Doanh thu Redsun ITI luôn ở mức thấp hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường kinh doanh chuỗi nhà hàng là Golden Gate. Vốn điều lệ gấp 3 lần Golden Gate song Redsun ITI liên tục kinh doanh thua lỗ từ trước khi Covid-19 xuất hiện. Trong 3 năm qua, khoản nợ phải trả luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn Redsun ITI.
Redsun ITI (CTCP Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ) là thành viên của Goldsun Group (Tập đoàn Mặt Trời Vàng) được thành lập tháng 2/2008 bởi ông Phạm Cao Vinh – Chủ tịch HĐQT. Goldsun Group khởi nguồn là nhà sản xuất và kinh doanh bao bì, đang hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính gồm thực phẩm – nhà hàng, sản xuất hàng gia dụng và sản xuất bao bì.
Sau hơn 10 năm hoạt động, tới nay Redsun ITI đã phát triển hơn 200 nhà hàng, sở hữu hơn chục thương hiệu lớn trong thị trường kinh doanh ẩm thực. Đại diện Redsun ITI từng cho biết việc xây dựng và phát triển bền vững các thương hiệu là ưu tiên hàng đầu, còn nhượng quyền là chiến lược dài hạn trong lĩnh vực F&B. Do đó, song song với việc đi mua nhượng quyền một số thương hiệu nước ngoài đơn vị vẫn tiếp tục phát triển các thương hiệu của riêng mình. Redsun ITI tự thân phát triển các thương hiệu như King BBQ, Hotpot Story, Tasaki BBQ, Sushi Kei, Buk Buk, Khao Lao, Dolpan Sam, Truly Việt và Downtown Food và là đơn vị đầu tiên mang 4 thương hiệu nhà hàng quốc tế về Việt Nam là Seoul Garden, Thái Express, Xinwang Hong Kong Café và Capricciosa.
Trong các chuỗi của Redsun ITI, King BBQ là thương hiệu chủ chốt được thành lập vào năm 2011 và là chuỗi nhà hàng nướng khởi đầu trào lưu ẩm thực nướng Hàn Quốc cho người Việt. Thương hiệu này có 2 mô hình là King BBQ Buffet và King BBQ gọi món (Alacarte). Riêng quy mô chuỗi King BBQ bao gồm cả nhượng quyền đã chiếm hơn một nửa trên tổng số nhà hàng của Redsun ITI.
Redsun ITI chính là đối thủ cạnh tranh trên thị trường kinh doanh chuỗi nhà hàng với Golden Gate (CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng) khi là 2 đơn vị sở hữu chuỗi nhiều nhà hàng lẩu, nướng, bia tươi nhất hiện nay. Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành như Vuvuzela, Kichi-Kichi, Manwah, Hutong, Ashima, K-Pub, GoGi… Phân khúc khách hàng của Redsun IT cũng tương đồng với Golden Gate khi nhắm tới đối tượng có mức thu nhập từ trung bình trở lên, sẵn sàng chi trả khoảng 200.000 đồng/người/bữa ăn. Các thương hiệu của Redsun ITI thường đặt địa điểm tại các nơi “đắt đỏ” như các trung tâm thương mại hay trên các mặt phố lớn để đón khách.
Vốn điều lệ gấp 3 lần đối thủ song liên tục kinh doanh thua lỗ từ trước khi Covid-19 xuất hiện
Tính tới cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu Redsun ITI là 26,7 tỷ đồng, giảm gần 78% so với mức 120,4 tỷ đồng năm trước đó do đơn vị tiếp tục kinh doanh thua lỗ. Vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 250 tỷ đồng sau lần tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng trong năm 2020. Con số này thậm chí gấp hơn 3 lần so với vốn điều lệ Golden Gate (76 tỷ đồng).
