Lá thư của Bác gửi các giới Công Thương Việt Nam

“Cùng các ngài trong giới Công – Thương”, lời mở đầu của Bác Hồ trong lá thư nổi tiếng từ năm 1945 (*), cách nay 74 năm, giờ đọc vẫn cảm động và ngạc nhiên. Từ sau ngày Độc lập, vị Chủ tịch bộn bề đầy lo lắng công việc của đất nước còn đói nghèo kiệt quệ, đã sớm thấy sứ mạng của một giới, đến nay đã là trọng yếu, mối quan tâm hàng đầu của cả loài người, chứ chả riêng gì Việt Nam.

Lá thư của Bác gửi các giới Công Thương Việt Nam

Ngày ấy, giới Công Thương hiện ra trong những câu chuyện vô cùng cảm động. Cụ bà Trịnh Văn Bô (tên thật là Hoàng Thị Minh Hồ) đã hiến cho Nhà nước 5.000 cây vàng, từng hào hứng kể câu chuyện không khí của Tuần lễ vàng ở Hà Nội: “Nhiều người ủng hộ lắm. Lúc đó chỉ có tha thiết đất nước độc lập. Mọi người xếp hàng vào nơi tổ chức là Nhà hát Lớn, tự trút bỏ các tư trang vào cái lư hương có hai con hạc hai bên long trọng”. Câu chuyện làm từ thiện của cụ bà Trịnh Văn Bô còn tiếp nữa: “Mẹ tôi bảo kinh doanh phải có lời. Con kiếm 1 đồng, giữ cho con cháu 7 hào, còn 3 làm từ thiện. Thời Pháp dọn nghĩa trang Hợp Thiện nơi chôn đồng bào chết đói – nhà tôi giúp 100 cái tiểu. Năm 1937, bom Mỹ Nhật ném Đông Khê, Thất Khê, tôi cũng giúp 20 lạng vàng. Năm 1939, lụt Hưng Yên 2 huyện đói, chúng tôi đi xuống tận nơi phát gạo, tiền cho người ta…”.

Ôn lại ký ức một chút với độ lùi hơn 70 năm để thấy giới doanh nhân Việt Nam có truyền thống đẹp từ ngày trứng nước, dù ngày nay công việc của các doanh nhân đã quy mô hiện đại hơn nhiều. Ngày nay, doanh nhân làm từ thiện đã là một yếu tố của trách nhiệm xã hội, là một công việc trong nội dung và phát triển doanh nghiệp. Vận hành doanh nghiệp không chỉ làm ra sản phẩm tốt, thu lãi mà còn có điều kiện để giúp đỡ người khác. Đó cũng đang là “công thức” của giới doanh nhân.

Việt Nam hiện nằm trong top các quốc gia có phong trào khởi nghiệp tốt. Dù điều kiện và chất lượng kinh doanh ngày nay đã khác xưa. Doanh nhân bây giờ phải năng động, giỏi giao tiếp, tiếp thu cái mới, biết phân tích, biết điều khiển cảm xúc, ứng phó được với những thách thức quản trị hiện đại của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Doanh nhân ngày nay còn phải đối diện với cạnh tranh khốc liệt, tiếp cận công nghệ mới, nỗi lo quản trị rủi ro, giữ chân người tài… Ngày nay, họ là những doanh nhân đóng góp nhiều mặt cho nền kinh tế và cũng có một nhân sinh quan hiện đại.

Họ vẫn tiếp tục phấn đấu cho sứ mệnh cao cả với khát vọng làm điều tốt đẹp, được đất nước ủng hộ và kỳ vọng, như Bác Hồ đánh giá “… giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Và dù còn nhiều khó khăn thách thức, Bác viết: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Lá thư viết đã 74 năm. Lời Bác Hồ vẫn rất tiên tri và thời sự.

———–

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tập 4, trang 53

Theo Doanhnhansaigon

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT