“Tôi tri ân và mong muốn đem đến khách hàng sản phẩm tốt nhất”
Thập niên 90 của thế kỷ trước, sản phẩm Kềm Nghĩa bắt đầu xuất hiện với tên gọi khi ấy là Nghĩa Sài Gòn. Gần 30 năm qua, dù nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng bằng niềm tin mãnh liệt, thương hiệu Kềm Nghĩa có chỗ đứng quan trọng trong danh mục sản xuất dụng cụ chăm sóc sắc đẹp. Nhìn lại chặng đường đáng tự hào ấy, Tạp chí DNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kềm nghĩa.
DNVN: Trong suốt chặng đường gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, ông có thể chia sẻ những cột mốc đặc biệt trong sự nghiệp của mình?
Ông NMT: Đối với tôi, mỗi năm trong thời gian 3 thập kỷ đó đều là những cột mốc đáng nhớ. Năm 1982, tôi giải ngũ với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp. Tôi phụ việc tại tiệm làm móng của chị ruột mình, lâu lâu phải mang kềm đi mài tại nhà ông Năm Sài Gòn. Tôi nhận ra ngay là thợ mài kềm đang rất thiếu, thế là tôi xin học nghề. Tôi học kỹ thuật mài kềm từ ông Sáu thợ thiếc rồi học cách kiếm tiền của ông Năm. Đây chính là cột mốc khởi nghiệp đầu tiên của tôi.
Năm 1992, sau 10 năm làm nghề và ấp ủ kế hoạch mở xưởng, tôi cùng một số anh em hùn vốn xây dựng cơ sở sản xuất kềm lấy tên là “Nghĩa Sài Gòn”. Từ năm 1992 – 1999, sản lượng kềm bán ra của Kềm Nghĩa giai đoạn này tăng vọt. Nhiều người tranh nhau xin làm đại lý cho Kềm Nghĩa và mạng lưới phân phối kềm Nghĩa nhanh chóng được hình thành và phát triển rộng rãi trên cả nước.
Năm 2006, Kềm Nghĩa mở đại lý chính thức tại thị trường Mỹ. Sau đó bốn năm công ty con Nghia Nippers Corporation ra đời đảm nhiệm khâu phân phối chính thức tại thị trường này. Năm 2008, Kềm Nghĩa đã tiến hành chuyển đổi từ TNHH lên Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa. Năm 2014, mong muốn ấp ủ hơn 10 năm của tôi đã thực hiện được đó là phát hành cổ phiếu ESOP lần đầu tiền cho CB-CNV. Năm 2015, tôi cùng Ban lãnh đạo Công ty CP Kềm Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư vào Khu công nghiệp Tân Phú Trung để xây dựng nhà máy nhà máy mới với với tổng số vốn đầu tư là 298 tỷ đồng, sản lượng trung bình 850 tấn sản phẩm/năm trên diện tích hơn 5ha.
DNVN: Thành công của Kềm Nghĩa thể hiện qua những con số như thế nào, thưa ông?
Ông NMT: Năm 2010 tổng tài sản của Kềm Nghĩa là 288 tỷ đồng, năm 2014 tổng tài sản của Kềm Nghĩa đã tăng lên 440 tỷ đồng tức là tăng 53%.
Doanh thu năm 2010 của Kềm Nghĩa là 276 tỷ, năm 2014 tổng doanh thu của Kềm Nghĩa gần 500 tỷ, tăng gần 50%. Năm 2010, lợi nhuận sau thuế của Kềm Nghĩa là 29 tỷ đồng, năm 2014 lợi nhuận sau thuế của Kềm Nghĩa là 58 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Những con số này minh chứng hùng hồn tốc độ phát triển nhanh và vững chắc của Kềm Nghĩa trong 5 năm qua.
DNVN: Là doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất kềm tại Việt Nam, Kềm Nghĩa đã phải vượt qua áp lực canh tranh của thị trường như thế nào để khẳng định vị thế của một thương hiệu đứng đầu?
Ông NMT: Tại Việt Nam, Kềm Nghĩa chiếm thị phần áp đảo. Áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa đối với chúng tôi không quá lớn. Tuy nhiên cũng đủ để giúp chúng tôi nhận thức rằng sự hiện hữu của một môi trường cạnh tranh sôi động trong nước là rất cần thiết, vì điều đó sẽ giúp cho ngành kềm Việt Nam lớn mạnh, đưa Việt Nam trở thành một trong các cường quốc xuất khẩu kềm trên thế giới.
DNVN: Cuối năm 2015, Việt Nam chính thức đạt được thỏa thuận TPP. Theo ông, điều này sẽ đem đến những thuận lợi, cũng như khó khăn gì cho sự phát triển của Kềm Nghĩa?
Ông NMT: Theo tôi, thuận lợi lớn nhất đối với Kềm Nghĩa khi Việt Nam gia nhập TPP là xuất nhập khẩu. Hiện tại, nguồn nguyên liệu chính của Kềm Nghĩa là thép nhập khẩu từ Nhật nên việc gia nhập TPP sẽ giúp cho việc nhập khẩu nguyên liệu của chúng tôi được miễn thuế nhập khẩu và giảm được giá thành sản phẩm. Đối với xuất khẩu, chúng tôi sẽ được miễn thuế xuất khẩu kềm từ Việt Nam đến các các nước thành viên, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường truyền thống.
Song song đó, tất cả các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nước khác khi hiệp định TPP được ký kết và Kềm Nghĩa cũng không thể năm ngoài sự cạnh tranh đó. Tuy nhiên, với Kềm Nghĩa thách thức này lại là một thuận lợi vì tiềm năng cạnh tranh sản xuất kềm từ các nước thành viên trong TPP đối với Kềm Nghĩa không lớn, trong khi đó khả năng hợp tác phát triển trong lãnh vực gia công kềm OEM đối với các doanh nghiệp Nhật , Mỹ là rất cao, đồng thời việc bán sản phẩm Kềm Nghĩa sang các thị trường mới như Mexico , Chile, Peru, Úc .. lại rất tiềm năng.
DNVN: Chiến lược những năm tiếp theo của Kềm Nghĩa là gì?
Ông NMT: Phát triển nhanh và mạnh kênh phân phối tại Mỹ; Mở rộng và đầu tư kênh phân phối thị trường Asean, đào sâu các thị trường đã khai thác; Đầu tư hiện đại hóa công nghệ và quy trình sản xuất; Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất Kềm phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất; Hoàn thiện hệ thống quản lý, hệ thống thông tin và các công cụ quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh; Tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá để Kềm Nghĩa trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu thế giới.
DNVN: Thành công của Kềm Nghĩa ngày hôm nay có vai trò rất lớn từ CEO Nguyễn Minh Tuấn. Điều gì làm ông tâm đắc từ chính con người của ông?
Ông NMT: Kềm Nghĩa có được như ngày hôm nay là những nỗ lực không chỉ riêng tôi mà còn có sự hợp tác và đồng sức đồng lòng từ những cộng sự. Tôi làm mọi việc đều xuất phát từ cái tâm của mình. Tôi tâm đắc với nghề mình đang làm, tôi biết mỗi sản phẩm mà tôi làm ra đến tay người tiêu dùng và được tiếp nhận là do tôi cũng như những cộng sự của mình đều để trái tim vào từng sản phẩm. Với khách hàng, tôi rất cảm ơn vì đã chọn Kềm Nghĩa làm sản phẩm chăm sóc cá nhân và luôn mong muốn mang đến những sản phẩm tốt nhất.
DNVN: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.