Ông Dave Murphy, Head of Financial Services – tập đoàn Publicis Sapient cho biết làn sóng bùng nổ FinTech tại châu Á sẽ đem lại cho ngành ngân hàng Việt Nam cơ hội nhảy vọt đuổi kịp các nước trong khu vực.
Tháng 11/2020, ngân hàng lớn nhất Thái Lan là Siam Commercial Bank (SCB) cho ra mắt ứng dụng giao đồ ăn với tên gọi Robinhood thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm nội bộ. Robinhood cạnh tranh trực tiếp với những siêu ứng dụng đang làm mưa làm gió tại thị trường Đông Nam Á như Grab hay Gojek. Sau gần 2 năm, startup đã vượt qua qua Grab và trở thành ứng dụng giao đồ ăn thành công nhất tại Bangkok.
Câu chuyện của Robinhood và SCB là ví dụ điển hình nhất cho xu hướng phát triển của ngành ngân hàng trong làn sóng bùng nổ của công nghệ tài chính (FinTech) hiện nay.
Ngành ngân hàng dịch chuyển theo làn sóng lớn
Số liệu dự báo của Deloitte cho biết doanh thu FinTech toàn cầu trong năm 2018 đạt mức 101 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 207 tỷ USD vào năm 2024. Dự báo này được hãng kiểm toán đưa ra trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Các khoản đầu tư mạo hiểm vào startup FinTech tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã tăng lên mức cao kỷ lục 15,69 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn gấp đôi so với con số 5,87 tỷ USD của năm trước, theo báo cáo của S&P Global Market Intelligence được công bố gần đây. FinTech được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực nóng nhất ở Đông Nam Á sau khi số tiền kỷ lục được bơm vào các startup vào năm ngoái. Làn sóng lan tỏa và phát triển của FinTech buộc các ngân hàng truyền thống bắt đầu nghĩ tới câu chuyện dịch chuyển và thay đổi.
“Các ngân hàng đang dần trở thành những công ty công nghệ khổng lồ”, ông Dave Murphy, Head of Financial Services- tập đoàn Publicis Sapient đánh giá.
Theo ông Dave Murphy, hiện nay công nghệ FinTech được ngành ngân hàng áp dụng và cải tiến trên toàn bộ chuỗi giá trị cung cấp cho người tiêu dùng thay vì một vài mảng đơn lẻ. Công nghệ không chỉ giúp ngân hàng cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn cải tiến quy trình nghiệp vụ từ tín dụng, dư nợ và các hoạt động hậu kỳ.
Vị chuyên gia này cho biết ngành ngân hàng liên tục có những cải tiến không chỉ đơn thuần là những thanh toán hàng ngày mà hướng tới khái niệm siêu ứng dụng (super app). Họ ngày càng chú trọng đến những câu chuyện hàng ngày như thanh toán điện tử, vay tiêu dùng hay cho vay những khoản nhỏ.
“Những ngân hàng lớn là người phù hợp nhất để triển khai những cải tiến mang tính đột phá này. Họ có sẵn lượng người dùng lớn, dữ liệu khách hàng. Nếu quyết tâm thay đổi thì họ có lợi thế nhất trong câu chuyện tiên phong thay đổi. Quan sát tại Thái Lan cho thấy, các ngân hàng thay vì chờ đợi đã tiên phong, thử nghiệm mới những ứng dụng FinTech”, chuyên gia đến từ Publicis Sapient chia sẻ.
Theo đánh giá của ông Dave Murphy, xu hướng dịch chuyển cải tiến của ngành ngân hàng còn được thúc đẩy với gia tốc mạnh mẽ dưới tác động của dịch Covid-19. Tại các quốc gia vốn đã phát triển thanh toán điện tử, xu hướng chuyển dịch sang xã hội không tiền mặt diễn ra nhanh chóng. Xu hướng này buộc các ngân hàng cũng phải có những động thái từ số hoá quy trình cho đến triển khai dịch vụ, sản phẩm.
Một điểm thú vị khác được ông Murphy cho là nguyên nhân thúc đẩy chuyển dịch của các ngân hàng chính là thách thức đến từ các siêu ứng dụng như Grab. Xuất phát từ một ứng dụng đặt xe, hiện Grab đang mở rộng sang tín dụng vi mô tại một số thị trường. Thậm chí tại Singapore, Grab đã được cấp giấy phép ngân hàng ảo và đang xúc tiến để được cấp phép ngân hàng truyền thống.
Cơ hội nhảy vọt với ngân hàng Việt Nam
Lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ phía Chính phủ.
Theo Báo cáo Fintech Việt Nam của Fintech News Singapore, trong quý 4 năm 2021, thanh toán điện tử tăng 75% với tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020. Các công ty Fintech tham gia thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng cao chưa từng có. Ví dụ giá trị thanh toán trên ví MoMo đã tăng gần gấp đôi sau 1 năm, kể từ tháng 01/2020.
Theo báo cáo nghiên cứu của McKinsey đến năm 2030, 40% tiêu dùng của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi những người thành thạo công nghệ được sinh ra trong giai đoạn từ 1980 đến 2012. Nhóm người này có xu hướng sống trực tuyến và sử dụng điện thoại thông minh hàng ngày.
“Đây là một cơ hội khổng lồ với thị trường Việt Nam. Làn sóng này giúp các ngân hàng Việt Nam có được cơ hội nhảy vọt theo kịp các nước trong khu vực. Việt Nam vốn là thị trường lớn với dân số trẻ. Mặc dù các ngân hàng Việt Nam tuy đi chậm nhưng lại có thời gian quan sát để thích nghi, áp dụng phương thức công nghệ nào là phù hợp. Thay vì phải thử và sai thì họ áp dụng luôn những phương thức tốt nhất. Có thể lấy ví dụ như ngành viễn thông hiện nay nếu phát triển hệ thống di động thì các nước sẽ triển khai luôn mạng 5G chứ không xây dựng 3G, 4G như trước đây.”, ông Murphy phân tích.
Hiện những ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam như Techcombank, MB Bank đã bắt đầu hoà vào làn sóng lớn của công nghệ Fintech trong ngân hàng khi đưa vạch ra chiến lược tập trung vào số hoá. Theo ông Dave Murphy, các ngân hàng sẽ đứng trước bài toán cần phải làm rõ phục vụ nhóm khách hàng nào, siêu ứng dụng sẽ cung cấp dịch vụ nào cho đối tượng nào.
Để thích nghi với làn sóng công nghệ mới điều mấu chốt với đội ngũ lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng là tư duy chấp nhận thậm chí là chào đón sự thay đổi. Ngoài ra, giao tiếp truyền tải thông điệp thay đổi, cải tiến đến cấp dưới là vô cùng quan trọng. Những người lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng cũng buộc phải tham gia vào công cuộc cải tiến, cam kết xử lý những trở ngại trên con đường thay đổi.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế