Một món ăn với công thức chuẩn hoàn toàn có thể truyền được từ đời này sang đời khác. Nhưng nếu thiếu đi ý chí và công sức của con người thì ‘ngon mấy cũng khó mà thành công…’
Đó là chia sẻ của cô Ánh Nguyệt – chủ tiệm “Bún bò cay Ánh Nguyệt” nổi danh khắp Bạc Liêu suốt gần 50 năm nay. Nhưng trước khi tìm hiểu câu chuyện về người phụ nữ nắm giữ công thức đặc biệt này, chúng tôi muốn chia sẻ mọi người biết thực chất, bún bò cay là món ăn như thế nào mà lại có một câu chuyện truyền đời lâu đến thế.
“BÚN BÒ CAY” – NGHE THÌ TƯỞNG BÚN BÒ HUẾ NHƯNG NHÌN LẠI GIỐNG BÒ KHO?
Theo cô Nguyệt cho biết, món ăn này đã được gia đình nấu và đưa ra phục vụ thực khách tính đến nay đã gần 50 năm. Suốt quãng thời gian ấy cho đến nay, tuy không dám khẳng định trước đó đã có ai làm qua món này hay không, nhưng chính tiệm của cô được mọi người trong vùng và cả các nơi khác ngầm xem là “cái nôi khai sinh” món bún bò cay và sau này trở thành một trong những món đặc sản không thể thiếu khi du khách đặt chân đến xứ “Công tử Bạc Liêu”.
Nước lèo đậm đà nhưng lớp dầu ớt nổi trên bề mặt lại là thứ khiến nhiều thực khách tới đây đều ấn tượng đến khó quên. Vì vậy với những ai không thể ăn cay nhiều sẽ cần dặn thật kỹ để có thể thưởng thức tô bún bò cay một cách trọn vẹn nhất.
Để làm được món ăn này, cô Nguyệt phải hầm một nồi nước lèo suốt cả đêm để đạt được độ ngọt và đậm đà được tiết ra từ thịt, xương bò. Nhưng cách hầm xương không đơn giản như cách nấu hủ tiếu hay bún bò huế thông thường, mà phải qua thêm nhiều công đoạn, nhiều nguyên liệu khác để thành phẩm cuối cùng là loại nước lèo có độ sánh nhẹ nhưng không sệt, đậm đặc nhưng vẫn có độ trong, thơm mùi bò nhưng không nực nồng. Đặc biệt còn có một lớp váng dầu cay tê lưỡi được xào từ những quả ớt tươi nổi phía mặt nồi nước. Chính lớp dầu ớt cay sẽ tạo nên một trong những tầng vị ấn tượng làm nên thương hiệu của món bún bò cay độc nhất vô nhị này.
Khi ăn, mỗi tô sẽ có một phần bún tươi sợi nhỏ, chan thêm nước lèo đến xăm xắp mặt bún. Ăn kèm sẽ là nạm bò, gân được hầm thấm kỹ gia vị, đạt độ mềm nhưng vẫn chắc, dẻo đến từng thớ thịt. Các loại ngò gai, húng quế, ớt tươi bày sẵn trên bàn, ai muốn ăn cứ việc nêm thêm tùy sở thích. Và tuyệt nhiên, bún bò cay ở đây không ăn kèm với các loại rau sống khác như cách ăn bún bò huế. Và thay vì để thêm chắc bụng, người ta sẽ chấm kèm với bánh mì như cách ăn bò kho thì “bún bò cay Ánh Nguyệt” sẽ ăn cùng giò chéo quẩy mới được xem là “đúng bài”.
Tất cả sự kết hợp có phần hơi khác biệt so với các món ăn thường thấy, nhưng nó lại rất vừa vặn và đủ no cho một phần ăn chỉ với giá 25 – 50k đồng/tô.
BÍ MẬT CÔNG THỨC CỦA NGƯỜI BỐ CHỒNG TỪNG NẤU ĂN CHO CÁC LÃNH ĐẠO CẤP CAO THỜI XƯA
Tò mò về nguồn gốc của bún bò cay, chúng tôi đã có một buổi chia sẻ thân tình với cô Ánh Nguyệt – người đang nắm giữ công thức bí mật mà theo cô “đến nay chỉ người trong gia đình mới được biết”.
Cô kể, ngày xưa bố chồng của cô vốn là đầu bếp đi theo phục vụ cho các vị lãnh đạo cấp cao từ trước những năm 1975. Gia đình chồng cô thời đó tuy không quá khá giả, nhưng nhờ tính chất công việc mà bố chồng có nhiều cơ hội học hỏi khi nấu ăn cho các nhân vật được xem là có khẩu vị không phải tầm thường. Đến khi Giải phóng miền Nam, bố chồng cô quyết định vận dụng sở trường nấu nướng của mình mở quán bán món ăn này ở đất Bạc Liêu để nuôi sống gia đình. “Khi đó, quán hoàn toàn không có tên riêng, ông chỉ làm tấm bảng hiệu nhỏ ghi là “Bò kho” đại khái cho bà con, lối xóm biết là mình bán món bò.
