7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất Việt Nam

Forbes Asia vừa công bố danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm nay Việt Nam đã đóng góp 7 cái tên trong danh sách này, gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup. 

Danh sách mới này bổ sung thêm cho danh sách quen thuộc tôn vinh 200 công ty có doanh thu dưới 1 tỉ USD tốt nhất trong khu vực. Tổng cộng hai danh sách đã chọn ra 400 doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ tới lớn nhất, phân định bằng vạch doanh thu 1 tỉ USD.

Các tiêu chí chọn ra những cái tên trong hai danh sách vì thế khá tương đồng. Trên thực tế, một vài doanh nghiệp đáng chú ý như Alibaba, Jollibee và Tencent đều vào danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD năm nay.

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 1
7 công ty tỉ đô của Việt Nam. Nguồn: Forbes Asia

Một tiêu chí khác phải đáp ứng là mối liên hệ giữa các công ty và cá nhân thuộc danh sách những người giàu nhất châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều người hẳn đã nhận ra mối tương quan giữa kết quả kinh doanh với sự phát triển tài sản của các cá nhân. Xét cho cùng, nếu tài sản cá nhân gắn liền với tài sản doanh nghiệp, sẽ trở thành động lực để phát triển doanh nghiệp dài hạn.

Kết quả cho thấy gần 2/3 doanh nghiệp trong top 200 công ty doanh thu trên 1 tỉ USD của Forbes Asia 2019 đều được điều hành hoặc có mối liên hệ với các gia tộc và cá nhân đã từng xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất của Forbes Asia.

Năm nay Việt Nam đóng góp được 7 cái tên trong danh sách. Đó là những tên tuổi quen thuộc với thị trường trong nước bao gồm Masan Group, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.

Một số công ty nổi bật trong danh sách:

Vingroup (Việt Nam)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 2
Ảnh: Yen Duong/Bloomberg.

Tài sản của tập đoàn kinh doanh đa ngành khổng lồ này tiếp tục được đa dạng hóa. Sau khi xuất xưởng chiếc xe hơi đầu tiên vào tháng 6.2019, Vingroup tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới: thành lập hãng hàng không để tận dụng thị trường du lịch đang nở rộ tại Việt Nam. Tuy vậy việc đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh đang kéo hiệu quả công ty chậm lại: doanh thu của Vingroup tăng 36% lên 122.000 tỉ đồng, lợi nhuận ròng giảm 15% xuống 3.800 tỉ đồng trong năm 2018 trong khi công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng sản xuất ô tô.

Người đứng đầu Vingroup và là tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, đã bắt đầu xây dựng gia tài của mình bằng việc bán thực phẩm ăn liền tại Ukraina. Năm 2001, sau khi về nước, ông đã lập nên Vingroup và phát triển mảng bất động sản của công ty.

Vietjet Air (Việt Nam)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 3
Ảnh: Ehrin Macksey. 

Doanh nghiệp hàng không có trụ sở tại TP.HCM đã nhanh chóng chứng tỏ khả năng của mình khi trở thành hãng hàng không cung cấp dịch vụ cho khoảng 23 triệu hành khách trong năm 2018, chiếm 46% thị phần của thị trường hàng không đang phát triển của Việt Nam.

Lợi nhuận ròng của công ty đã tăng 5,3% lên 5.300 tỉ đồng, doanh thu tăng 27% lên 54.000 tỉ đồng vào năm 2018. Năm 2019, bằng việc bổ sung thêm các tuyến bay quốc tế mới, Vietjet kỳ vọng sẽ còn phát triển nhanh, với số hành khách sử dụng dịch vụ lên tới 30 triệu người.

Advantest (Nhật Bản)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 4
Ảnh: Getty Images. 

Advantest là nhà sản xuất sản phẩm bán dẫn và thiết bị kiểm thử có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản). Doanh nghiệp này hiện đang hưởng lợi từ nhu cầu thử nghiệm chíp phục vụ cho mạng 5G và các ứng dụng AI ngày một tăng cao. Tính tới ngày 31.3, lợi nhuận ròng của Advantest đã tăng gấp ba, lên 57 tỉ yên (tương đương 524 triệu USD), với doanh thu cũng tăng 36%, lên 282 tỉ yên.

Bất chấp bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung phức tạp, các nhà đầu tư của Advantest vẫn tin vào sự phát triển của xu hướng 5G: giá trị cổ phiếu công ty đã tăng 97% trong năm nay, con số cao kỷ lục 12 năm qua.

Naver (Hàn Quốc)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 5
Ảnh: Forbes.com

Những năm gần đây, công ty chuyên cung cấp dịch vụ Internet và công cụ tìm kiếm của Hàn Quốc đang theo đuổi những nhánh kinh doanh mới: các dịch vụ IT, bao gồm thanh toán điện tử, dịch vụ đám mây trở thành những mảng phát triển nhanh nhất của công ty. Quy mô các dịch vụ này đã tăng lên hơn 60%, đóng góp vào mức tăng trưởng doanh thu năm 2018 gần 20%, lên 5 tỉ USD.

