nghìn tỷ đồng. So với năm ngoái, ông Nguyễn Văn Đạt và ông Nguyễn Đức Thụy rời top 10, nhường chỗ cho bà Vũ Thị Hiền và ông Hồ Xuân Năng.
Dưới đây là 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2022
Với khối tài sản vượt xa những tỷ phú khác, ông Phạm Nhật Vượng vẫn vững chắc ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vượng cũng chính là người mất nhiều tiền nhất năm 2022, khi tài sản của ông giảm hơn 90.000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, cổ phiếu của Vingroup đã trải qua một đợt giảm giá mạnh, sau khi tập đoàn công bố lỗ 9.249 tỷ đồng quý 4/2021 và dẫn tới lỗ 7.500 tỷ đồng trong cả năm 2021. Nguyên nhân là do chi phí tài trợ cho các hoạt động phòng chống Covid-19 và khoản chi phí hạch toán do ngừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện.
Với việc dồn sức cho xe điện, Vingroup cũng như VinFast của ông Vượng năm qua đạt được nhiều dấu ấn, như việc liên tục cho ra mẫu xe mới, đều đặn bàn giao VF e34 ra thị trường và đặc biệt là chuyến tàu xuất khẩu 999 chiếc VF 8 sang thị trường Mỹ.
Sau khi đưa một loạt 3 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán năm 2021 gồm Sunshine Homes, KSFinance, Xây dựng SCG, ông Đỗ Anh Tuấn đã ngay lập tức lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, đứng ở vị trí thứ 5.
Sang năm 2022, tài sản của ông Tuấn giảm khoảng 9.000 tỷ đồng nhưng về thứ hạng, ông Tuấn lại vươn lên đứng thứ 2 với khối tài sản trị giá 29.659 tỷ đồng.
Kiên định với mục tiêu “point of life”, hai tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đang cùng nhau tiếp tục hành trình tích hợp đa dạng các dịch vụ vào mỗi cửa hàng Winmart/Winmart+.
Trong năm 2022, các cửa hàng của Masan đã dần được thay áo mới với tên gọi WIN, đặt bên trong siêu thị Winmart+, trà-cà phê Phúc Long, dịch vụ viễn thông Reddi, dịch vụ tài chính Techcombank và nhà thuốc Dr.Win.
Tài sản của ông Quang và ông Hùng Anh cùng ở quanh mức 29.000 tỷ đồng, ngang ngửa ông Đỗ Anh Tuấn.
CEO hãng hàng không Vietjet Air là người có tài sản giảm ít nhất, nhờ ngành hàng không trên đà hồi phục mạnh mẽ năm qua, sau khi gần như đóng băng trong năm 2021. Những chặng bay nội địa đã được khôi phục hoàn toàn và phần lớn chặng bay quốc tế cũng được nối lại góp phần tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của Vietjet Air.
Dự báo, sang năm 2023, tình hình kinh doanh của Vietjet Air sẽ còn sáng sủa hơn nữa sau khi Trung Quốc mở cửa. Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm tới 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch, do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.
Năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát là người giàu thứ 2 của Việt Nam với khối tài sản hơn 54 nghìn tỷ đồng. Năm nay, tài sản ông Trần Đình Long đã giảm một nửa khi ngành thép “khó khăn chưa từng thấy”, theo lời dự báo của chính ông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Dự báo của ông Long sau đó đã thành hiện thực, thể hiện qua việc Hòa Phát báo lỗ tới gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022 và tạo nên cú sốc với những nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu ngành thép. Xung đột giữa Nga – Ukraine, Covid ở Trung Quốc, giá nguyên vật liệu leo thang, tỷ giá USD tăng chóng mặt và lãi suất trong nước liên tục tăng là những nguyên nhân tác động mạnh tới ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng.
Do thua lỗ lớn, đã có thời điểm tài sản của ông Long giảm sâu đến mức bị Forbes loại khỏi danh sách tỷ phú đô la. Thế nhưng, trong những tháng cuối năm, triển vọng về đầu tư công và giá thép tăng trở lại đã giúp tài sản của ông Long hồi phục.
Xét về giá trị tài sản bốc hơi trong năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn là người mất nhiều tiền thứ hai, chỉ kém tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tài sản của ông Nhơn đầu năm lên tới 72,4 nghìn tỷ đồng, nhưng đến cuối năm chỉ còn chưa tới 10 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân là do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn sau khi lãnh đạo một số doanh nghiệp bị bắt như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu năm qua bị siết chặt trong khi lãi suất huy động tăng cao khiến các doanh nghiệp bất động sản như Novaland gặp vấn đề về thanh khoản. Novaland đã phải thực hiện rất nhiều biện pháp để tái cấu trúc tài chính, trong đó có cả việc bán bớt cổ phiếu. Những yếu tố đó đã khiến giá trị tài sản của ông Nhơn giảm sâu trong năm qua.
Dù kín tiếng trước truyền thông, nhưng bà Phạm Thu Hương tiếp tục có tên trong danh sách 10 người giàu nhất. Năm qua, tài sản của bà Hương giảm khoảng 7.000 tỷ đồng, xuống còn 9.100 tỷ đồng.
Điểm nhấn lớn nhất của bà Phạm Thu Hương năm qua là việc bà xuất hiện tại sự kiện trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture hồi tháng 1/2022, đánh dấu lần đầu tiên phu nhân của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lộ diện trước công chúng.
Tương tự như ông Trần Đình Long, tài sản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long cũng giảm một nửa trong năm qua, xuống còn 7.700 tỷ đồng.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone quay lại với danh sách top 10 năm nay với giá trị tài sản 7.147 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó khăn, Vicostone của ông Năng vẫn duy trì lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Mặc dù vậy, nếu so với thời điểm cách đây 1 năm, tài sản của ông Năng cũng đã giảm trên 50%.
Theo Nhịp sống thị trường