Sau này khi ông không còn đứng bán nữa mới bắt đầu truyền lại nghề, cùng công thức bí mật được ông sáng tạo và đúc kết sau mấy chục năm buôn bán cho cô” – Cô Ánh Nguyệt chia sẻ.
Là con dâu, không phải là con ruột nhưng cô Ánh Nguyệt phải thừa nhận rằng vì cái duyên hay điều gì đó mà cả gia đình bên nội lẫn bên ngoại đều là người có khả năng nấu nướng khá tốt. Chính vì vậy mà khi tiếp nhận tâm huyết của bố chồng, cô Nguyệt đã dồn gần như tất cả tâm huyết lẫn sức lực để giữ vững tiếng tăm về món ăn do chính ông gầy dựng. “Ngay từ thời bố chồng cô bán, món ăn này đã nổi tiếng khắp vùng, quán cũng không ngày nào vắng khách nên đến thời của mình cái khó là phải làm sao để giữ nguyên hương vị lẫn chất lượng, như thế mới không làm phụ lòng ông”.
Và điều này đã được cô Ánh Nguyệt làm rất tốt. Theo chia sẻ từ những người dân sống tại đất Bạc Liêu này rằng, gia đình họ đã ăn bún bò cay ở đây từ nhiều đời, đến mức có đi ăn ở đâu cũng thấy không ngon, không bằng với tiệm ở quê nhà. Thậm chí vào những hôm khó chịu trong người, bà con quanh đây cũng tìm tới tiệm để ăn bằng được tô bún bò thật cay vì theo họ nó giúp vã mồ hôi và tỉnh rượu rất hữu hiệu.
TRĂN TRỞ VỀ THẾ HỆ NỐI NGHIỆP, LO NGẠI CÔNG THỨC GIA TRUYỀN SẼ KHÔNG CÒN?
Trong vấn đề làm ăn, buôn bán không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đã từng rất nhiều lần tiệm bún bò đã phải thay đổi địa điểm bán, nhưng vì nhung nhớ hương vị quen thuộc và chất lượng sau cả chục năm vẫn vẹn nguyên nên cứ đi đến đâu, khách lại tự tìm đến đó có khi lại còn đông hơn ngày trước.
Tưởng chừng mọi thứ đã rất ổn định, nhưng trong lòng của cô Ánh Nguyệt đã từng rất buồn vì một nỗi lo “đến khi mình không còn sức để làm thì không biết công thức gia truyền của bố chồng sẽ truyền cho ai?”
“Cách đây vài năm, khi đó ba người con của cô không chịu theo nghề. Mỗi lần cô kêu mấy đứa ra quán phụ thì chẳng ai chịu làm nên làm sao ép được các con khi tụi nó không thích. Mãi cho đến thời gian sau này, khi các con đã học xong đại học, thấy được công việc của mẹ, của gia đình đang làm có ý nghĩa và cơ hội phát triển thế nào thì tụi nó mới đồng ý quay về phụ giúp. Cô nói thật cô vui lắm, phần vì có con cái bên cạnh, chia sẻ công việc giúp mình. Phần nhiều là cô đã có thể yên tâm vì các con tự nhận thức và tự nguyện tiếp nhận giá trị truyền từ ông bà, cha mẹ để lại. Bây giờ cô mới bắt đầu có thời gian để nghỉ ngơi, đi gội đầu, thảnh thơi đầu óc. Công thức cô đã truyền cho các con và hàng ngày cô chỉ ra quán để hướng dẫn, kiểm tra chất lượng món ăn và khách khứa đến ủng hộ quán” – Cô Ánh Nguyệt cho biết.
Tính đến nay, “Bún bò cay Ánh Nguyệt” đã đến đời thứ 3 phát triển việc kinh doanh món đặc sản của Bạc Liêu, nhưng mọi thứ được cô Nguyệt khẳng định là vẫn như cũ. Vì món ăn này có thể đối với nhiều người ở các vùng khác xem là mới lạ vì chưa có cơ hội thưởng thức. Nhưng với người dân trong vùng, “Bún bò cay Ánh Nguyệt” là cái gì đó chứa đựng cả “hương vị” của quê nhà mà mỗi sáng họ có thể tìm đến để thưởng thức, hoặc khi đi xa là lại nhớ về nó.
Theo Tổ Quốc