Đeo đuổi giấc mơ hoàn hảo

10 năm xây dựng thương hiệu tại Việt Nam, Misa Vu là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong việc thực hiện các tiệc cưới xa hoa.

Năm 2009, The Lover, tiệc cưới được thiết kế giống phim trường đưa cô dâu chú rể và khách tham dự về lại thời Đông Dương được mô tả trong bộ phim Người tình, với nội thất là từng tấm cửa sắt lớn, piano, bàn ghế gỗ mang phong cách cổ xưa. Khách viết lời chúc lên từng xác lá bồ đề trong veo.

Tháng 9.2016, Galaxarium, tiệc cưới mang ý tưởng về một con tàu vũ trụ đưa khán phòng dự tiệc ngoài thiên hà. Màn hình LED được gắn trên trần, sàn khách sạn và toàn bộ khu vực sân khấu lớn tại khách sạn Melia, Hà Nội, thay đổi liên tục theo từng khoảnh khắc. Nghệ sĩ được hóa trang như các vị khách đến từ các hành tinh khác. Cô dâu chú rể phá tảng băng thay vì cắt bánh cưới. Người tham dự ký tên chúc mừng lên màn hình cảm ứng lớn.

Tháng 10.2018, 120 nhân viên làm việc 72 giờ liên tục tại Gem Center, TP.HCM, treo khối kiến trúc sắt khung vòm lên cao cùng tháp hoa tươi, chỉnh từng khóm hoa, từng cụm đèn, vừa kịp hoàn thành cho tiệc cưới kéo dài năm giờ đồng hồ. 10 ngàn cây nến được treo lơ lửng lấy cảm hứng từ bộ truyện Harry Potter để mô tả ý nghĩa bữa tiệc Levitate – thăng hoa trong thiền định.

10 năm, Misa Vu đã xây dựng thương hiệu nhà tổ chức sự kiện chuyên về tiệc cưới, “như thể cưới lại hàng trăm lần, nhưng mỗi tiệc là đặc biệt và duy nhất.” Năm năm trở lại đây, công ty tổ chức trung bình mỗi năm khoảng 20 tiệc, chiếm 70% số lượng tiệc của công ty và bên đặt tiệc thanh toán 90% chi phí trước sự kiện. Khác với các công ty khác, Misa Vu không bao giờ tham gia “đấu thầu.” Trên thị trường tổ chức sự kiện và tiệc cưới, Misa Vu là cái tên được nhắc tới với lời đánh giá “ý tưởng sự kiện rõ ràng xuyên suốt, biết cách tạo nên sự khác biệt” – cô dâu của bữa tiệc Galaxarium chia sẻ. Ông Đỗ Đức Việt, giám đốc công ty sản xuất phim MOD nhận xét: “Misa Vu rất chuyên nghiệp và có năng lực tổ chức.”

Misa Vu: Đeo đuổi giấc mơ hoàn hảo - ảnh 2

Trong tiệm cà phê, sáng sớm ngày thứ hai, Misa (tên thật là Nguyễn Anh Vũ) xuất hiện với mái tóc đen thẳng dài cùng chiếc váy maxi màu kem, vắt chéo chân bên tách trà nóng. Cô ngồi giữa tiệm, vừa đủ ánh sáng tự nhiên, vừa đủ sáng của đèn và đủ sáng của nến hắt lên gương mặt, để lộ trán cao và rộng.

“Sự kiện thành công 70% là do thiết kế và kịch bản, 30% còn lại là do ánh sáng đưa người tham dự vào cảm xúc toàn bộ buổi tiệc,” Misa nói. Những bữa tiệc cưới xa xỉ với khoảng nửa tỉ đồng chi phí cho dàn đèn, tạo hiệu ứng hoành tráng cho toàn bộ không gian, đưa ánh sáng chính xác tới từng điểm nhấn, tạo độ sắc nét cho từng chi tiết.

Misa và Đỗ Vũ, hai người bạn thủa thiếu thời, đã cùng nhau xây dựng thương hiệu Misa Vu từ năm 2009. Cùng tên Vũ, chung đam mê, sở thích, đôi bạn kinh doanh thiệp năm Nguyễn Anh Vũ (Misa) 13 tuổi. Năm đó, Đỗ Vũ 18 tuổi. Misa làm thiệp ở nhà, còn Đỗ Vũ ngoài giờ học và thời gian làm gia sư, anh tìm đến các cửa hàng sách và văn phòng phẩm ở khắp Sài Gòn để gửi thiệp bán. Việc

kinh doanh thiệp “làm chơi mà lãi nhiều” như lời Misa mô tả, tiếp tục tới năm 2005. Năm 2009, 27 tuổi, cô là họa sĩ có bốn năm kinh nghiệm vẽ tranh kính và đồ thủy tinh tại Sài Gòn. Lời đề nghị của người bạn thân “đã làm thiệp cưới thì làm luôn tiệc cưới” khiến The Lover ra đời, mở đường cho Misa Vu ra mắt thị trường.

                                                                                                                                                                            ✧ ✧ ✧

Kinh doanh tiệc cưới cao cấp không chỉ dành cho người đeo đuổi giấc mơ hoàn hảo, mà còn có những khách hàng cùng tiêu chí “mê cái đẹp”. Trong khi vật liệu và kỹ thuật thi công, thiết kế nội thất, kiến trúc là hạn chế của nhiều công ty sự kiện, vì thế mạnh chủ yếu của họ là hoa, thì Misa Vu lại may mắn có sự kết hợp đó. Misa tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Công nghiệp chuyên ngành Tạo dáng công nghiệp và Thiết kế nội thất, Đỗ Vũ tốt nghiệp Bách Khoa ngành Địa chất am hiểu về kỹ thuật và có tố chất nghệ thuật. Cả hai đều tự học về tổ chức event. Họ chủ động trong ý tưởng và kỹ thuật.

