Ông Biden bảo toàn chiến thắng đại cử tri

Ông Biden đã giành được hơn 270 phiếu đại cử tri sau khi cử tri của California bỏ phiếu trong chiều ngày 14.12 (giờ Mỹ). Kết quả kiểm phiếu cuối cùng là 306-232, với chiến thắng nghiêng về ông Joe Biden. 

Chiến thắng của tổng thống tân cử Joe Biden đã được xác nhận bởi các đại cử tri, sau nhiều nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của đương kim tổng thống Donald Trump.

Cuộc bỏ phiếu đưa ông Biden một bước gần hơn tới Nhà Trắng. Kết quả bỏ phiếu giờ đây sẽ được đếm kiểm và gửi đến nhiều quan chức chính phủ, bao gồm cả phó tổng thống Mike Pence, trước khi Quốc hội công bố chiến thắng của ông Biden trong ngày 6.1.

Ông Biden bảo toàn chiến thắng đại cử tri - ảnh 1
Ảnh: Forbes.com

Thông thường bỏ phiếu đại cử tri rất ít khi nhận được sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên trong cuộc bầu cử năm nay, tổng thống Trump đã nỗ lực xáo động quy trình bầu cử truyền thống bằng cách gây áp lực lên các quan chức đảng Cộng hoà tại Pennsylvania, Georgia và Michigan để họ bỏ qua nguyện vọng của cử tri của bang và thay vào đó ủng hộ ông.

“Trong cuộc chiến vì linh hồn nước Mỹ, dân chủ đã chiến thắng,” ông Biden tuyên bố trong một bài phát biểu tại Delaware sau khi đại cử tri xác nhận chiến thắng của mình. “Nhân dân chúng ta đã bầu cử. Niềm tin vào thể chế đã được nắm giữ. Giờ là thời điểm lịch sử sang trang,” ông nói.

Người dân Mỹ không trực tiếp bầu cho các ứng cử viên tổng thống. Họ chọn ra các đại cử tri, thay mặt họ bỏ phiếu cho ứng cử viên được nhiều người yêu mến nhất trong bang.

Luật pháp nước này không quy định các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống giành được nhiều phiếu bầu nhất tại bang, dù 32 bang vẫn có luật yêu cầu việc này, theo Associated Press.

Trong kỳ bầu cử năm 2016, bảy đại cử tri đã không bỏ phiếu. Tuy vậy điều này không đủ để thay đổi kết quả bầu cử.

Ông Mo Brooks, một người ủng hộ ông Trump, dự kiến sẽ nỗ lực để lật ngược kết quả tại Quốc hội. Dù vậy động thái này được cho là sẽ thất bại.

Theo Luật đếm phiếu đại cử tri năm 1887, các nhà lập pháp có thể chống đối kết quả bầu cử tại các bang nhất định trong phiên họp quốc hội ngày 6.1.

Tuy nhiên đơn chống đối phải được ký bởi một thành viên Hạ viện và một Thượng nghị sĩ để có thể bắt đầu cuộc tranh luận.

Sau đó, cả Thượng viện và Hạ viện sẽ cùng bỏ phiếu quyết định có bãi bỏ kết quả bỏ phiếu tại các bang hay không. Đây là kịch bản chưa từng xảy ra từ những năm 1800, theo New York Times.

Theo Forbes Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT