Masan cho biết với hiệu quả vượt trội trên mỗi đơn vị cửa hàng đi kèm với đà tăng tốc mở mới điểm bán củng cố tiềm năng, Phúc Long sẽ trở thành công ty trà & cà phê số 1 tại Việt Nam trong vòng vài năm tới
Tập đoàn Masan vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022. Theo đó, sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương (do đã chuyển giao mảng kinh doanh này), doanh thu thuần của Masan trong năm 2022 đạt 76.189 tỷ đồng, tăng 2,6% so với mức 74.224 tỷ đồng của năm 2021. Trên cơ sở báo cáo, doanh thu giảm 14,0% trong năm 2022 và 13,4% trong Quý 4/2022.
Trong năm 2022, LNST sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát (“NPAT Post-MI”) giảm 58,3%, đạt 3.567 tỷ đồng trên cơ sở báo cáo, chủ yếu do khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi trong Quý 4/2021 và LNST năm 2022 của MML (Masan MeatLife) và MHT (Masan Hightech Materials) thấp hơn.
Trên cơ sở so sánh tương đương, EBITDA năm 2022 đạt 14.437 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Biên EBITDA năm 2022 đạt 18,9% so với mức 19,7% của năm 2021 trong khi doanh thu đi ngang. Trên cơ sở báo cáo, EBITDA hợp nhất năm 2022 giảm 11,8% trong năm 2022 và 28,1% trong Quý 4/2022.
Báo cáo hợp nhất năm 2022 cũng cho biết, hạng mục Tiền và các khoản tương đương tiền của Masan hiện đạt 17.512 tỷ đồng vào cuối năm 2022, thấp hơn so với mức 22.638 tỷ đồng vào cuối năm 2021, do việc mua cổ phần PLH và Nyobolt. Nợ ròng cuối kỳ năm 2022 ghi nhận 53.481 tỷ đồng , tăng so với mức 35.540 tỷ đồng vào
cuối năm 2021, do lượng tiền mặt giảm.
Phúc Long có lãi nhờ cửa hàng flagship
Tập đoàn Masan cho biết, trong năm 2022, Phúc Long Heritage (Phúc Long) đã khai trương 44 cửa hàng flagship, tạo đà tăng tốc mở rộng quy mô vào năm 2023. Dù là năm đầu tiên mở hàng loạt cửa hàng, 44 cửa hàng flagship mới của Phúc Long đã mang lại biên lợi nhuận EBITDA cấp cửa hàng là 26% vào năm 2022.
Năm 2022, Phúc Long đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Trong đó, phần lớn kết quả đến từ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, với doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA.
Tính đến cuối năm 2022, Phúc Long có 132 cửa hàng flagship , tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác. Chỉ riêng Quý 4/2022, thương hiệu này mở 23 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini, nâng tổng số cửa hàng flagship lên 111 và tổng số cửa hàng mini lên 21.
Masan cho biết, trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35% – cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới.
“Với vị trí số 2 về doanh thu và số 1 về tỷ suất lợi nhuận trong ngành, Phúc Long kỳ vọng sẽ trở thành công ty số 2 về số lượng cửa hàng vào Quý 2/2023.
Hiệu quả vượt trội trên mỗi đơn vị cửa hàng đi kèm với đà tăng tốc mở mới điểm bán củng cố tiềm năng Phúc Long sẽ trở thành công ty trà & cà phê số 1 tại Việt Nam trong vòng vài năm tới “, báo cáo cho hay.
Tuy nhiên, Phúc Long cũng đã đóng các kiosk hoạt động kém hiệu quả. Việc đóng cửa các kiosk khiến Phúc Long tốn 42 tỷ đồng chi phí. Ban Điều Hành đang tiến hành đánh giá toàn diện trong Quý1/2023 nhằm xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi tiếp tục nhân rộng.
Trước đó, Masan đã chi tổng cộng 280 triệu USD để thâu tóm 85% cổ phần Phúc Long.
Trên thị trường F&B hiện tại, các thương hiệu lớn đang là đối thủ trực tiếp của Phúc Long có thể kể đến như Highlands Cofffee, Trung Nguyên, The Coffee House,… Trong đó, Highlands Coffee nhiều năm vẫn dẫn đầu về quy mô với hơn 520 cửa hàng tính đến tháng 8/2022.
Theo Nhịp sống thị trường