Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hầu hết các sản phẩm tồn kho trên thị trường bất động sản hiện đều nằm ở phân khúc cao cấp. Những sản phẩm này không có tính thanh khoản cao bởi không phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản được tổ chức ngày 15/12, các chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng và thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thông tin, hầu hết các sản phẩm tồn kho trên thị trường bất động sản hiện đều nằm ở phân khúc cao cấp. Những sản phẩm này không có tính thanh khoản cao bởi không phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Vì thế, vị chuyên gia cho rằng thay vì những căn hộ giá 6-7 tỷ đồng/căn, nếu các chủ đầu tư có nhiều hơn những sản phẩm giá 2-3 tỷ đồng thì chắc chắn trong một ngày mở bán, các sản phẩm gần như không còn.
“Thực tế hiện nay, bởi nhu cầu của thị trường của người dân rất cao và người dân đang chuẩn bị sẵn những nguồn lực để mua nhà, cùng với đó, rất nhiều các nhà đầu tư cũng vậy, họ vẫn trực chờ để tìm những sản phẩm có giá trị sản phẩm thích hợp có hiệu quả để có thể đưa tiền vào thị trường…” , ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Ông Đính lấy ví dụ từ gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở vào năm 2016, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Khi đó, Chính phủ chỉ đạo NHNN thông qua gói hỗ trợ, kích cầu thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp để khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế.
Theo ông Đính, thời điểm đó, con số 30.000 tỷ đồng so với thị trường là không thấm vào đâu, nhưng chính sách này đã kích cầu rất nhiều dự án được chuyển đổi từ phân khúc cao cấp sang nhà ở xã hội. Chính sách cũng không tác động trực tiếp đến thanh khoản, tuy nhiên đem lại những hướng đi mới, thúc đẩy sự phát triển của thị trường, các sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân.
Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản nhấn mạnh, với giai đoạn hiện nay, tinh thần quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cần phải được lan tỏa đến các bộ ngành, địa phương cùng quyết liệt vào cuộc mới có thể khơi thông được “điểm nghẽn” của thị trường.
Hiện tại, còn khoảng 1.000 dự án trên cả nước đang gặp điểm nghẽn về pháp lý mà chưa thể đưa vào thị trường, với tổng giá trị tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng. Nếu không khơi thông được số lượng tồn đọng này sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu vấn đề được giải quyết thì không chỉ thị trường bất động sản được giải cứu, mà còn thúc đẩy nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác cùng tăng trưởng.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, mới đây, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác rà soát các khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Tổ trưởng.
Bộ Xây dựng đang nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trong quy định pháp luật và các thủ tục triển khai dự án. Rà soát các quy định về đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở và xây dựng bất động sản… gây rào cản khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ cũng đang dự kiến trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các Nghị định, trong đó có các nghị định về quy hoạch, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội,…
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề mất cân đối nguồn cung bất động sản, sản phẩm cao cấp đang có nhiều, dư thừa và không phù hợp, Bộ Xây dựng cũng sẽ áp dụng các cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng lao động thu nhập thấp.
Theo Nhịp sống thị trường