Theo số liệu thống kê năm 2016 của hiệp hội các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 500 ngàn tiệc cưới. Cung ứng giấc mơ xa xỉ, Misa Vu chỉ thực hiện khoảng 0,004% số lượng này. Công ty yêu cầu khách hàng phải đặt trước ít nhất ba tháng, nếu cầu kỳ có thể phải đặt trước 1,5  – 2 năm.  Trong đó, tháng đầu tiên thường là lên ý tưởng thiết kế từ ý tưởng ban đầu của khách hàng, tháng kế tiếp dành cho việc chỉnh sửa và tìm chất liệu, sau đó làm việc với các đối tác khác nhau để thực hiện kết cấu hạ tầng, trang trí, từ thiệp cưới, menu trên bàn ăn, từng chi tiết nhỏ như màu sắc hoa, âm thanh, ánh sáng, kịch bản chương trình xuyên suốt, tạo được không khí cho buổi tiệc và tạo cảm xúc nhiều nhất cho người tham dự bằng tất cả các giác quan.

Đâu là cách để Misa Vu khiến người khác nhớ tới mình? “Mỗi đám cưới là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất.  Sau tiệc, 70% vật liệu kiến trúc sẽ bị hủy xả để đảm bảo không có lần thứ hai,” Đỗ Vũ nói. “Tiệc sau khó hơn, đẹp hơn, khác biệt so với tiệc trước. Không ai cầm tiền tỉ để đánh cược với đám cưới – sự kiện duy nhất và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Mình vừa đem đến cho họ bất ngờ, vừa đem đến cho họ sự hài lòng. Sự mong muốn của khách hàng, phải kết hợp với sự chuyên nghiệp của mình, và cùng chung hướng tới cái đẹp,” Misa chia sẻ.

Misa Vu: Đeo đuổi giấc mơ hoàn hảo - ảnh 3

“Mỗi đám cưới là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất. Sau tiệc, 70% vật liệu kiến trúc sẽ bị hủy xả để đảm bảo không có lần thứ hai. Cho dù là chất liệu gì, đường nét phải sắc sảo, chau chuốt bằng cách cắt lazer từng lớp, có thể sẽ mất mười mấy giờ. Cả dàn giáo phải nhích từng chút, có thể mất cả đêm, theo từng lớp cao thấp khác nhau. Không thể áng chừng, không thể mặc kệ.”

Misa “bật mí” 60% khách hàng đến từ Hà Nội. “Khách hàng chưa bao giờ chê đắt, chưa bao giờ cắt bớt một hạng mục, và chưa bao giờ nói Misa Vu làm không đẹp”. Tuần lễ cưới, ngoài đám hỏi và vu quy, có thể bao gồm các tiệc đón khách tại tư gia, sau đó tiệc chính tại khách sạn, và tiệc cảm ơn khách tới hết tuần.

Trong sáu năm đầu, Misa Vu từ chối 80% khách hàng vì không tìm được tiếng nói chung về cái đẹp và cầu kỳ. Hiện nay, khách hàng tìm đến Misa Vu chắc chắn biết họ cần gì, muốn gì và sẽ nhận được gì. Đó có thể là biến một bãi đất trống thành lâu đài, biến một căn nhà thành một vườn hoa, biến một khung nhà thành vườn nhiệt đới. “Giá cả phụ thuộc vào chi tiết khách hàng muốn kỹ tới đâu. Sản phẩm luôn được làm tỉ mỉ, kỹ lưỡng bằng tay.” Có những tiệc được đầu tư, sân khấu được dàn dựng từ hàng trăm ngàn sợi chỉ cắt bằng lazer sắc sảo, từng lớp với độ dài ngắn khác nhau, chính xác tới từng millimet. “Thợ phải treo từng sợi chỉ, hơn 10 giờ làm việc, theo từng lớp có khoảng cách chính xác, và khi treo lên, cả giàn giáo không lệch một chút nào, phải mất cả đêm để nhích từng chút một, bảo đảm chính xác tuyệt đối. Không thể áng chừng, không thể mặc kệ,” Misa nói. Không có nhiều nhân sự,  chủ yếu là thiết kế, Misa Vu thực hiện sự kiện lớn với các đối tác. Cách giữ lại được đối tác gắn bó lâu dài, theo Misa Vu, là phải  biết cách nâng họ lên các trình độ khó hơn mỗi ngày.

Năm 2019, ngoài Misa Vu, chị Misa còn cho sáng lập công ty Wedding World by Misa Vu dành cho phân khúc khách hàng rộng hơn, với mức giá khoảng 500 triệu đồng một tiệc. Tất nhiên, ở mức giá này phải chấp nhận có một vài motif trang trí được lặp lại cho các tiệc cưới, nhưng với chất lượng tốt nhất từ Misa Vu. “Nụ cười của khách hàng là phần thưởng lớn nhất mình có được. Đeo đuổi cái đẹp luôn là triết lý của Misa Vu”, anh Đỗ Vũ chia sẻ qua điện thoại, khi đang di chuyển trong khu vực Trung Đông để chuẩn bị khai trương trung tâm tiệc cưới hiện đại bậc nhất tại Pakistan với sức chứa khoảng 3000 người vào tháng 9 này.

Theo Forbes Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT