Khi dân văn phòng rủ nhau rút tiền tiết kiệm về quê mua đất, bà bán rau cũng kháo nhau giá đất tăng cao, người người mua đất, nhà nhà bán đất… thì chính những sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch có sẵn, pháp lý đầy đủ trở thành bát “mì ăn liền” thơm ngon cho nhà đầu tư.
Theo số liệu từ hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng qua.
Giống với chứng khoán và vàng, có nhiều lý giải cho cơn sốt đất, như: Đầu tư nước ngoài tăng kỷ lục; kỳ vọng kinh tế tăng trưởng cao khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; mặt bằng giá đất nhiều nơi còn thấp; hay hấp lực từ sự phát triển cơ sở hạ tầng là các dự án sân bay, cảng biển, khu đô thị lớn….
Dù vậy, lý do quan trọng hơn cả phải là mặt bằng lãi suất đang rất thấp, và các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng chịu nhiều biến động.
Khi mà sốt đất lan rộng trên phạm vi cả nước, quỹ đất sạch càng có thêm ý nghĩa, cả đối với bản thân doanh nghiệp đầu tư, lẫn với kinh tế vĩ mô.
Một bộ phận nhà đầu tư ham lời nhanh, cũng như cò đất tìm đến các khu vực đất rừng, đất nông nghiệp, mua bán sang tay, thậm chí không cần giấy tờ với kỳ vọng ăn chênh lệch gấp nhiều lần. Đây là nguy cơ rất lớn gây ra bong bóng bất động sản, như đã trải qua 2 thời kỳ 2002-2003, 2008-2009.
Trong bối cảnh đó, một hướng đi khôn ngoan được không ít nhà đầu tư lựa chọn, là đầu tư vào các thị trường vệ tinh của Hà Nội và TP.HCM, nơi có nhu cầu thực sự cao với tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng. Đặc biệt là các dự án có tính pháp lý rõ ràng, sẵn sàng triển khai nhanh chóng.
Đây được cho là xu thế tất yếu, bền vững, sau các đợt đầu cơ khiến giới đầu tư “say sóng”.
Lúc này, đất sạch, tức là đất đã đủ pháp lý, được quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế từng địa phương, sẽ giúp kiểm soát đáng kể nguy cơ bong bóng địa ốc. Đặc biệt là các dự án đã hình thành sản phẩm sẵn sàng để bán, có quy hoạch chi tiết 1/500, đã xong hạ tầng, hoàn thiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Giới chuyên gia nhìn nhận, khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp bất động sản tất yếu sẽ chuyển dịch sang các tỉnh, địa phương với lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội.
Ở phía Bắc, hệ thống kết nối hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ mạnh mẽ trong những năm qua giúp các tỉnh vệ tinh của Hà Nội tăng trưởng rất nhanh, như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Ở phía Nam, với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ ở khu vực phía Bắc TP.HCM, cùng với đại dự án sân bay Long Thành đã khởi công, xu hướng dịch chuyển phát triển ra các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh là tất yếu, khi mà quỹ đất tại khu vực trung tâm đã không còn đủ sức chứa để đặt những dự án công nghiệp hay khu đô thị có quy mô lớn.
Nhìn trước xu hướng này, chiến lược “bỏ phố về tỉnh” lâu nay đã được không ít doanh nghiệp địa ốc triển khai. Trong bối cảnh sốt đất hiện nay, những doanh nghiệp làm ăn bài bản, uy tín, có quỹ đất sạch đang đứng trước cơ hội hưởng lợi rất lớn từ nhu cầu bất động sản thực và dòng tiền đầu tư mạnh mẽ trên thị trường.
“Mỏ vàng” chờ ngày khai phá của loạt doanh nghiệp địa ốc
Theo JLL, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch lớn sẽ có cơ hội lớn. Những dự án có pháp lý đầy đủ, được triển khai đúng tiến độ… sẽ được giá hơn các dự án khác.
Hiện tại, không khó để kể ra những doanh nghiệp đang có quỹ đất sạch lớn. Đến cuối năm 2020, quỹ đất lớn nhất thị trường thuộc về Vinhomes với 16.200 ha. Các doanh nghiệp theo sau là Novaland, Nam Long, Khang Điền hay Phát Đạt… cũng đều sở hữu quỹ đất hàng trăm đến hàng nghìn ha.
Không chỉ các tập đoàn địa ốc đầu ngành, mà nhiều doanh nghiệp cỡ vừa cũng chọn cách gom đất sạch tại các khu vực vệ tinh nhằm đón sóng bất động sản. Ở phía Bắc, CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hudland thu hút sự chú ý với các dự án đang triển khai ở Bắc Ninh, Hải Dương…, trong đó có dự án trọng điểm năm nay là dự án Khu dân cư mới Bình Giang quy mô 44,26 ha tại Hải Dương. Hay Tập đoàn Nam Mê Kông vừa được Quảng Bình giao đất để triển khai dự án Khu đô Bảo Ninh 2 quy mô 18 ha tại vị trí đắc địa bậc nhất TP. Đồng Hới.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn C.E.O cũng đang sở hữu hàng trăm héc-ta đất sạch tại Phủ Lý (Hà Nam), Vĩnh Phúc, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang). Ở phía Nam, CTCP Tập đoàn Đất Xanh được đánh giá cao với dự án Gem Sky World diện tích 92,2 ha tại Long Thành, Đồng Nai. Hay Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng – DIC Corp với quỹ đất rộng lớn từ Vũng Tàu, Đồng Nai đến Vĩnh Phúc.
Ở Bình Dương, nổi bật hơn cả phải kể tới CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC). Đất không chỉ sạch, Becamex IJC có lợi thế vượt trội khi có quỹ đất lớn đã tích luỹ từ rất lâu (2014-2016).
Với địa bàn hoạt động chủ yếu trên tỉnh Bình Dương, Becamex IJC sở hữu nhiều dự án bất động sản có quy mô, như: Khu Đô Thị Green River Mỹ Phước (571.931 m2), Khu dân cư Hòa Lợi (44.175 m2), dự án Khu biệt thư Sunflower (53.517 m2),… Tổng cộng, IJC đang nắm trong tay 9 dự án với quy mô lên tới cả trăm ha, tất cả đều là đất sạch, đầy đủ pháp lý, và mới thực hiện bán dần trong giai đoạn sốt đất vừa qua.
Trong các tỉnh vệ tinh của TP.HCM, thì Bình Dương được đánh giá là thị trường có tiềm năng bậc nhất cả nước hiện nay. Với vị trí địa lý nằm cạnh trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, địa phương này là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất quốc tế trong xu hướng chuyển dịch nhà máy về Việt Nam.
Song song với bất động sản khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở của Bình Dương cũng tăng nhanh thời gian qua, giúp các doanh nghiệp có quỹ đất sạch hưởng lợi lớn.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, những doanh nghiệp còn dư địa quỹ đất lớn tại các địa phương vệ tinh đang có tốc độ phát triển nhanh sẽ còn rất nhiều lợi thế trong việc chủ động tăng trưởng mạnh mẽ đi kèm với kết quả kinh doanh khả quan.
Theo Nhịp sống kinh tế