Tết là thời điểm mà mọi người thường hay có thói quen về quê để đoàn tụ gia đình, cùng nhau xum họp để chia sẻ vui buồn cuộc sống trong suốt một năm qua. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định du lịch đâu đó thì NHIPSONGDOANHNHAN sẵn sàng tư vấn cho bạn một vài địa điểm thú vị.
Không giống như những địa điểm trước khi chúng tôi đã đưa bạn đến những vùng đất nổi tiếng. Nhân dịp Xuân về, NHIPSONGDOANHNHAN vẫn tiếp tục giới thiệu một số địa điểm hiển nhiên cũng “danh bất hư truyền” nhưng hết sức quen thuộc với mỗi người dân đất Việt. Càng thú vị hơn khi chính các địa danh này mỗi ngày bạn đều nhìn thấy và “cầm” trên tay. Đó là 5 địa danh xuất hiện trên tờ tiền Polymer Việt Nam – Bộ mặt của tài chính quốc gia.
- Ngôi nhà tranh của Bác tại làng Sen trên tờ 500.000đ
Hiển nhiên không ai không nhận ra trên tờ tiền polymer mệnh giá cao nhất là hình ảnh ngôi nhà tranh giản dị thời thơ ấu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày nay, nơi đây trở thành khu di tích bao gồm 4 cụm chính: Khu quê ngoại (làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa), khu quê nội (làng Sen), núi Chung (xã Kim Liên) và khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Hồ Chủ tịch) thuộc xã Nam Giang.
2. Hòn Trống Mai – vịnh Hạ Long trên tờ 200.000đ
Vịnh Hạ Long – được Unesco nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được làm nên bởi tạo hoá kỳ vĩ và sống động. Vịnh Hạ Long có phong cảnh tuyệt đẹp nên nơi đây là một điểm du lịch rất hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Trên tờ tiền polymer mệnh giá 200.000đ là hình ảnh của hòn Trống Mái. Hòn Trống Mái nằm ở phía Tây Nam vịnh Hạ Long gần hòn Đỉnh Hương. Giữa một vùng biển nước bao la, hai con gà một trống và một mái hiện lên ngạo nghễ trên mặt. Đã hàng triệu năm trôi qua, hai con gà vẫn thuỷ chung đứng đó. Dường như sự hấp dẫn được nhân lên ở đôi chân không cân đối đó. Ðã có rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa, thơ ca… về hai con gà này. Hình ảnh của hòn Trống Mái đã trở thành biểu tượng củadu lịch Hạ Long.
3. Khuê Văn Các trên tờ 100.000đ
Khuê Văn Các nằm trong Quốc Tử Giám thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đến nay, Khuê Văn Các vẫn là một trong những biểu tượng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Ít người biết rằng kiến trúc này chính là ý tưởng của vị tổng trấn đầu tiên của triều Nguyễn trên đất Bắc thành – Thăng Long, thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học với tư tưởng coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia.
4. Nghênh Lương Đình trên tờ 50.000đ
Nghinh Lương Đình có kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái. Đây là nhà thủy tạ, dành cho vua nghỉ ngơi hóng mát mỗi khi đến tiết hạ nóng nực. Tòa nhà này được dựng năm Tự Đức thứ 5 (1852) ở bờ Bắc sông Hương, đối diện với Phu Văn Lâu.
Năm Thành Thái thứ 15 (1903) Nghinh Lương Đình được trùng tu, năm Khải Định thứ 3 (1918) lại được tôn tạo thêm một lần nữa để phục vụ vua thường xuyên đến nghỉ mát. Tuy không phải là một công trình đặc sắc về kiến trúc hoặc có quy mô lớn, nhưng Nghênh Lương Đình là một bộ phận không thể tách rời của cụm kiến trúc Nghênh Lương Đình-Phu Văn Lâu và Kỳ đài nằm trong quần thể Kinh thành Huế xưa.
5. Chùa Cầu – Hội An trên tờ 20.000đ
Chùa Cầu (hay còn gọi Lai Viễn kiều) là công trình kiến do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16 -17. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.
Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”. Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này.
Minh Nguyễn