Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings cho rằng, việc phá sản của BlockFi đã nhấn mạnh thêm những rủi ro lây lan tài sản liên quan đến hệ sinh thái tiền điện tử.

Rủi ro lan truyền

Mới đây, công ty cho vay tiền điện tử BlockFi đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Đây được xem là thiệt hại mới nhất trong ngành, sau khi công ty thừa nhận bị tổn hại lớn, do tiếp xúc quá nhiều với sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã sụp đổ vào đầu tháng này.

BlockFi phá sản, hệ luỵ từ rủi ro lan truyền trong thế giới tiền điện tử - Ảnh 1.
BlockFi Inc đã nộp đơn xin phá sản, cho rằng việc tiếp xúc với FTX đã dẫn đến khủng hoảng thanh khoản. Ảnh: TNS

Việc nộp đơn lên tòa án New Jersey được đưa ra khi giá tiền điện tử giảm mạnh. Đặc biệt, giá Bitcoin (BTC) – mã thông báo kỹ thuật số lớn nhất đã giảm hơn 70% so với mức đỉnh hồi tháng 11/2021.

Monsur Hussain, Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings cho biết: “Việc phá sản của BlockFi đã nhấn mạnh thêm những rủi ro lây lan tài sản liên quan đến hệ sinh thái tiền điện tử”.

BlockFi có trụ sở tại New Jersey, được thành lập bởi Zac Prince, một doanh nhân điều hành trong lĩnh vực Fintech sau đó chuyển sang tiền điện tử. BlockFi giải thích, cuộc khủng hoảng thanh khoản là do họ tiếp xúc với FTX thông qua các khoản vay cho Alameda, một công ty giao dịch tiền điện tử liên kết với FTX , cũng như tiền điện tử được giữ trên nền tảng của FTX đã bị mắc kẹt ở đó. Sàn giao dịch cũng liệt kê tài sản và nợ của mình nằm trong khoảng từ 1 – 10 tỷ USD.

Trước đó, FTX đã nộp đơn xin phá sản tại Hoa Kỳ sau khi các nhà giao dịch rút 6 tỷ đô la Mỹ khỏi nền tảng chỉ trong 3 ngày và sàn giao dịch đối thủ Binance từ bỏ thỏa thuận giải cứu. Trước đó, BlockFi cũng kiện một công ty cổ phần của Bankman-Fried – CEO sàn FTX nhằm tìm cách thu hồi cổ phần của Robinhood Markets Inc được dùng làm tài sản thế chấp trước khi BlockFi và FTX nộp đơn xin phá sản.

Mark Renzi, Giám đốc điều hành của Berkeley Research Group bình luận, mặc dù việc các con nợ tiếp xúc với FTX là nguyên nhân chính dẫn đến việc nộp đơn phá sản, nhưng những con nợ không phải đối mặt với vô số vấn đề mà FTX đang phải đối mặt.

Thực tế, BlockFi đã bán một phần tài sản tiền điện tử của mình vào đầu tháng 11 để tài trợ cho việc phá sản. Doanh số bán hàng đó đạt 238,6 triệu USD tiền mặt và BlockFi hiện có 256,5 triệu USD tiền mặt trong tay.

Hồ sơ phá sản của BlockFi cũng được đưa ra sau khi hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Celsius Network và Voyager Digital đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 7, với lý do điều kiện thị trường khắc nghiệt dẫn đến thua lỗ ở cả hai công ty.

Có thể thấy, những người cho vay tiền điện tử, ngân hàng thực của thế giới tiền điện tử đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, thu hút khách hàng bán lẻ với lãi suất hai con số để đổi lấy tiền gửi là tiền điện tử của họ. Những người cho vay tiền điện tử không bắt buộc phải nắm giữ vốn hoặc bộ đệm thanh khoản như những người cho vay truyền thống và một số người thấy mình bị ảnh hưởng khi thiếu tài sản thế chấp buộc họ và khách hàng của họ phải chịu những khoản lỗ lớn.

BlockFi cũng liệt kê Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) là một trong những chủ nợ lớn nhất của mình, với yêu cầu bồi thường 30 triệu USD. Vào tháng 2, một công ty con của BlockFi đã đồng ý trả 100 triệu USD cho SEC và 32 tiểu bang để giải quyết các khoản phí liên quan đến sản phẩm cho vay tiền điện tử bán lẻ mà công ty đã cung cấp cho gần 600.000 nhà đầu tư. Trong hồ sơ phá sản của mình, BlockFi cho biết họ đã thuê Kirkland & Ellis và Haynes & Boone làm cố vấn phá sản.

Bài học cho nhà đầu tư

Sự sụp đổ liên tiếp của các “đế chế” trên thị trường tiền điện tử là lời nhắc nhở rằng, không có bữa trưa nào miễn phí đối với những ai muốn kiếm tiền nhanh trên một thị trường còn tương đối mới mẻ và thiếu sự điều tiết.

BlockFi phá sản, hệ luỵ từ rủi ro lan truyền trong thế giới tiền điện tử - Ảnh 2.
Hồ sơ phá sản của BlockFi cũng được đưa ra sau khi hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Celsius Network và Voyager Digital đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 7

Chuyên gia tài chính Jon Ulin, CEO của Ulin & Co khuyến nghị: “Bạn chỉ nên đầu tư số tiền mà bạn sẵn sàng mất trắng và tính toán, hoài nghi là những điều cần thiết khi đánh giá tài sản, đặc biệt với những sản phẩm tài chính được quảng cáo bởi người nổi tiếng và nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội”.

Từ những vụ phá sản trên, có ý kiến cho rằng điều đó có thể tốt cho các công ty tài chính truyền thống khi tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử, khi họ đã có sẵn những bộ máy quản trị rủi ro.

Riêng với những người nắm giữ tiền ảo, họ cần phải hiểu tiền ảo được cất ở đâu và những rủi ro đi kèm với việc cất tài sản ở đó. Ví dụ như hình thức “lưu trữ lạnh” (cold storage) – tức là đưa tiền ảo sang trạng thái ngoại tuyến, qua đó giảm bớt nguy cơ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công. Tuy nhiên, cách làm này làm cho độ thanh khoản của tài sản bị giảm và khó giao dịch nhanh.

Hồi tháng 6 năm nay, hai Thượng nghị sỹ của Mỹ là Cynthia Lummis và Kirsten Gillibrand khởi xướng một dự luật nhằm tạo ra một cấu trúc pháp lý cho tiền kỹ thuật số. Dự luật này coi tiền ảo như một dạng hàng hoá cơ bản, tương tự như vàng hoặc dầu thô – những tài sản đang được điều tiết bởi Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai (CFTC).

Giới chuyên gia tin rằng, sự sụp đổ kể trên có thể đẩy nhanh các cuộc thảo luận này và giúp nhanh chóng tiến tới việc nhà chức trách đưa ra quy định cụ thể để điều tiết thị trường tiền điện tử.

Lộ diện nạn nhân đầu tiên phá sản vì FTX: Từng là công ty cho vay tiền số ‘sừng sỏ’, hiện đang ‘ôm’ 100.000 chủ nợ

Theo diendandoanhnghiep.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT