Nghiên cứu cho thấy thói quen bỏ bữa, nhịn ăn và ăn ba bữa gần nhau có thể tăng nguy cơ tử vong sớm vì nhiều nguyên nhân.
Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng ngày 23/11, các chuyên gia cho rằng chỉ ăn một bữa mỗi ngày làm tăng nguy cơ tử vong ở người Mỹ từ 40 tuổi trở lên. Bỏ bữa sáng hoặc bữa tối làm gia tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Người ăn hai hoặc ba bữa cách nhau dưới 4,5 tiếng có tỷ lệ tử vong vì mọi nguyên nhân cao hơn.
“Vào thời buổi chế độ nhịn ăn gián đoạn được quảng bá rộng rãi như hình thức giảm cân, tăng cường trao đổi chất và ngăn ngừa bệnh tật, nghiên cứu của chúng tôi rất quan trọng đối với những người Mỹ trưởng thành có thói quen ăn dưới ba bữa mỗi ngày”, tiến sĩ Yangbo Sun, tác giả chính của nghiên cứu, thành viên Cục Y tế Dự phòng, cho biết và nói rằng theo phân tích, người ăn một bữa có nguy cơ tử vong cao hơn người ăn đủ bữa.
Dựa trên những phát hiện mới, ông khuyến nghị mọi người nên ăn ít nhất hai đến ba bữa trong ngày. Theo nghiên cứu, việc bỏ bữa khiến mọi người nạp nhiều năng lượng hơn trong một thời điểm nhất định. Tương tự, nếu ăn các bữa quá sát nhau, năng lượng nạp vào cũng cao đột ngột. Điều này làm tăng gánh nặng điều hòa chuyển hóa glucose của cơ thể, dẫn đến suy giảm quá trình trao đổi chất sau đó.
Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu của hơn 24.000 người Mỹ từ 40 tuổi trở lên. Tất cả từng tham gia Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (NHANES) giai đoạn 1999-2014. NHANES đã thu thập thông tin liên quan đến y tế nhằm đánh giá chế độ ăn uống, tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe tổng quát, tiền sử bệnh lý và hành vi sức khỏe hai năm một lần.
Trong số 24.000 tình nguyện viên, hơn 4.100 người đã tử vong. Các nhà khoa học quan sát thấy họ có đặc điểm chung là ăn ít hơn ba bữa mỗi ngày, nam giới, da đen, thu nhập thấp, có thói quen uống rượu bia, ăn ít thực phẩm bổ dưỡng, thích ăn vặt và nạp ít năng lượng tổng thể.
Theo tiến sĩ Wei Bao, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Iowa, Thành phố Iowa, điều tra viên của nghiên cứu, kết quả không thay đổi sau khi loại trừ các yếu tố về chế độ ăn và lối sống (thói quen hút thuốc, uống rượu, mức độ hoạt động thể chất).
“Nghiên cứu đóng góp bằng chứng cần thiết về mối liên hệ giữa hành vi ăn uống và tỷ lệ tử vong xét trên phương diện thời gian”, ông nói thêm.
Theo VNE