Trong khi nhiều nhà mốt ngừng sử dụng da thuộc exotic, Louis Vuitton lại cho biết đây lại là địa hạt phát triển bền vững
TỪ ĐIỂN: DA THUỘC EXOTICDa thuộc exotic là tất cả những loại da thuộc không đến từ gia súc chăn nuôi. Nếu da thuộc phổ thông được làm từ bò, bê, cừu hay thậm chí là heo, thì da thuộc exotic gồm da cá sấu, kỳ đà, da rắn và trăn, đà điểu, lươn và cá đuối. |
Bên trong xưởng chế tác túi xách da thuộc exotic mới của Louis Vuitton
Hai xưởng mới của Louis Vuitton tọa lạc tại hai thị trấn Vendôme và Azé, nằm ở phía Nam của Paris.
Ở Vendôme, tập đoàn LVMH mua lại tòa nhà Abbaye có lịch sử từ thế kỷ 11. Nơi này từng là một tu viện Benedict và về sau là doanh trại kỵ binh Pháp, nay được trùng tu với kinh phí lên đến 20 triệu Euro.
Còn ở Azé, tập đoàn LVMH xây dựng xưởng Oratoire hiện đại, có thiết kế thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu năng lượng cần sử dụng trong chế tác da thuộc lên đến 50% khi so sánh với một xưởng da truyền thống. Xưởng Oratoire ở Azé cũng là nơi chế tác các mẫu túi thử nghiệm (prototype) cho thương hiệu Pháp.
Tại buổi khánh thành, tổng giám đốc tập đoàn LVMH Bernard Arnault và giám đốc Louis Vuitton Michael Burke đưa Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đi tham quan xưởng Abbaye.
Ông Bruno Le Maire, bàn tay đeo găng trắng, xem xét chiếc túi xách Capucines bằng da cá sấu của Louis Vuitton, trong lúc lắng nghe nhân viên của hãng giải thích về công đoạn 350 bước để chế tác nên chiếc túi này.
“Tôi chúc mừng sự thành công của tập đoàn LVMH, một điều rất tốt cho nước Pháp”, Bộ trưởng Kinh tế Pháp nói về việc tập đoàn đã thu nạp và đào tạo 1800 nghệ nhân trong vòng 5 năm qua. “Tại [xưởng mới này], có thể thấy rõ niềm tự hào của mỗi nghệ nhân khi chế tác túi xách Louis Vuitton, bảo chứng cho chất lượng Pháp vượt trội, luôn luôn đề cao tính thủ công hơn là chế tác công nghiệp hàng loạt”.
Sau lông thú, da thuộc exotic là đích ngắm kế tiếp của các tổ chức phi lợi nhuận vì quyền thú vật. Việc phải sát hại một con thú chỉ vì một món đồ thời trang không có công năng gì ngoài chuyện chứng tỏ vị thế xã hội là một sự tàn bạo và nhẫn tâm, theo lời các tổ chức này. (Túi xách từ da bò, bê hay cừu không đối mặt với chỉ trích tương tự vì đến từ gia súc chăn nuôi được khai thác thịt, sữa).
Trước sức ép của các tổ chức, nhiều nhà mốt thời trang đã ngừng sử dụng da thuộc exotic. Ví dụ điển hình là Chanel, đơn vị tuyên bố ngưng dòng túi xách da exotic từ năm 2018.
Trong khi đó, qua việc khánh thành hai xưởng chế tác mới, Louis Vuitton lại cho thấy đang tăng cường thể loại mặt hàng này. Giám đốc điều hành Louis Vuitton, ông Michael Burke, cũng cho rằng việc khai thác da thuộc exotic góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã.
“Nếu chúng tôi không tiếp tục [chế tác túi da thuộc exotic], các loài động vật này sẽ tuyệt chủng. Vùng đất nơi chúng sinh sản sẽ bị biến thành miếng đất béo bở cho các thương vụ phân lô bán nền.
Cách duy nhất để duy trì sự hoang dã của thiên nhiên là nếu khu vực ấy mang lại lợi nhuận, và lợi nhuận tốt nhất đến từ các loài cá sấu. Khi chúng sinh sản, chúng tôi trả tiền để thu mua trứng cá sấu, với mức giá khoảng 50 đô-la Mỹ/quả trứng. Cứ trên một trăm quả thu mua thì một năm sau, chúng tôi phải thả 10 con cá sấu một tuổi về lại với thiên nhiên. Điều này đã giúp cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.
Ông cũng nhấn mạnh, đến cuối năm 2022, Louis Vuitton sẽ thu mua 100% lượng da cá sấu từ các trang trại nuôi cá sấu đạt chuẩn The Crocodile Standard của tập đoàn LVMH. Tiêu chuẩn này, đề ra từ năm 2019, giúp tăng cường độ minh bạch trong chuỗi cung ứng da thuộc exotic của hãng. Theo tập đoàn, hiện nay chỉ có các trang trại từ Úc, Zambia, Zimbabwe, Kenya và Mỹ là đáp ứng tiêu chuẩn này.
**Êkíp thực hiện**
Photographer: Miguel García
Model: Julia Ardon thuộc Paragon Model Management
Makeup & Hair: Leonel Urdaneta, thuộc Laura Mercier và Hot Tools
Làm móng: María Sofía Pérez, thuộc Jessica Nails, sử dụng sản phẩm của Shadow
Theo Bazaarvietnam.vn