Ở thị trường nước ngoài, Naver được biết tới nhiều nhất nhờ ứng dụng nhắn tin LINE và ứng dụng chụp và chia sẻ hình ảnh SNOW. Năm 2018, SNOW đã nhận được 50 triệu USD đầu tư từ SoftBank và Sequoia Trung Quốc.

Recruit Holdings (Nhật Bản)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 6
Ảnh: Shoko Takayasu/Bloomberg. 

Doanh nghiệp tuyển dụng và tìm kiếm việc làm lớn nhất Nhật Bản ghi nhận năm tăng trưởng doanh thu thứ ba liên tiếp khi ngày càng nhiều người bắt đầu sử dụng website của công ty để tìm kiếm tất cả mọi thứ, từ việc làm cho tới nhà ở, thậm chí cả chỗ cắt tóc. Tính tới 31.3.2019, lợi nhuận ròng của công ty đã tăng 15%, lên 174 tỉ yên và doanh thu tăng tới 2.300 tỉ yên.

Recruit kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay sẽ tiếp tục tăng khi công ty đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài thông qua các vụ mua bán sáp nhật. Năm 2018, Recruit đã bỏ ra 1,2 tỉ USD mua lại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm và đánh giá người tuyển dụng của Mỹ Glassdoor.

STO Express (Trung Quốc)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 7
Ảnh: Imagine China, Newscom

Sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã tạo đà phát triển cho ngành chuyển phát Trung Quốc. Tháng 8.2019, công ty logistics STO Express đã ký hợp đồng trị giá 1,4 tỉ USD với gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, trong đó Alibaba có quyền mua 31% cổ phần của STO trong vòng ba năm. Trước đó, tháng 3.2019, Alibaba đã mua 15% cổ phần STO với giá 693 triệu USD để cắt giảm chi phí logistics.

Là một trong những công ty vận chuyển đầu tiên lên sàn chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015, STO hiện đang nắm giữ 10% thị phần của ngành giao nhận Trung Quốc. Năm 2018, công ty ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 38%, lên 310 triệu USD với doanh thu tăng 35%.

Titan (Ấn Độ)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 8
Ảnh: Forbes.com

Doanh nghiệp bán lẻ đồng hồ và nữ trang của Ấn Độ sở hữu lợi nhuận ròng 201 triệu USD, tăng 21% trong năm tài khóa 2018 nhờ nhu cầu mua vàng ngày một gia tăng của người tiêu dùng Ấn Độ. Tuy vậy, 2019 sẽ là một năm khó khăn với doanh nghiệp này bởi giá vàng tăng cao kỷ lục và nhu cầu thị trường suy yếu.

Vị trí đầu tàu của Titan dự kiến sẽ thay đổi vào tháng 10.2019 khi giám đốc điều hành Bhaskar Bhat sẽ nghỉ hưu và nhường chức cho ông C.K. Venkataraman sau 17 năm nắm giữ vị trí đứng đầu.

Tongwei (Trung Quốc)

Forbes Asia 2019: 7 công ty Việt vào top 200 công ty có doanh thu trên tỉ đô tốt nhất - ảnh 9
Ảnh: Imagine China, Newscom.

Dù Trung Quốc đã cắt giảm số lượng dự án năng lượng mặt trời trong năm 2018, nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời Tongwei vẫn thúc đẩy được doanh số nhờ thắng nhiều hợp đồng ở nước ngoài. Doanh thu công ty năm 2018 đã tăng 5%, lên mức 27 tỉ nhân dân tệ (tương đương 4 tỉ USD) so với một năm trước. Tới cuối năm 2019, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng sản lượng pin mặt trời lên 20 gigawatt.

Ngoài ra Tongwei cũng sản xuất thức ăn cho gia súc, tuy mảng này đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi. Tongwei cho biết nhu cầu của thị trường thức ăn cho cá vẫn ổn định, mảng này đã giúp lợi nhuận nửa đầu năm 2019 của công ty tăng 58%.

Phương thức sàng lọc

Danh sách ứng viên bắt đầu bằng việc chọn ra 3.200 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương có doanh thu hơn 1 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua. Nếu lợi nhuận và doanh thu suy giảm trong năm năm qua sẽ bị loại. Tiếp theo, các công ty có nợ dài hạn bằng hoặc lớn hơn 1/2 nguồn vốn và vướng phải các vấn đề pháp lý cũng như quản lý cũng không được chọn vào danh sách cuối cùng.

Các ứng viên được xếp hạng dựa theo nhóm 12 tiêu chí, bao gồm doanh thu trung bình năm năm, mức tăng trưởng doanh thu vận hành, lợi nhuận trên vốn và mức tăng trưởng dự kiến trong 1-2 năm tới. Những doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất được đưa vào danh sách cuối cùng.

Mục tiêu của chúng tôi là tìm ra các doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh tốt nhất khu vực không chỉ dựa trên một mà nhiều tiêu chí. Trong khi các công ty từ Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc chiếm số đông thì Forbes Asia vẫn ghi nhận các doanh nghiệp tới từ những thị trường nhỏ hơn như Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Kết quả cuối cùng chính là danh sách đại diện các doanh nghiệp lớn tốt nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Forbes Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT