Nhà sáng lập Yody cũng không ngại bày tỏ tham vọng đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
Thời gian gần đây, chuỗi Yody gây nhiều sự chú ý trên thị trường khi mở nhiều cửa hàng lớn tại các con phố tấp nập ở Hà Nội. Không chỉ vậy, thương hiệu thời trang này còn không ngại chi tiền để mời nghệ sĩ nổi tiếng như Đông Nhi – Ông Cao Thắng, Nhã Phương, Trường Giang để quảng bá sản phẩm.
Theo lời của nhà sáng lập Nguyễn Việt Hoà (SN 1984), sau 8 năm thành lập, hiện Yody đã có 200 cửa hàng trên toàn quốc, 2 nhà máy và trên 5.000 nhân sự.
Mở mới 50 cửa hàng giữa mùa Covid-19
Chia sẻ trong một talkshow, ông chủ thương hiệu Yody cho biết đã có những bước ngoặt đáng kể trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành.
Trước đó, Yody chỉ tập trung vào thế mạnh của mình là bán lẻ, xây dựng dịch vụ khách hàng, văn hóa để phục vụ khách hàng ngày càng tốt, học hỏi những công ty lớn như Thế Giới Di Động. Tuy nhiên. Tuy nhiên, từ tháng 4/2020, khi làn sóng Covid-19 lần đầu tiên bùng phát, toàn bộ hệ thống Yody phải đóng cửa cả tuần trong khi dòng tiền vẫn phải chi trả cho nhiều chi phí.
“Chỉ cần đóng cửa 1-2 tháng thì Yody có thể phá sản. Lúc đó Hòa đứng trước sự lựa chọn: đầu hàng hay đi tiếp. Sau đó mình quyết định thay đổi mô hình kinh doanh chỉ sau một đêm suy nghĩ, chuyển từ bán lẻ thành bán hàng đa kênh.
Thời điểm đấy tất cả nhân viên ở nhà. Tuy nhiên, Yody cần một số tình nguyện viên để nghiên cứu mô hình kinh doanh mới. Kết quả là 85% nhân viên Yody tại thời điểm đấy, tức gần 800 người đăng ký đi làm tình nguyện viên, làm việc không lương. Yody lần đầu tiên học cách chat với khách hàng, làm sao để đưa ra các chiến dịch bán hàng bởi trước đó, chúng tôi chưa có khái niệm gì về bán hàng online. Không biết vận đơn là gì, không biết cách lên đơn hàng như thế nào, không biết kịch bản bán hàng ra sao. Các bạn ở văn phòng, nấu cơm luôn ở đây, làm việc cả ngày cả đêm để nghiên cứu” , nhà sáng lập Nguyên Việt Hoà nhớ lại.
Những trái ngọt ban đầu đã đến với đội ngũ khi theo ông Hoà, chỉ trong tháng đầu tiên triển khai bán hàng đa kênh, doanh số online đã tăng 15 lần, đạt mức hàng nghìn đơn/ngày .
Tuy nhiên, thách thức vẫn chưa dừng lại khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hơn vào năm 2021. Khoảng một nửa cửa hàng Yody phải tạm dừng hoạt động, dòng tiền cạn kiệt, tích luỹ bao năm trước đó gần như không còn.
“Nhưng sau khi đọc một bài báo thống kê rằng tổng số tài sản của các tỷ phú trong năm 2020 tăng thêm hàng nghìn tỷ USD, Hoà nhận ra rằng khó khăn thách thức là cơ hội tốt với những người xuất sắc. Mình quyết định đối diện với thách thức ấy và nghiên cứu chiến lược mới. Bài toán lúc đó không hề đơn giản vì dòng tiền thì cạn kiệt, lại chuẩn bị hết mùa hè nên khối lượng hàng tồn khổng lồ có thể trở thành hàng khó bán, công nợ với nhà cung cấp. Cuối cùng, tôi đưa ra quyết định hơi ngược đời, thay vì ngủ đông thì mở mới 50 cửa hàng trong 2 tháng.
Bởi vì điểm mấu chốt lúc đó là hàng tồn kho, kênh online cũng không tăng đột biến được như trước nữa, nếu không lưu thông được thì sẽ trở thành đống nợ của cả tổ chức. Nên cửa hàng chỗ này đóng thì ta sẽ mở chỗ khác, để hàng hóa liên tục luân chuyển đến cửa hàng mới. Và mình có thể đàm phán với chủ nhà, mời gọi nhà cung cấp tham gia vào hành trình vượt khó của Yody. Tất cả thành viên Yody cũng đi khắp nơi tìm kiếm mặt bằng mới. Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra, đến cuối năm, Yody đã giải quyết được vấn đề hàng tồn kho, đồng thời mở thêm 50 cửa hàng ở những vị trí rất đẹp, giá thuê rất tốt”.
Tham vọng đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu
Ông chủ thương hiệu thời trang Yody kể lại: “Năm 2016, Hòa và ban lãnh đạo của Yody sang nước ngoài để học hỏi, nghiên cứu về thế giới, về thời trang. Mình nhận ra vài điểm, có nhiều sản phẩm thời trang Made in Vietnam đang được bày bán trên thế giới với chất lượng rất tốt. Điều này khiến mình đặt ra câu hỏi: người Việt có được dùng những sản phẩm Made in Vietnam chất lượng cao đó không?”.
Ông Hoà đồng thời chỉ ra hai rào cản với người tiêu dùng trong nước: một là các công ty may mặc lớn thường tập trung vào xuất khẩu, hai là hàng chất lượng cao bán với giá khá cao (khoảng 600.000 đồng) nên không phải ai cũng tiếp cận được. Điều này khiến nhà sáng lập Yody mong muốn sản xuất ra những sản phẩm mà dù người giàu, người có thu nhập trung bình hay người nghèo, thành phố hay nông thôn đều có hội tiếp cận.
“Chúng tôi cũng có mơ ước trở thành một phần nào đó, hoặc đóng góp vào việc thay đổi góc nhìn của thế giới về ngành thời trang của Việt Nam, có những thương hiệu toàn cầu có giá trị” .
Trên thực tế, Yody đã đặt dấu chân tại nhiều huyện, thị trấn của nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Hà Giang, Thanh Hoá, Thái Bình,… “Mọi khách hàng được ứng xử như những người giàu có. Có những bác nông dân, công nhân e dè khi bước vào cửa hàng nhưng rồi họ được nhìn thấy các bạn nhân viên cười tươi chào đón. Có khách hàng còn hỏi: “Chân của các bẩn thế có được đi vào không?”. Nhưng ở Yody, chúng tôi luôn chào đón và dành những điều tốt nhất cho khách hàng. Đầu tiên là những trải nghiệm offline, sau đó đến online, xây dựng những điểm chạm để mang lại những dịch vụ tốt cho tất cả khách hàng trên toàn Việt Nam và sau là trên toàn thế giới”.