Startup dùng ‘thùng rác’ biến thực phẩm thừa thành thức ăn chăn nuôi, giảm thiểu lãng phí đồ ăn và khí mê-tan thải ra môi trường

Sản phẩm của Mill Industries có khả năng “nuốt chửng” thức ăn thừa, làm khô chúng và nghiền nát chúng qua đêm.

13 năm trước, Matt Rogers (khi đó là giám đốc bộ phận iPod của Apple), đồng sáng lập Nest Labs – công ty chuyên về nhà thông minh sau này được Google mua lại. Trước khi Rogers rời Apple để thành lập Nest Labs, không ai nghĩ tới sản phẩm của họ.

Nhưng sự ra đời của chúng đã giúp mọi người điều khiển hệ thống sưởi trong nhà từ ứng dụng trên smartphone dễ dàng. Sau này, Nest Labs trở thành công ty tiên phong trong cuộc cách mạng nhà thông minh, thay đổi cách mọi người nghĩ về việc sử dụng năng lượng.

Sau Nest Labs, Rogers bắt đầu thực hiện một số dự án từ thiện, nhiều dự án tập trung vào các sáng kiến liên quan đến khí hậu. Ngoài việc đồng sáng lập Incite.org, anh còn là Chủ tịch của Carbon180 – tổ chức phi chính phủ tập trung vào việc giảm lượng khí thải carbon đến tháng 9/2022. Hiện anh là chủ tịch của một tổ chức nghiên cứu và giáo dục.

Điều mà Rogers băn khoăn nhất khi đảm nhiệm những vai trò này là có bao nhiêu thực phẩm bị vứt đi mỗi năm. Với hơn 1/3 số thực phẩm ở Mỹ bị lãng phí – nguyên liệu phong phú nhất được tìm thấy ở các bãi rác, Rogers cảm thấy phải có cách tốt hơn để ngăn thực phẩm bị vứt đi.

Rogers chia sẻ: “Rác thải là một trong những thứ mà chúng ta coi là đương nhiên nhưng không nhất thiết phải tồn tại. Điều cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là mọi người cần nhận ra rằng thật tồi tệ khi vứt thức ăn vào thùng rác và chúng trở thành khí mê-tan trong các bãi chôn lấp”.

Matt Rogers.

Đó là cách Rogers – cùng Harry Tannenbaum, cộng sự của anh tại Nest Labs, nảy ra ý tưởng cho Mill Industries. Dự án kinh doanh ra đời năm 2020 này tập trung vào việc tạo ra công nghệ bền vững để giúp chống lãng phí thực phẩm.

Sản phẩm của Mill Industries có khả năng “nuốt chửng” thức ăn thừa, làm khô chúng và nghiền nát chúng qua đêm. Thoạt nhìn, không ít người sẽ lầm tưởng đây là một chiếc thùng rác nhưng trên thực tế, chúng mang trong mình sứ mệnh to lớn hơn nhiều.

Rogers chạm nhẹ vào phần bàn đạp để mở nắp chiếc thùng, để lộ ra thứ trông giống lớp mùn nâu được cạo mỏng bên trong. Cá, vỏ chuối, vỏ trứng, gà tây… Rogers nói rằng tất cả đều có thể được chiếc thùng này xử lý. Anh đã thuê một kỹ sư cơ khí để thiết kế máy xay ở đáy thùng. Ngay cả khi vật dụng kim loại chẳng may rơi vào, chiếc thùng vẫn có thể hoạt động mà không gặp trục trặc.

Sản phẩm của Mill Industries.

Thực phẩm thừa như thịt và sữa – những thứ thường không thể ủ phân, sẽ được chiếc thùng biến thành thành phẩm cuối cùng giống như bã cà phê, không mùi và được Mill Industries gọi là bã thực phẩm. Chiếc thùng có khả năng trung hòa mùi bằng bộ lọc than.

Sau khi thùng đầy, Rogers cho biết trung bình mất khoảng 3 tuần, bã thực phẩm được gửi đến Mill Industries – nơi thành phẩm được làm sạch, sàng lọc, thanh trùng và đóng thành bao làm thức ăn cho gà rồi gửi tới các trang trại chăn nuôi.

Hiện Mill Industries tính phí người dùng 33 USD/tháng để tái chế thực phẩm thừa. Thông qua hệ thống này, Rogers hi vọng có thể giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm tại các hộ gia đình ở Mỹ.

Rogers chia sẻ: “Chúng ta không cần phải phát minh ra những thứ lớn lao. Nó giống như đừng bỏ thức ăn vào thùng rác”.

Trong thời gian làm việc tại Nest Labs, Rogers cho biết anh nhận thấy rằng các hệ thống cần phải dễ sử dụng hơn và tạo ra trải nghiệm tổng thể tốt hơn cho người dùng nếu muốn thay đổi thói quen hàng ngày của họ. Nest Labs đã giúp người dùng dễ dàng kiểm soát nhiệt độ trong nhà từ smartphone và giờ đây, Mill Industries giúp họ dễ dàng loại bỏ rác thải thực phẩm và giảm lượng khí thải carbon.

Sản phẩm của Mill Industries còn giúp loại bỏ đồ ăn thừa có mùi, cung cấp giải pháp thay thế cho việc ủ phân trộn thường thu hút ruồi nhặng và cần bảo trì ít hơn.

Thành phẩm cuối cùng được gọi là “bã thực phẩm”.

Ngoài ra, Mill cũng được trang bị một số công nghệ thông minh. Một ứng dụng tùy chọn cho phép người dùng theo dõi chất thải thực phẩm từ điện thoại và xem họ đã vứt đi bao nhiêu. Rogers cho biết việc giúp người dùng nhận thức được thói quen lãng phí có thể giúp thay đổi hành vi mua hàng theo thời gian, cho phép họ tiết kiệm một số tiền tại cửa hàng tạp hóa cho thực phẩm không thực sự cần thiết.

Thức ăn thừa là nguyên liệu rất dễ bắt gặp trong các bãi chôn lấp. Chúng lãng phí chất dinh dưỡng, tốn tiền để phân loại. Quan trọng nhất, khi thối rữa, chỉ riêng tại Mỹ, chúng giải phóng lượng khí mê-tan tương đương với lượng khí thải của 274 nhà máy điện khí đốt tự nhiên.

Năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền ở Mỹ tuyên bố sẽ giảm một nửa lượng lãng phí thực phẩm quốc gia vào năm 2030. Project Drawdown – một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, liệt kê các giải pháp cần thiết để tránh nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C vào cuối thế kỷ này. Và đứng đầu danh sách chính là loại bỏ chất thải thực phẩm.

Chia sẻ về tiềm năng của Mill Industries, Rogers cho biết anh kì vọng sản phẩm của công ty có thể vượt ra ngoài căn bếp gia đình, chẳng hạn phục vụ những thành phố có mục tiêu không rác thải.

Rogers nói: “Chúng tôi muốn xây dựng một doanh nghiệp tạo ra tác động tốt cho hành tinh này và chúng tôi muốn điều này dành cho tất cả mọi người”.

Nguồn: CNBC, Bloomberg

Theo Nhịp sống thị trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT