Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, thời đại hiện nay được xem là bi kịch của những người sản xuất vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn.
Do đó, người sản xuất sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) phải chăm chút hàng hóa hơn nữa. Đầu tiên đừng nghĩ tới tiền thì sẽ ra nhiều tiền. Ngoài ra, cái cần hiện nay phải phát triển thị trường, bởi có sản phẩm nhưng không có thị trường thì OCOP sẽ bị bỏ quên.
“Để tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét để tạo ra không gian OCOP quốc gia, nơi đây không chỉ dành để trưng bày, mà còn huấn luyện, mời khách nước ngoài vào để thu hút du lịch. Tuy nhiên, ở mỗi tỉnh, mỗi điểm du lịch cũng đều nên quảng bá, yêu cầu các nhà đầu tư khi đến địa phương phải dành không gian cho quảng bá sản phẩm”, ông Hoan nói.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết thời gian qua, tính lan tỏa của chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh rất cao. Tuy nhiên, quy mô sản phẩm hiện nay còn nhỏ lẻ, các chủ thể sản xuất vẫn còn hạn chế về nguồn lực, vốn vay, cần thêm sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước.
Tương tự, ông Lê Trọng Yên – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – cho biết toàn tỉnh có 52 sản phẩm được công nhận OCOP. Tuy nhiên, sau khi rà soát, tỉnh đã mạnh tay thu hồi nhiều sản phẩm không đạt chuẩn. Điều này cho thấy các địa phương cần được hỗ trợ thêm khâu rà soát, kiểm tra chất lượng sản phẩm để tránh bị làm giả, nhái.
Trong khi đó, phát biểu tại chương trình, đại diện một doanh nghiệp cho biết cái cần hiện nay là xây dựng một hệ sinh thái cho OCOP, bởi hơn 4.000 chủ thể với hơn 8.000 sản phẩm OCOP hiện gần như không liên kết được với nhau. Ngoài ra, phải tạo kênh phân phối riêng, đặc trưng.
“Một hộp quà tặng cần có sự đa dạng sản phẩm để phù hợp thị hiếu khách hàng. Việc tạo một hệ sinh thái chung cho OCOP giúp doanh nghiệp dễ dàng phối hợp, ngồi lại với nhau để biết được mẫu mã, cách thức sản xuất, thị hiếu… từ đó tạo ra sản phẩm chung”.
Triển khai chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021 – 2025
Khuôn khổ chương trình, ông Ngô Trường Sơn – chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, công bố quyết định 919 của Thủ tướng ký ngày 1-8-2022 về chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 và quyết định số 922 của Thủ tướng về chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân…
8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên
Theo Bộ NN&PTNT, sau hơn bốn năm triển khai chương trình OCOP, đến ngày 31-8, tất cả 63/63 tỉnh, thành đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao.
Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.