Trọng điểm điều tra sẽ là xem xét liệu Bytedance, công ty Trung Quốc đứng sau TikTok với giá trị vốn hóa 75 tỉ USD, có đang quản lý thận trọng dữ liệu có liên quan tới trẻ em và tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) hay không.

Nếu bị phát hiện sai phạm, công ty này có thể phải nộp phạt lên tới 4% doanh thu. “Chúng tôi hiện đang tích cực điều tra TikTok. Chúng ta cần những công cụ minh bạch, một hệ thống mở có chứa video phù hợp để con trẻ xem và chia sẻ,” bà Elizabeth Denham – người đứng đầu Văn phòng Cao ủy thông tin (ICO) của Anh cho biết.
Được biết cuộc điều tra của chính phủ Anh bắt đầu cùng giai đoạn với Mỹ. Trước đó vào cuối tháng 2, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã phạt ứng dụng này 5,7 triệu USD vì thu thập và tiết lộ trái phép vị trí của trẻ em, đồng thời không xóa thông tin của trẻ nhỏ khi được yêu cầu. “Đây là mức phạt dân sự lớn nhất có liên quan tới quyền riêng tư của trẻ em mà FTC từng đưa ra,” cơ quan này tuyên bố.
Đến tháng 4.2019, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Google và Apple gỡ bỏ TikTok vì cho rằng ứng dụng này chứa và phát tán nội dung xấu có thể gây hại cho trẻ em. Ấn Độ là một thị trường quan trọng của TikTok, bởi số lượng người dùng toàn cầu mà hãng này tuyên bố là khoảng 500 triệu người, trong khi đó tại Ấn Độ, số lượt tải TikTok đã lên tới con số 240 triệu với hơn 120 triệu người dùng tích cực hàng tháng.
Trong một thông cáo, Bytedance tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các tổ chức để cung cấp các thông tin liên quan nhằm hỗ trợ công việc của họ. Đảm bảo các nguyên tắc bảo mật thông tin là ưu tiên hàng đầu của TikTok.”
Theo Forbes Việt Nam