Chương trình phục hồi kinh tế trọng tâm vẫn là hiệu quả của đầu tư công, do đó nếu chậm ngày nào sẽ mất cơ hội ngày đó.
Bộ Tài chính cho biết, qua hai tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư công đã giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2021, là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đến nay, đã có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 15% kế hoạch.
Chính phủ đặt ra nhiệm vụ năm 2022 phải hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công 100%. Đây là một mục tiêu khá tham vọng, nếu không có quyết tâm cao sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Bởi lẽ chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn là “căn bệnh cố hữu” trong nhiều năm qua. Nguyên nhân có rất nhiều, từ vướng mắc cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục phê duyệt đến triển khai đầu tư thiếu sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương đến các nguyên nhân chủ quan và khách quan của chủ đầu tư và nhà thầu.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, gần một nửa trong số 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (khoảng 113.000 tỷ đồng) sẽ dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đã có một danh mục dài các dự án được xây dựng, điều quan trọng là cần sẵn sàng các điều kiện để triển khai. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cùng một cơ chế, chính sách, nhưng nơi nào người đứng đầu chỉ đạo, điều hành sát sao thì kết quả giải ngân cao và ngược lại. Các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý, năm 2022 điều hành đầu tư công của Chính phủ rất quyết liệt, sẽ quy trách nhiệm rất rõ ràng với người đứng đầu nếu kết quả giải ngân chậm trễ.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần vận dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù Quốc hội cho phép, trong đó có cơ chế chỉ định thầu, quy trình có thể rút gọn nhưng cần lựa chọn các nhà nhà thầu có đủ năng lực và sẵn sàng chế tài để xử lý nếu nhà thầu không đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình.
Ông Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương kiến nghị: “Khi đã có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án đầu tư, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu và yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân thường xuyên với cấp có thẩm quyền để giám sát. Chính phủ, các bộ, ngành cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn”.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần một “cuộc cách mạng” trong lập dự án công trình đầu tư công trên tinh thần chủ động, rút ngắn các khâu xin ý kiến, mời thầu, đấu thầu. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc yêu cầu vốn và giao vốn vì có nhiều công trình gần cuối năm mới được giao vốn, hoặc bổ sung thêm vốn thì không có cách nào giải ngân hết. Việc thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư sẽ tạo ra đột phá để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Giải phóng mặt bằng đi trước thì sẽ khơi thông được dòng vốn, thi công sẽ nhanh hơn nhiều.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 mới đây, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhận định, bất lợi của tình hình thế giới, giá nhiên liệu và hàng hóa đầu vào tăng, áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ rất lớn. Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP với các khoản mục đầu tư công cụ thể, nhiệm vụ cụ thể và giao cho từng bộ, ngành, địa phương liên quan gắn với tiến độ, thời gian, hình thức triển khai thực hiện. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao hơn, bởi nếu để chậm một ngày giải ngân vốn đầu tư công, chậm một ngày thi công dự án đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để phục hồi nhanh nền kinh tế.
Theo DNSG