Theo Chủ tịch HĐQT chuỗi Trà sữa Phúc Tea Trần Nhật Vũ, để tồn tại giữa “đàn cá mập” ngành F&B như Phúc Long hay Highlands Coffee, doanh nghiệp nhỏ cần có tầm nhìn “sẽ trở thành cá mập trong tương lai”.
Tại chương trình tọa đàm “Marketing ngành ẩm thực – Tưởng khó mà dễ” được tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tuần trước, các khách mời giàu kinh nghiệm đã cùng chia sẻ và thảo luận nhiều vấn đề trong ngành F&B.
Hai chủ đề lớn được đưa ra là Nghiên cứu tiền khả thi, định vị thương hiệu và Cách làm truyền thông – quảng cáo. Với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, các doanh nghiệp F&B dường như có thêm nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn, cũng như mang tới trải nghiệm tốt hơn.
Tuy nhiên, một câu hỏi được khán giả đặt ra là trước sự cạnh tranh khốc liệt từ những “ông lớn” như Phúc Long hay Highlands Coffee, doanh nghiệp nhỏ phải làm gì để “bơi cùng cá mập”?
Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Trần Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT chuỗi Trà sữa Phúc Tea với 115 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, cho rằng tầm nhìn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
“Để bơi cùng cá mập, đầu tiên chúng ta phải là cá mập, hoặc chúng ta sẽ trở thành cá mập trong tương lai. Để tham gia vào đội ngũ nào đó, đầu tiên chúng ta phải cùng tầm nhìn với họ, hoặc ít ra là mong muốn trong tương lai giống như họ”, ông nêu quan điểm.
Ông Vũ cho biết thương hiệu Phúc Tea đang chuẩn bị tiến vào thị trường Philippines, Campuchia và châu Phi với sự hỗ trợ từ các bên lớn, dù ban đầu bị từ chối khá nhiều lần.
“ Sau khi kiên trì đi theo học hỏi, tôi nhận ra là để người ta giúp mình, bản thân mình phải có mong muốn giúp mình trước. Khi đội ngũ thẩm định tới công ty, trước hết người ta sẽ tìm hiểu về founder, bởi người đứng đầu ảnh hưởng đến toàn bộ tầm nhìn của tập thể. Điều quan trọng khi hợp tác không phải là có tiền, mà là có tầm nhìn, nói được 5 năm nữa anh muốn trở thành ai, tôi sẽ đi cùng anh để đạt được tầm nhìn đó ”, ông Vũ chia sẻ.
Trả lời câu hỏi dưới một góc nhìn khác, Cựu Giám đốc Marketing chuỗi nhà hàng Golden Gate Nguyễn Mạnh Sơn phân tích rằng khi bơi cùng cá mập sẽ có ba trường hợp xảy ra. Một là làm sao để không bị ăn thịt, hai là cộng sinh và ba là tránh xa nó.
“Đầu tiên là làm sao để cá mập không ăn thịt mình được . Thường các doanh nghiệp địa phương, hay còn gọi là “cá con”, có lợi thế rất lớn trong việc am hiểu thị trường địa phương, hiểu các đối tác ở địa phương để có thể tạo ra hệ sinh thái, nâng giá trị cạnh tranh lên”.
“Nếu không, mình sẽ đi thị trường ngách, tránh xa con đường của cá mập.Trên thị trường có nhiều tệp khách hàng khác nhau. Có thể tập trung vào các nhóm thị trường ngách để tồn tại khi cá mập đang cắn những thị trường khác. Mình phục vụ khách hàng tốt sẽ giữ chân được”.
“Cá mập nhiều lúc chỉ nghĩ đến miếng bánh to, cho rằng miếng bánh nhỏ không đáng đầu tư. Đó là cơ hội của mình”, ông Sơn chia sẻ, nói thêm rằng biện pháp cuối cùng là cộng sinh, trở thành một trong các hệ sinh thái của “cá mập”.
Bà Nguyễn Hà Linh – Đồng sáng lập/Giám đốc chuỗi nhà hàng Koh Yam tự đánh giá doanh nghiệp của mình chỉ là “cá con”. Dưới góc nhìn này, bà Linh cho rằng khi doanh nghiệp còn nhỏ, việc chưa có tầm nhìn xa là điều bình thường. Quan trọng nhất là niềm đam mê và sự tự tin để kiên trì trên con đường khởi nghiệp.
“Khi mọi người hỏi 5 năm tiếp theo tôi sẽ định vị nhà hàng của mình như thế nào, tôi chỉ nghĩ đến kế hoạch 2 năm tới là tiến vào thị trường TP. HCM. Tôi đặt mục tiêu rõ ràng và ngắn hơn một chút để có thể chạm đến nó. Kế hoạch và checklist không quá dài để vừa đi vừa chạm mới có động lực và tính thực tế”.
“Không phải ai cũng may mắn có những người thầy đồng hành, dìu dắt để mình chạm đến ước mơ to lớn. Đôi khi chỉ có một mình mình bơi trong bể lớn. Vì vậy, tôi đặt mục tiêu thực tế và nhỏ lại để có động lực hơn trong quá trình làm”, bà Linh nêu quan điểm.
TIN CÙNG SERIES BIZINSIDER