Bầu Đức xác định nuôi heo năm 2023 không có lãi, quyết định bán “đứa con” Bapi chưa đầy 1 tuổi

“Bapi HAGL ra đời để tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm HAGL làm ra. Mà mình tôi thì không thể ôm xuể, và nói thẳng là làm đến nay tôi chưa thấy hiệu quả dù có sản phẩm riêng biệt. Nên tôi mời anh Diện (ông Đỗ Xuân Diện) vào nắm 35% vốn”, ông Đức phát biểu trong hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư chiều nay 10/02/2023.

Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG), ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã chia sẻ thẳng thắn về tình hình hoạt động của công ty, trong đó sản phẩm heo ăn chuối có nhiều thông tin và diễn biến mới.

Nhìn lại năm 2022, Heo ăn chuối đã mang lại cho bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai nhiều lợi ích.

Đầu tiên, có thể nói HAGL đã được lợi về truyền thông khi làm thương hiệu mới. Không dễ dàng gì một sản phẩm “chân ướt chân ráo” ra thị trường lại được chú ý và quan tâm nhiều như Heo ăn chuối Bapi.

Những người làm truyền thông ngày nay đều hiểu rằng, yếu tố “câu chuyện” trở thành “key” để sản phẩm đi vào tâm trí của khách hàng một cách nhanh nhất. Mà Heo ăn chuối lại mang trong mình rất nhiều câu chuyện, gắn với vị doanh nhân từng giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và hành trình làm nông nghiệp “sương gió” lên bổng xuống trầm hàng chục năm của ông.

Có người còn nghi ngờ, nhưng vẫn có rất nhiều người ủng hộ bầu Đức, thêm vào đó, sự tò mò cũng là yếu tố kéo khách hàng đến với heo ăn chuối khi sản phẩm mới được ra mắt.

Bầu Đức xác định nuôi heo năm 2023 không có lãi, lên kế hoạch bán "đứa con" Bapi chưa đầy 1 tuổi - Ảnh 2.
Bầu Đức trong lễ ra mắt sản phẩm Heo ăn chuối Bapi

Lợi ích thứ hai, đó là heo ăn chuối đã đóng góp 35% vào tổng lợi nhuận gộp trong năm 2022 của tập đoàn HAGL với ưu thế thức ăn từ chuối loại, sản phẩm “cây nhà lá vườn” của HAGL.

Lợi ích thứ ba, trong khi HAGL vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn về tài chính, thì heo ăn chuối đem lại dòng tiền trong kinh doanh cho công ty, cụ thể là mức doanh thu thuần 1.669 tỷ đồng, chiếm 33% doanh thu hợp nhất tập đoàn.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, mọi thứ bắt đầu phát đi tín hiệu không thuận lợi khi giá heo giảm xuống thấp, dẫn đến kết quả không như kỳ vọng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá heo hơi trên cả nước có xu hướng giảm trong nửa cuối tháng 11/2022 do sức mua trên thị trường yếu, trong khi nguồn cung thịt lợn dồi dào.

Bầu Đức xác định nuôi heo năm 2023 không có lãi, lên kế hoạch bán "đứa con" Bapi chưa đầy 1 tuổi - Ảnh 3.Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt heo các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5% so với năm 2022); Sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2022).

Theo các chuyên gia, trong năm 2023, giá heo hơi được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi các hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo tại Việt Nam.

Phía HAGL, bầu Đức đánh giá: “Hiện tại, ngành heo vẫn ở trong tình trạng giá thấp và sức mua yếu. Với tình hình này, nông dân chắc chắn lỗ và dẫn đến hiện tượng bỏ chuồng. Phía DN chưa chắc có tình trạng này “.

Tuy nhiên, thận trọng trước thị trường khó lường, nên theo bầu Đức, HAGL sẽ xây dựng kế hoạch để cố gắng duy trì mảng heo “không lãi không lỗ”.

“Vậy năm 2023, về mảng heo, HAGL xác định không có lợi nhuận”, Bầu Đức nói.

Ngoài ra, một vấn đề nữa được nhắc tới trong hội nghị đó là ý định bán bớt cổ phần của Bapi HAGL.

“Tôi cũng nhấn mạnh, Bapi HAGL ra đời để tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm HAGL làm ra. Mà mình tôi thì không thể ôm xuể, và nói thẳng là làm đến nay tôi chưa thấy hiệu quả dù có sản phẩm riêng biệt. Nên tôi mời anh Diện (ông Đỗ Xuân Diện) vào nắm 35% vốn”, ông Đức nói.

Tháng 5/2022, Công ty CP Bapi Hoàng Anh Gia Lai ra đời với mục đích phát triển hệ thống bán lẻ sản phẩm thịt “heo ăn chuối” của Hoàng Anh Gia Lai. Bapi HAGL có vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, tương đương 5 triệu cổ phần và các cổ đông sáng lập bao gồm:

– Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, tỷ lệ nắm giữ 55% số lượng cổ phần (tương đương 2,75 triệu cổ phần Bapi).

– Công ty TNHH TM Dược phẩm Đông Á, tỷ lệ nắm giữ 40% số lượng cổ phần.

– Bà Lê Minh Nguyệt, tỷ lệ nắm giữ 5% số lượng cổ phần.

Trong một diễn biến liên quan ngày 16/01 mới đây, Bapi HAGL đã đăng ký thay đổi kinh doanh, tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 100 tỷ đồng, tương đương phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu. Trong số đó, HAGL mua thêm 650.000 cổ phiếu, nâng tổng số sở hữu lên 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương 34% vốn tại Bapi HAGL. Như vậy, Bapi HAGL không còn là công ty con của HAGL.

Theo Nhịp sống thị trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT