Vì sao các doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ bước vào ‘cuộc đua’ E-logistics?

Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021 chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Về phía các doanh nghiệp, chi phí logistics cao cũng bào mòn lợi nhuận, đặc biệt với những ngành có biên lợi nhuận mỏng như bán lẻ.

Chi phí logistics chiếm 16,8% giá trị hàng hoá

Nền kinh tế chỉ có thể phát triển đồng bộ và thông suốt nếu chuỗi logistics hoạt động liên tục. Vì vậy, logistics ngày càng có vai trò quan trọng đối với bất cứ nền kinh tế nào. Trên thực tế theo tính toán của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), năm 2021 chi phí logistics vẫn chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa Việt Nam trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%.

Chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng giá thành sản phẩm nên chi phí này tăng cao kéo theo giá thành hàng hóa bị đẩy lên cao. Và đây là “thách thức” không nhỏ đối với doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam thời điểm hiện tại.

Về phía các doanh nghiệp, chi phí logistics cao cũng bào mòn lợi nhuận, đặc biệt với những ngành có biên lợi nhuận mỏng như bán lẻ.

Còn nhớ trong buổi họp nhà đầu tư vào quý 1/2022, chủ tịch Nguyễn Đức Tài của CTCP đầu tư Thế giới di động đánh giá “Logistics là một ước mơ”. Cụ thể ước mơ của ông Tài là có ai đó làm logistics ngon lành để công ty ông có thể thuê và chỉ còn phải tập trung vào việc mua và bán, vì đó là sức mạnh của bán lẻ.

Chúng tôi đã thử vài lần, và sắp tới không biết có nên nỗ lực tiếp hay không vì có những lùng bùng trong đó. Logistics là kho vận, từ quản lý hàng hóa đến vận tải hàng hóa từ điểm nhận cho đến điểm siêu thị. Ở Việt Nam, nói thì hay chứ chưa có ai làm được ra hồn. Tôi hy vọng có bạn nào làm được cái đó tương đối bài bản.

Tôi biết rằng ở nước ngoài, họ dựa vào bên thứ ba. Chúng tôi cũng đã đi sang Nhật, Châu Âu để trao đổi với những đối tác kinh doanh ngành của mình và đúng là họ dùng dịch vụ của bên thứ ba. Nhà cung cấp chỉ giao hàng đến kho thôi và kho đó do bên thứ ba quản lý. Bên thứ ba đó nhận lệnh giao hàng đến những shop và họ tự thu xếp lấy hàng, giao hàng, đảm bảo giờ giấc.

Đó là ước mơ tôi mong ở Việt Nam có ai đó làm được, nhưng đến nay tôi cảm thấy cũng chưa có ai có thể làm được. Chúng tôi mới chỉ làm một vài dịch vụ liên quan đến vận tải và sau vài ba tháng cảm thấy lỗi thời chúng tôi cũng đầu hàng. Chúng tôi nói với một người trong nghề: ‘Ông ở trong nghề mười mấy năm mà sao tôi làm 2-3 năm còn đi xa hơn ông cả khúc như vậy?’. Đó là những thứ đang diễn ra ở Việt Nam“.

Chủ tịch công ty sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam này cho rằng logistics ở Việt Nam cực kỳ kém hiệu quả, rất tệ hại. Ông Tài cho rằng ai có sức mạnh xây dựng một công ty logistics tới nơi tới chốn ở Việt Nam chắc người đó sẽ thắng.

Vì sao các doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ bước vào 'cuộc đua' E-logistics? - Ảnh 1.

Cuộc đua E-logistics

Nếu như hồi quý 1, Thế giới di động chưa có quyết định rõ ràng về việc tự làm logistics thì trong buổi gặp mặt nhà đầu tư quý 2 mới đây, doanh nghiệp này đã quyết liệt hơn. Cụ thể ông Tài cho biết trong 4 tháng cuối năm sẽ tập trung vào logistics và Bách Hoá Xanh online.

Cũng không quá khó hiểu khi Thế giới di động tự tay làm logistics. Tối ưu logistics được xem là điểm mấu chốt để chuỗi Bách Hoá Xanh có lời. Cách đây không lâu, chủ tịch Thế giới di động từng tiết lộ chi phí để Bách Hóa Xanh online giao 1 túi hàng đang chiếm khoảng 10% doanh thu. Trong khi đó với một cửa hàng thuộc chuỗi Thế giới di động, chi phí thuê mặt bằng vận hành đang dưới 8% doanh thu.

Trong một phóng sự mới đây do VTV thực hiện cho biết chuỗi Bách Hoá Xanh hiện đã đầu tư và xây dựng hệ thống kho vận E-logistics. Thậm chí những nhà kho này được bố trí hệ thống camera giúp cho khách hàng có thể xem trực tiếp mặt hàng trên website trước khi quyết định chốt đơn.

Tất cả việc kinh doanh buôn bán ở thời điểm hiện tại gần như chúng tôi quản trị trên hệ thống ERP để kiểm soát tới từng sản phẩm một. Chúng tôi kiểm soát kinh doanh tồn kho, logistics cuối cùng để nâng cấp phù hợp tình hình thực tế thời điểm hiện tại”, CEO Thế giới di động Đoàn Văn Hiểu Em trả lời phỏng vấn VTV.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp lên thương mại điện tử đã tăng từ 80-100% mỗi năm kể từ sau đại dịch. Việc các doanh nghiệp tự đầu tư để hạn chế phụ thuộc vào đối tác logistics.

Tuy nhiên cũng có nhiều chuyên gia cho rằng cuộc đua E-logistics là cuộc đua tốn kém hàng triệu USD rủi ro cho cả doanh nghiệp lớn. Ví dụ như trường hợp của doanh nghiệp logistics lớn như DHL đã dừng dịch vụ E-logistics từ năm ngoái vì gánh nặng chi phí.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT