Mặc dù triển vọng kinh tế châu Á đầy hứa hẹn, song tăng trưởng khu vực này vẫn khó dự đoán trước. Tại hội nghị Đầu tư châu Á Credit Suisse lần thứ 24, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat nhấn mạnh, nhóm lao động trẻ và trung lưu tại các quốc gia châu Á cần có kỹ năng phù hợp để có thể tham gia vào cuộc cách mạng kỹ thuật số.
“Tại các nước như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia, hơn một nửa dân số dưới 35 tuổi. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu khu vực châu Á cũng phát triển nhanh nhất. Đến năm 2030, khoảng 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ ở châu Á. Đây là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng và nhu cầu trong nhiều lĩnh vực trên thị trường”, ông Heng Swee Keat cho hay.
Riêng khu vực Đông Nam Á hiện đang có khoảng 400 triệu người dùng Internet. Nền kinh tế kỹ thuật số nơi đây đang phát triển với tốc độ nhanh đáng kể. Song, tốc độ tăng trưởng này lại “khó có thể đoán trước được”. Theo Phó Thủ tướng Singapore, nếu không được đào tạo bài bản, lao động trẻ trong khu vực sẽ không có cơ hội để bắt kịp với sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế.
Hơn nữa, nếu không cải tiến và đầu tư thích hợp, nền kinh tế của khu vực sẽ không đạt được tiềm năng lớn nhất, từ đó sẽ dễ bị tác động tiêu cực bởi các đại dịch và thảm họa trong tương lai. Như vậy, khu vực này cần hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, cho phép các luồng dữ liệu đáng tin cậy thông qua và tạo thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới.
Thời gian tới, người dùng ở Singapore và Thái Lan sẽ có thể gửi tiền thông qua số điện thoại di động. “Singapore mong muốn xây dựng các mối liên kết tương tự với các đối tác khác trong khu vực”, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat nêu rõ.
Những “cửa ngõ” đầu tư
Chính phủ các quốc gia ASEAN đang tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Chính phủ Singapore đang đầu tư 19 tỷ USD vào nghiên cứu, đổi mới kinh doanh trong 5 năm tới nhằm mở rộng năng lực cho doanh nghiệp. Kế hoạch này được công bố vào tháng 12/2020, với 4 lĩnh vực tập trung chủ yếu bao gồm: y tế, tính bền vững, nền kinh tế số và hoạt động sản xuất.
Đầu năm 2021, Việt Nam cũng đã khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). NIC được thành lập ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mục đích hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ.
Đáng chú ý, tháng 8/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Theo đó, Nghị định đã quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất về thủ tục hành chính, tài chính, tín dụng, đất đai, mặt bằng, hạ tầng cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cùng các cá nhân, tổ chức làm việc tại trung tâm.
Như vậy, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được đánh giá sẽ là nơi hội tụ, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa vai trò, đóng góp của hoạt động đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị