Đây là chiến lược mới của Aeon nhằm đấu lại những thương hiệu quần áo như HM và Uniqlo.
Với việc dân số trẻ đang ngày càng mua sắm nhiều hơn, Việt Nam đang trở thành nơi thử nghiệm cho chiến lược mới của Aeon nhằm đấu lại những thương hiệu quần áo như HM và Uniqlo.
Cụ thể, thương hiệu My Closet của Aeon gần đây đã ra mắt tại Aeon Mall Bình Tận, TP Hồ Chí Minh, cung cấp quần áo mặc hàng ngày với mức giá chỉ bằng 1 nửa so với những đối thủ cạnh tranh.
Cửa hàng gồm 400 loại sản phẩm khác nhau như áo phông và quần short, nhắm tới đối tượng chính là phụ nữ từ 16 – 24 tuổi.
Mức giá quần áo của My Closet chỉ có giá bằng khoảng 50% – 70% so với những hàng hóa cùng loại từ những nhà sản xuất khác. Nếu như một chiếc áo phông từ những thương hiệu phương tây khác có giá từ 200.000 – 300.000 đồng thì món đồ tương đương của My Closet chỉ có giá 150.000 VNĐ (khoảng 6 USD).
“Chúng tôi nhắm tới việc biến đây trở thành bước đi vào lĩnh vực thời trang nhanh đầu tiên của Aeon”, theo Yasuyuki Furusawa – Tổng giám đốc Aeon Việt Nam.
Aeon cũng có những kế hoạch lớn tại Việt Nam – nền kinh tế đang phát triển nhanh với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Họ muốn tập trung chiến lược vào các thị trường châu Á khác bên ngoài Nhật Bản. Nhà bán lẻ này đang muốn tận dụng kinh nghiệm với thương hiệu riêng của mình là Topvalu tại Nhật Bản.
Việc sản xuất quần áo của Aeon sẽ được thuê ngoài các nhà máy ở địa phương. Quá trình sản xuất bất kỳ món đồ nào cũng sẽ chỉ tồn tại 1 hoặc 2 tháng nhưng Aeon sẽ bổ sung thêm những thiết kế mới liên tục, giữ hiệu suất vận hành cao và chi phí giảm. Công ty sẽ hạn chế chi phí vận chuyển bởi sử dụng kênh phân phối hiện tại giữa các cửa hàng.
Aeon sẽ ra mắt thương hiệu mới tại những cửa hàng khác ở Việt Nam và sẽ cân nhắc cung cấp trên cả các trang thương mại điện tử của Việt Nam cũng như những quốc gia khác như Malaysia. Kể từ khi ra mắt trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014, tập đoàn này đã mở 200 cửa hàng trên cả nước, gồm cả siêu thị và 6 trung tâm thương mại.
Kế hoạch trung hạn của Aeon tuyên bố vào tháng 4/2021 nói rằng họ muốn tạo ra 25% lợi nhuận hoạt động bên ngoài Nhật Bản tới cuối năm tài chính tháng 2/2026, tăng 3% so với 4 năm trước.
Yếu tố chủ chốt với kế hoạch này là xoay trục sang các thị trường châu Á – nơi Aeon nhắm tới tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động của năm đó so với 6 năm trước, vượt 100 tỷ yên (700 triệu USD). Thay vì sao chép mô hình kinh doanh bán buôn sang những quốc gia khác, Aeon đang phát triển chiến lược mới thích ứng riêng cho mỗi thị trường.
Việt Nam – nơi lãnh đạo Aeon gọi là “thị trường quan trọng nhất trong chiến lược nước ngoài của chúng tôi” đang được thiết lập cho làn sóng đầu tư này. Tập đoàn nhắm tới mở 100 siêu thị tới năm 2025, gấp 10 lần so với hiện tại và gấp 3 lần lượng trung tâm mua sắm, lên con số 16.
Tờ Nikkei nhận định rằng, giới trung lưu của Việt Nam đang tăng lên và người tiêu dùng trẻ với nhiều tiền hơn cũng đang muốn mua sắm nhiều hơn. Thị trường quần áo được dự báo tăng lên 7,33 tỷ USD trong năm 2025 so với năm 2021.
Những thương hiệu toàn cầu khác cũng đã tiến vào thị trường này. Fast Retailing – công ty mẹ của Uniqlo đã vào Việt Nam vào năm 2019 và hiện có 12 cửa hàng tại đây.
HM có mạng lưới 12 cửa hàng ở Việt Nam sau khi bước chân vào thị trường này vào năm 2017.
“Chúng tôi không thể đứng yên được nữa”, ông Furusawa nói.