Bán một mẫu áo 28 năm vẫn đắt khách và chiến lược ‘xanh hoá’ của Uniqlo

Việc sử dụng vật liệu tái chế, công nghệ tiết kiệm nước không chỉ cho thấy tham vọng ‘xanh hoá’, làm bền vững thời trang của hãng mà còn là chiến lược để Unqilo xây dựng một sản phẩm kinh điển, có sức sống trường tồn trong lòng người tiêu dùng.

Uniqlo là thương hiệu không còn xa lại trên thế giới và cả Việt Nam. Đã trải qua 48 năm hình thành và phát triển, thương hiệu này luôn trung thành với triết lý LifeWear, với những thiết kế cơ bản, phục vụ đời sống hằng ngày, phù hợp với tất cả mọi người. Trong bối cảnh thời trang nhanh và chủ nghĩa tiêu dùng đang thúc đẩy sự đến – đi nhanh chóng của các trào lưu thời trang, Uniqlo vẫn gây dựng được đế chế của riêng mình bằng chính các thiết kế đơn giản và trường tồn theo thời gian.

Một trong những minh chứng điển hình là chiếc áo khoác giả lông cừu – được xếp vào nhóm món đồ kinh điển của hãng. Ra đời từ năm 1994, mẫu áo mềm như bông này từng khuấy động cả thị trường Nhật Bản, khiến người tiêu dùng sẵn sàng xếp hàng dài để chờ tới lượt vào mua. Đến nay đã 28 năm, mùa Thu – Đông nào, mẫu áo giả lông cừu cũng được bày trên kệ các cửa hàng của Uniqlo và vẫn được người tiêu dùng đón nhận.

Thoáng nhìn qua, khó để nhận ra sự khác biệt của cùng một mẫu áo này sau mỗi năm. Tuy nhiên, theo Uniqlo, hãng luôn liên tục điều chỉnh tỉ mỉ, cải tiến sản phẩm. Đến năm 2022, áo giả lông cừu tiếp tục được đổi mới, nếu không muốn nói là có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt.

Bán một mẫu áo 28 năm vẫn đắt khách và chiến lược 'xanh hoá' của Uniqlo - Ảnh 1.

Trong buổi công bố BST Thu-Đông 2022, Uniqlo tuyên bố đã đạt mục tiêu sản xuất mẫu áo khoác giả lông cừu từ 100% nguyên liệu tái chế, đặc biệt là chai nhựa. Một khối lượng lớn chai nhựa được thu mua, phân loại, nghiền nát, nấu chảy rồi kéo thành sợi. Không chỉ vải mà cả khoá kéo, mác áo cũng đều làm bằng vật liệu tái chế. Đáng nói, những chiếc áo này vẫn giữ được độ mềm mại, mịn, ấm và màu sắc sống động như làm từ vải thường.

Việc này không chỉ cho thấy tham vọng “xanh hoá”, làm bền vững thời trang của hãng mà còn là chiến lược để Unqilo xây dựng một sản phẩm kinh điển, có sức sống trường tồn trong lòng người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tất cả những chiếc quần jean tại Uniqlo cũng đang được sản xuất với công nghệ mới, giúp tiết kiệm 99% lượng nước so với thông thường. Nếu như với công nghệ truyền thống, cần đến 7.000 lít nước để sản xuất ra một chiếc quần jeans thì tại Uniqlo, lượng nước này chỉ tương đương 1 tách trà. Công nghệ tia laser áp dụng trong quá trình tạo kiểu bạc màu cho quần cũng giúp giảm bớt gánh nựng từ quá trình xử lý thủ công của người lao động, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc.

Bán một mẫu áo 28 năm vẫn đắt khách và chiến lược 'xanh hoá' của Uniqlo - Ảnh 2.

Ngay tại các cửa hàng của Uniqlo hiện có tại Việt Nam, những chiếc thùng dán nhãn RE.Uniqlo được dùng để thu thập quần áo Uniqlo không còn nhu cầu sử dụng từ phía khách hàng và tiến hành làm mới, mang lại giá trị mới cho số quần áo này. RE.Uniqlo chính thức được Uniqlo triển khai tại Việt Nam từ năm 2021 thông qua sự hợp tác cùng Quỹ Hy Vọng, quỹ xã hội – từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không vì lợi nhuận. Kể từ khi phát động, chương trình đã thu thập được hơn 12.000 sản phẩm Uniqlo đã qua sử dụng và chuyển đến các em học sinh, người dân sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La.

Theo thông tin chúng tôi có được, trong vài tháng cuối năm 2023, Uniqlo sẽ mở thêm 3 cửa hàng mới tại Hà Nội, nâng quy mô tại Việt Nam lên 15 cửa hàng.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT