Là Tập đoàn hàng đầu Việt Nam với hệ sinh thái 15 công ty thành viên bám sát mảng kinh doanh cốt lõi là nhựa, Tập đoàn An Phát Holdings (Mã CK: APH) đã tìm ra hướng đi mới với chiến lược vô cùng táo bạo: Xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh lớn hàng đầu Đông Nam Á.
Để tìm hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển của APH, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Đinh Xuân Cường – Phó Chủ Tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings.
Tại sao APH lại chọn năm 2021 – thời điểm còn nhiều khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và thế giới để xây dựng nhà máy qui mô lớn này? Đây liệu có được xem là “nước cờ” mạo hiểm của APH không, thưa ông?
Xu thế phát triển xanh đã diễn ra mạnh mẽ từ nhiều năm qua và ngày càng lan rộng đến nhiều quốc gia với hàng loạt chính sách bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, ưu tiên phát triển các loại nguyên liệu xanh, sạch. Ngay tại thời điểm này, chúng tôi nhận thấy thị trường nguyên liệu xanh toàn cầu đang trong giai đoạn khởi sắc mặc dù nguồn cung sản phẩm này còn đang thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu thực tế. Dự kiến chỉ trong vòng từ 3 – 5 năm tới sản phẩm thân thiện môi trường sẽ chiếm lĩnh thị trường và dần thay thế các sản phẩm truyền thống.
Bên cạnh đó, khi bắt tay cho bất kì dự án mới nào, chúng tôi đều nghiên cứu kĩ 3 yếu tố cơ bản là: phải xác định lĩnh vực, sản phẩm đang là xu hướng mới có nhiều triển vọng; phải ước tính đạt được lợi nhuận đáng kể; phải xác định được dung lượng thị trường đủ lớn. Hiện tại, tôi và Ban lãnh đạo APH nhận thấy dự án này đang đảm bảo tốt 3 yếu tố trên vì vậy không có lý do gì để chúng tôi trì hoãn. Tôi hiểu rằng trong dự án này, APH sẽ là người khai phá, mở đầu tại Việt Nam vì thế chắc chắn sẽ có nhiều thách thức nhưng bù lại, cơ hội thành công cũng nhiều hơn.
Đây có phải là lí do khiến APH quyết định nâng quy mô dự án nhà máy chất dẻo phân hủy sinh học hoàn toàn (PBAT) từ công suất 20.000 tấn lên 30.000 tấn không?
Hiện tại, APH đang cung cấp cho thị trường hơn 100.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Năm 2019 chúng tôi mới xuất khẩu sản phẩm xanh ra 5 nước thì đến năm 2020 con số này đã tăng gấp 4 lần. Chỉ riêng tại Việt Nam, chúng tôi nhận định rằng chỉ cần một phần thị trường sản phẩm bao bì truyền thống chuyển sang sản xuất bằng nguyên liệu phân hủy sinh học hoàn toàn (PBAT) thì nhà máy sắp xây dựng chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Với sản lượng 30.000 tấn thì thị trường sẽ có khả năng tiêu thụ toàn bộ sản lượng của APH ngay sau 1 năm nhà máy đi vào hoạt động.
Tại sao lại là PBAT mà không phải là một loại nguyên liệu nào khác trong ngành tự hủy?
Giá thành và khả năng ứng dụng của sản phẩm là những yếu tố giúp chúng tôi lựa chọn đầu tư vào PBAT. Thứ nhất, sản phẩm sinh học có nguồn gốc PBAT sẽ có chi phí sản xuất và giá tiệm cận gần nhất với sản phẩm nhựa truyền thống do khoảng cách giá giữa 2 loại sản phẩm này đang là thấp nhất so với các nguyên liệu sinh học khác. Thứ hai, PBAT là nguyên liệu có thể sản xuất công nghiệp, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong sản xuất sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn, bảo vệ môi trường như dao, thìa, dĩa, bao bì… đặc biệt sản phẩm bao bì là lợi thế và cốt lõi của chúng tôi trong gần 20 năm nay. Thứ ba, thị trường tiêu thụ sản phẩm PBAT được dự báo nhanh và mạnh nhất trong các nguyên liệu tự hủy, tương đương tốc độ tăng trưởng kép đạt 18,3%. PBAT cũng là nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất (17%) trong các loại nhựa sinh học.
Nhà máy sắp xây dựng liệu có thể giải quyết bài toán nguyên liệu cho APH trong thời gian tới không, thưa ông?