Tuy nhiên khi xét về hoạt động kinh doanh, doanh thu Redsun ITI luôn ở mức thấp hơn nhiều so với Golden Gate. Theo dữ liệu Người Đồng Hành có được, năm 2021, Golden Gate ghi nhận doanh thu thuần ở mức 3.318 tỷ đồng, giảm 30,5% so với thời điểm trước dịch vào năm 2019, thì Redsun ITI chỉ thu về 235 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 73%.
Bên cạnh đó, chi phí của Redsun ITI luôn ở mức cao. Năm 2019, riêng giá vốn hàng bán chiếm 80,4% doanh thu, cộng với các chi phí hoạt động khác như phí thuê mặt bằng, trang thiết bị, nhân công và vận hành lớn, nên chủ thương hiệu King BBQ báo lỗ gần 4 tỷ đồng. Trong khi đó, đây là năm ghi nhận mức lãi kỷ lục của Golden Gate với 321 tỷ đồng sau quãng thời gian liên tục tăng trưởng 2 chữ số.
Khi dịch Covid-19 bùng nổ vào năm 2020, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế chịu tác động tiêu cực và một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là kinh doanh chuỗi nhà hàng. Hai “ông lớn” trong ngành F&B cũng không phải ngoại lệ. Năm 2020, Redsun ITI kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ âm hơn 19 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, khoản lỗ sau thuế gấp gần 24 lần so với trước dịch với hơn 95 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nam Trung, Giám đốc điều hành Redsun ITI chia sẻ tại thời điểm tháng 11/2020, công ty gặp khó khăn từ công nợ cũ, đồng thời mỗi tháng phải chi trả khoảng 30 tỷ tiền thuê mặt bằng và củng cố nhân sự liên tục sau đợt dịch.
Trong khi đó, Golden Gate đối mặt với Covid-19 bằng cách cắt giảm chi phí, quản lý chặt dòng tiền, triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi và lên kế hoạch đảm bảo việc mở cửa trở lại suôn sẻ. Khá hơn Redsun ITI, đơn vị vẫn ghi nhận lãi trong năm này, dù đã sụt giảm mạnh khi lợi nhuận sau thuế còn 65 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 80% so với năm 2019.
Sang đến năm 2021, Redsun ITI tiếp tục lỗ gần 94 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế lên 223,3 tỷ đồng. Lỗ gần như đi ngang so với 2020 vì chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh dù giá vốn hàng bán giảm hơn một nửa. Cụ thể, giá vốn hàng bán giảm 53,8% từ 422,7 tỷ đồng xuống 195,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp được cải thiện từ lỗ 19 tỷ đồng lên lãi gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 5,6 lần từ 13,2 tỷ đồng lên 73,4 tỷ đồng khiến đơn vị tiếp tục chịu mức lỗ ngang với năm 2020.
Nhìn sang tình hình của Golden Gate thậm chí còn lỗ lớn hơn khi quy mô cũng lớn hơn Redsun ITI khi là năm đầu tiên ghi nhận thua lỗ kể từ khi thành lập với gần 431 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Redsun ITI là 680,7 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Tài sản dài hạn chiếm phần lớn với 515,3 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 75,7% cơ cấu tài sản. Trong đó các khoản phải thu dài hạn gấp hơn 2 lần lên 296,5 tỷ đồng, còn chi phí trả trước dài hạn là 150,6 tỷ đồng, bằng 46,6% con số năm 2020.
Về tài sản ngắn hạn, giá trị hàng tồn kho giảm gần 31% còn 91,2 tỷ đồng. Redsun ITI ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn tăng 75% lên tới 63,2 tỷ đồng. Riêng hạng mục phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 40,8 tỷ đồng, gấp 2,7 lần. Trả trước cho người bán ngắn hạn là 22,3 tỷ đồng, tăng 28,2%.
Trong 3 năm qua, nợ phải trả luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn Redsun ITI với mức trên 80%. Năm 2021, nợ phải trả chiếm 96% tổng nguồn vốn với 654 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là vay và nợ thuê tài chính dài hạn với 472,5 tỷ đồng. Đơn vị không có nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 17,7 lần.