Sự xuất hiện của các chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho thấy, khả năng trò chuyện trôi chảy và tự nhiên của chúng đang dần trở nên khó phân biệt với người thật.
Kể từ tháng 10, Xiaoyuan đã dành hàng giờ trò chuyện với hàng trăm đối tượng tiềm năng trên nhiều ứng dụng hẹn hò, với profile (hồ sơ) được hiển thị là một phụ nữ 28 tuổi. Tuy nhiên, các cuộc trò chuyện này không nhằm mục đích tìm kiếm một người hẹn hò phù hợp. Thay vào đó, nhiệm vụ chính ở đây là săn lùng những kẻ lừa đảo trên mạng.
Cũng phải nói thêm rằng, Xiaoyuan không phải là tên của người thật. Thay vào đó, đây thực chất là tên gọi của một chatbot AI (chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tương tác với con người), tương tự như chatbot AI nổi tiếng nhất hiện nay là ChatGPT. Khác với chatbot của OpenAI, Xiaoyuan chỉ được phát triển bởi một lập trình viên sinh sống ở Thượng Hải (Trung Quốc) tự gọi mình là Turing’s Cat.
Trả lời Sitxth Tone, lập trình viên 27 tuổi này khẳng định mình đã thiết kế một chatbot ‘đội lốt’ một cô gái trẻ trung và quyến rũ để “đánh lừa những kẻ lừa đảo và đánh lạc hướng chúng khỏi việc đi lừa người khác. “.
“Những kẻ lừa đảo ngày càng hiểu biết và tinh vi hơn,” lập trình viên từ chối chia sẻ danh tính vì sợ bị trả thù khẳng định. “Họ có thể dễ dàng tương tác với những người có học thức bằng cách nói chuyện về phim ảnh, triết học và thậm chí cả lập trình. Tôi tò mò muốn biết liệu AI có thể đánh lừa những kẻ lừa đảo hay không.”
Khi ngày càng nhiều người Trung Quốc sử dụng internet, vấn nạn lừa đảo trực tuyến đã trở nên phổ biến trên khắp quốc gia tỷ dân, đặc biệt là trên các ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội. Các nạn nhân bị lừa chủ yếu là người lớn tuổi và những người độc thân, vốn bị mất những khoản tiền khổng lồ.
Năm 2021, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phá hơn 394.000 vụ lừa đảo trực tuyến và qua mạng viễn thông, đồng thời bắt giữ hơn 630.000 nghi phạm, trong bối cảnh nhiều băng nhóm tội phạm đã chuyển hoạt động sang các nước Đông Nam Á do bị gia tăng truy quét tại quê nhà.
Tuy nhiên, các hoạt động gian lận trực tuyến như vậy vẫn tràn lan. Turing’s Cat cho biết anh đã trình báo hàng chục trường hợp nghi lừa đảo từ các địa điểm không xác định cho cơ quan chức năng trong vòng 2 tháng, với sự hỗ trợ của chatbot Xiaoyuan.
Vào tháng 12, lập trình viên này cũng đã đăng nhật ký trò chuyện (chatlog) giữa một kẻ lừa đảo và Xiaoyuan trên website phát video trực tuyến Bilibili. Đoạn chatlog này minh họa cách chatbot có thể trò chuyện một cách mạch lạc và tự nhiên với một người đàn ông, sau khi chuyển cuộc trò chuyện của mình từ ứng dụng hẹn hò sang nền tảng nhắn tin WeChat. Hai bên thảo luận về các chủ đề khác nhau, từ tác phẩm văn học cổ điển “The Great Gatsby” cho đến các công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm nguồn đầu tư.
Khá thú vị, để ‘câu kéo’ Xiaoyuan, người đàn ông này thậm chí đã chuyển trước khoảng 520 nhân dân tệ (75 USD) nhằm thuyết phục chatbot này tham gia vào một ‘khoản đầu tư sinh lời cao”.
Kẻ lừa đảo sau đó đã chặn Xiaoyuan sau khi không thể lấy lại tiền của anh ta. Lập trình viên Turing’s Cat sau đó đã quyên góp số tiền này cho một tổ chức từ thiện.
Turing’s Cat cho biết: “Mặc dù một kẻ lừa đảo có thể trò chuyện với hàng chục người cùng lúc, nhưng AI không gặp bất kì giới hạn nào”.
“Miễn là máy chủ đủ mạnh, chatbot có thể trò chuyện với hàng nghìn kẻ lừa đảo cùng lúc. Ngay cả khi những kẻ lừa đảo sớm phát hiện ra họ đang trò chuyện với AI, thì chúng cũng sẽ mất thời gian để tiếp cận người thật, và do đó làm giảm khả năng các nạn nhân khác bị lừa đảo.”
Phát triển bởi duy nhất một người
Turing’s Cat cho biết anh đã sử dụng Yuan 1.0, một mô hình ngôn ngữ mã nguồn mở do gã khổng lồ máy chủ Trung Quốc Inspur phát hành vào năm 2021, để tạo chatbot. Giống như các chatbot AI khác, Xiaoyuan đã dành hàng giờ quét phần bình luận của Bilibili để trau dồi kỹ năng…nhắn tin, sử dụng tiếng lóng trên mạng và thể hiện sự hài hước. Turing’s Cat cũng chỉ cho phép Xiaoyuan nói chuyện độc lập sau khi cuộc trò chuyện với những kẻ lừa đảo được chuyển sang WeChat.
“Bạn không cần phải đào tạo (Yuan 1.0) ngay từ đầu,” lập trình viên này nói. “Mô hình này đã được đào tạo với 5.000 gigabyte dữ liệu, bao gồm văn bản tiếng Trung chất lượng cao trực tuyến trong 5 năm qua. Nó đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản của tôi về một AI có khả năng trò chuyện tự nhiên.”
Sự xuất hiện của các chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho thấy, khả năng trò chuyện trôi chảy và tự nhiên của chúng đang dần trở nên khó phân biệt với người thật. Ảnh: Internet
Theo Sitxth Tone, các phần mềm Chatbot AI có khả năng giao tiếp tự nhiên bằng tiếng Trung Quốc đã tồn tại trước đây. Nhưng các chatbot này không hoàn hảo và chỉ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như tiếp thị qua điện thoại và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các chatbot như Xiaoyuan là minh chứng cho việc ngày càng có nhiều lập trình viên trẻ tuổi hoạt động trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo. Số lượng chuyên gia làm việc trong lĩnh vực AI ở Thượng Hải đã tăng vọt từ 100.000 vào năm 2018 lên 180.000 vào năm 2021, trong bối cảnh quốc gia này tăng cường áp dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau và đầu tư hàng tỷ USD.
Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bao gồm Huawei, Baidu và Inspur cũng đã phát hành phiên bản tương đương bằng tiếng Trung của mô hình ngôn ngữ nổi tiếng GPT-3 của OpenAI vào năm ngoái.
Điều này cho thấy rằng, quốc gia tỷ dân sẽ sớm là một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua phát triển các chatbot AI thông minh trong thời gian tới.
Theo thethaovanhoa.vn