Hiện nay, việc sản xuất các sản phẩm của APH đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, việc phải nhập khẩu 95% nguyên liệu từ nước ngoài sẽ mang đến rủi ro lớn cho hoạt động sản xuất của APH. Hiện công ty Ankor Bioplastics tại Hàn Quốc của chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu nguyên liệu tự hủy của APH. Do đó, việc xây dựng nhà máy sẽ giải quyết bài toán nguyên liệu đầu vào và giá thành sản phẩm. Khi rào cản về giá được loại bỏ, khoảng cách giá giữa sản phẩm nhựa một lần và sản phẩm nhựa sinh học sẽ thu hẹp lại, người dùng có ý thức bảo vệ môi trường sẵn sàng chuyển sang sản phẩm thân thiện môi trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp và khó có thể kiểm soát được trong tương lai gần, theo ông, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nguyên liệu xanh liệu có khó khăn?
Theo tôi, đại dịch chưa từng khiến làn sóng chuyển dịch xanh trên thế giới chậm lại. Ngược lại, các chính sách thực tiễn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ưu đãi cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xanh vẫn đang được triển khai mạnh mẽ. Tại các thị trường truyền thống của APH như Châu Âu, Hoa kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc chuyển dịch sang sản phẩm xanh đang diễn ra rất mạnh mẽ. Đó cũng chính là thị trường mục tiêu của APH trong thời gian tới khi nhà máy được hoàn thiện.
Tại Việt Nam, với các chính sách chuyển đổi, thay thế và hạn chế sử dụng túi sử dụng một lần và chuyển dịch sang sản phẩm thân thiện môi trường thì tiềm năng thị trường là sẵn có. Đây cũng là thị trường APH có thể khẳng định vị thế độc tôn của mình trong việc cung cấp nguyên liệu xanh.
Theo ông, quyết định đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nguyên liệu xanh của APH sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn và thị trường nguyên liệu tại Việt Nam?
Các doanh nghiệp hiện nay đang đứng trước thách thức hoặc phát triển cùng với xu thế chung của thời đại hoặc tụt hậu phía sau và lụi tàn. Việc xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh là bước đi chiến lược giúp APH tăng trưởng bền vững trong thời gian ít nhất 20 năm tới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã làm việc với chúng tôi về nguồn cung nguyên liệu để sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Với việc xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh lớn hàng đầu Đông Nam Á, APH sẽ từ phụ thuộc chuyển sang chủ động, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường trong những năm tiếp theo.
APH đã có sự chuẩn bị như thế nào để đảm bảo cho dự án này đạt được thành công từ khâu xây dựng đến khâu vận hành?
3 yếu tố được chúng tôi xác định sẽ quyết định sự thành bại cho dự án đó là: Con người, công nghệ, tài chính.
Lợi thế của chúng tôi là doanh nghiệp có gần 20 năm trong nghề, hệ thống khách hàng toàn cầu, nhưng để một dự án đi vào triển khai trơn tru từ khâu xây dựng đến vận hành là bài toán buộc doanh nghiệp phải chấp nhận thách thức của người đi đầu. Rất may mắn, chúng tôi có những người lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm thương trường, nhiều lãnh đạo trẻ giàu ý tưởng sáng tạo và đội ngũ nhân viên tâm huyết.
Về công nghệ, thông qua việc mua lại và sở hữu công ty tại Hàn Quốc từ năm 2018, APH đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nắm giữ bí quyết sáng chế về nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn. Ngoài ra chúng tôi còn có công nghệ sản xuất độc quyền từ Đức, công thức sản xuất được nghiên cứu bởi các chuyên gia đầu ngành về nhựa phân hủy sinh học tại nhà máy Ankor Bioplastics – Hàn Quốc và đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt Nam.
Về tài chính, APH đã có sự chuẩn bị toàn diện để đảm bảo nguồn lực tài chính không bị đứt gãy trong quá trình triển khai các dự án. Ngoài việc niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm huy động vốn, mới đây, HĐQT APH đã thông qua phương án thay đổi cấu trúc dự án từ nhà máy sản xuất thuộc APH xuống công ty con. Điều này sẽ giúp mở ra cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư muốn tham gia trực tiếp dự án, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều nhà đầu tư tài chính nước ngoài bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đầu tư vào dự án mà APH đang triển khai.
Bước đầu là nâng quy mô nhà máy sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam, sau đó là dự kiến xây dựng nhà máy nguyên liệu tại Hoa Kỳ – APH đang tính toán điều gì?
Sau quá trình nghiên cứu thị trường và mở rộng cung cấp sản phẩm sinh học tại thị trường Hoa Kỳ, chúng tôi thấy được quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường này sẽ là lớn và mạnh nhất thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng đội ngũ nhân sự, tạo dựng hình ảnh về doanh nghiệp và sản phẩm sinh học, xây dựng các mối quan hệ với khách hàng và đối tác tại thị trường này.
Thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã đề xuất hợp tác với APH để xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ tuy nhiên chúng tôi ưu tiên xây dựng nhà máy ở Việt Nam trước và tiếp tục cùng đối tác nghiên cứu cơ hội đầu tư, xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ. Các công ty như An Phat International hay AFC Ecoplastics đã được thành lập tại Hoa Kỳ nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại sản phẩm xanh, chuẩn bị cho bước phát triển và chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong 2 – 3 năm tới.
Trong vai trò là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên dám đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu xanh, theo ông, những thách thức nào đang chờ đợi APH?
Thách thức của người đi đầu luôn là tạo dựng thị trường. Giá thành sản phẩm thân thiện môi trường đang cao gấp 2 – 3 lần sản phẩm thông thường, việc thay đổi thói quen người tiêu dùng lại không thể là câu chuyện ngày một ngày hai, đây là khó khăn chung của nhiều nhà sản xuất nguyên liệu xanh.
Tuy nhiên trong khó khăn chúng tôi nhìn thấy cơ hội. Lợi thế của APH là có trong tay những công nghệ sản xuất hiện đại, độc quyền từ Đức, công thức sản xuất được nghiên cứu bởi chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực và sản phẩm đạt chứng chỉ quốc tế uy tín. Bên cạnh đó, chúng tôi có gần 20 năm kinh nghiệm thương trường và danh tiếng thương hiệu để tự tin đưa sản phẩm của mình đến những thị trường khó tính nhất. Vấn đề về giá sẽ sớm được khắc phục khi nhà máy đi vào hoạt động và APH nắm quyền chủ động nguyên liệu.
Năm 2021, cùng với kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất nguyên liệu xanh, tại sao APH lại có quyết định tăng sở hữu với Nhựa An Phát Xanh (Mã CK: AAA)?
AAA là cánh chim đầu đàn của hệ sinh thái APH, đặc biệt trong mảng kinh doanh chiếm phần lớn lợi nhuận của Tập đoàn là bao bì. Tuy nhiên, trong thời gian tới AAA cũng là đơn vị sẽ tiêu thụ phần lớn các nguyên vật liệu sinh học do chúng tôi sản xuất ra. Vì vậy, AAA sẽ là đơn vị hưởng lợi lớn nhất từ việc tự chủ nguyên liệu PBAT. Vì vậy theo chúng tôi việc nâng sở hữu tại công ty này sẽ đem lại lợi ích chung cho cổ đông của APH.
Là Tập đoàn nhựa với hệ sinh thái đa ngành, bên cạnh sản phẩm xanh, ông có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển 5 năm tiếp theo của APH?
APH định hướng trở thành Tập đoàn Nhựa kỹ thuật cao và thân thiện môi trường hàng đầu Đông Nam Á. Trong mảng kinh doanh truyền thống là bao bì và nhựa kỹ thuật, chúng tôi tập trung ổn định sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó 2 lĩnh vực mới là nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn và bất động sản KCN sẽ là “chiến lược trọng tâm” để Tập đoàn duy trì tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế trong 5 năm tới.
Bất động sản công nghiệp được nhắc đến là lĩnh vực chiến lược của APH và cũng là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Định hướng của APH trong lĩnh vực này năm 2021 là gì?
Trong 5 năm tới, chúng tôi hướng đến việc phát triển một quỹ đất lớn tại Hải Dương, nơi có vị thế địa chính trị thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các khu công nghiệp này có thể tạo ra hàng vạn việc làm và được định hướng sẽ tập trung thu hút đầu tư thân thiện môi trường trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp với các loại hình như công nghiệp chế tạo và lắp ráp linh kiện cơ khí, điện tử; công nghiệp chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp hỗ trợ…
Với rất nhiều kế hoạch chiến lược, xin ông có thể khái quát về bức tranh toàn cảnh của APH trong năm 2021?
Năm 2021, AAA sẽ trở lại đường đua khi hoạt động kinh doanh bao bì tăng trưởng, mảng KCN hoạt động ổn định, trong khi đó mảng công nghiệp hỗ trợ của Nhựa Hà Nội (Mã CK: NHH) sẽ phục hồi do không còn chịu ảnh hưởng của Covid-19. Các dự án mới của AAA và NHH cũng bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ năm 2021. Chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế của APH là 590 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2020. Kế hoạch mục tiêu LNST cho AAA và NHH sẽ lần lượt là 550 tỷ và 150 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhịp sống kinh tế