Chatbot AI nổi danh này đã làm dấy lên các lo ngại về ngày tận thế trong ngành giáo dục, nhưng một số giáo viên lại coi đó là công cụ vô cùng cần thiết để làm mới lĩnh vực này.
Kelly Gibson, một giáo viên tiếng Anh, lần đầu tiên tiếp xúc với ChatGPT vào tháng 12 năm ngoái, và những sự lo lắng của cô bắt đầu hiện hữu một cách nhanh chóng. Trong khi cả mạng internet đang thích thú với những câu trả lời chỉn chu và phức tạp của chatbot này, thì nhiều nhà giáo dục bao gồm Gibson lại tỏ ra ít thích thú hơn.
Bởi nếu ai đó có thể yêu cầu ChatGPT “viết 300 từ về ý nghĩa của ánh đèn xanh trong tiểu thuyết The Great Gatsby” hay sắp tới có thể là “500 từ về ý nghĩa về chi tiết của tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ”, thì điều gì sẽ ngăn các học sinh giao bài tập về nhà cho con bot AI này? Những thông tin đồn đoán bắt đầu xoay quanh một kỷ nguyên mới, nơi mà nạn gian lận tràn lan và thậm chí là hồi chuông báo tử cho các bài luận, hay chính nền giáo dục.
“Tôi nghĩ: ‘Ôi chúa ơi, đây đúng là những gì tôi dạy’”, Gibson nói.
Nhưng giữa lúc hoang mang, một số giáo viên dám nghĩ dám làm đã coi ChatGPT là cơ hội để thiết kế lại hình thức học tập hiện nay và những gì họ phát minh ra có thể định hình tương lai của các lớp học. Gibson là một trong số đó.
Khi sự lo lắng ban đầu của nữ giáo viên trung học này lắng xuống, cô đã dành cả kỳ nghỉ đông của mình để mày mò ChatGPT và tìm ra cách kết hợp nó vào các bài học của chính mình. Ví dụ, cô có thể yêu cầu học sinh tạo văn bản bằng ChatGPT rồi tự chỉnh sửa văn bản đó để tìm lỗi của chatbot hoặc cải thiện phong cách viết của nó.
Gibson, người đã giảng dạy được 25 năm, ví chatbot này như những công cụ công nghệ sẽ giúp nâng cao chứ không phải thay thế việc học tập và tư duy phản biện. “Tôi chưa biết làm thế nào để làm tốt điều đó, nhưng tôi muốn các chatbot AI trở thành những chiếc máy tính bỏ túi trong việc viết lách”, cô nói.
Quan điểm của Gibson về ChatGPT như một công cụ giảng dạy chứ không phải là trò gian lận dựa trên một luận điểm quan trọng. Đó là ChatGPT không thông minh theo cách một con người, mặc dù nó có khả năng tạo ra văn bản giống con người. Đó là một cỗ máy thống kê, nó đôi khi có thể lặp lại hoặc tạo ra thông tin sai lệch và thường cần được hướng dẫn cũng như chỉnh sửa thêm để mọi thứ trở nên đúng đắn.
Bất chấp những hạn chế đó, Gibson cũng tin rằng cô có trách nhiệm đưa ChatGPT vào các lớp học. Nữ giáo viên này đang dạy ở một khu vực thu nhập thấp, thuộc vùng nông thôn. Nếu chỉ những học sinh có thể truy cập vào các thiết bị kết nối internet ở nhà mới có thể trải nghiệm với chatbot, điều đó có thể mở rộng cái gọi là “khoảng cách kỹ thuật số” và gây bất lợi hơn nữa cho những học sinh không có quyền truy cập mạng. Vì vậy, Gibson cho rằng cô ấy có thể biến ChatGPT thành một thứ có thể dạy được cho tất cả học sinh của mình.
Các nhà giáo dục khác cũng bác bỏ quan điểm về “ngày tận thế trong giáo dục” khi cho rằng ChatGPT sẽ không thể phá hủy ngành, nhưng nó cho thấy việc hệ thống giáo dục có thể bị phá vỡ như thế nào.
“Một cách nghĩ khác về vấn đề này không phải là làm thế nào để bạn tìm ra các hình thức đánh giá học sinh mới, mà là những ưu tiên của chúng ta trong giáo dục nâng cao vào lúc này là gì? Và có lẽ chúng đang hơi gặp vấn đề”, Alex Taylor, người nghiên cứu và giảng dạy về tương tác giữa người và máy tính tại Đại học London, cho biết.
Taylor cho biết chatbot đã thúc đẩy các cuộc thảo luận của ông với các đồng nghiệp về tương lai của các bài kiểm tra và đánh giá. Nếu một loạt các câu hỏi thực tế trong một bài kiểm tra có thể được trả lời bởi một chatbot, thì bài kiểm tra đó có phải là một biện pháp học tập tốt không? Theo quan điểm của Taylor, những loại câu hỏi thuộc lòng mà chatbot có thể trả lời sẽ không thúc đẩy kiểu học tập có thể giúp học sinh của ông trở thành những người có tư duy tốt hơn.
“Tôi nghĩ đôi khi chúng ta đang đi ngược hướng. Chúng ta đang tìm cách trả lời câu hỏi làm cách nào để có thể kiểm tra xem một người có đáp ứng một số tiêu chuẩn hoặc một số chỉ số nhất định hay không?”, ông nói. “Trong khi, trên thực tế, giáo dục nên là một ý tưởng mang tính mở rộng hơn nhiều.”
Olya Kudina đã sử dụng ChatGPT như một công cụ trong lớp học của chính mình tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, nơi cô giảng dạy các khóa học sau đại học và đại học về AI và đạo đức. Vào tháng 12 năm ngoái, cô đã giao cho các sinh viên chưa tốt nghiệp của mình một bài tập theo phong cách tranh luận bằng ChatGPT. Đầu tiên, các nhóm sinh viên trình bày ba lập luận và hai phản biện, được hỗ trợ bằng các tài liệu tham khảo học thuật trước lớp mà không có sự trợ giúp của AI. Tiếp đó, họ đưa các yêu cầu nhiệm vụ cho ChatGPT hoặc GPT-3 (tiền thân của ChatGPT), rồi so sánh câu trả lời của chatbot với phần tự làm của các nhóm.
Các sinh viên đã bị lóa mắt bởi tốc độ mà chatbot chuyển thông tin thành văn xuôi một cách trôi chảy, cho đến khi họ đọc mọi thứ kỹ hơn. Chatbot hóa ra đã làm giả các thông tin. Khi các sinh viên yêu cầu nó sao lưu lại một lập luận bằng các trích dẫn từ các văn bản học thuật, nó đã phân bổ nhầm tác phẩm sai cho các tác giả. Và các lập luận của nó dường như cũng vòng vo và phi logic. Các sinh viên của Kudina cuối cùng kết luận rằng, trái ngược với sự lo ngại về vấn nạn gian lận, việc sao chép từ ChatGPT chắc chắn sẽ không thực sự giúp họ đạt điểm cao.
Theo Kudina, các giáo viên không nên cấm ChatGPT, cũng như không nên nắm bắt công nghệ này mà không nghi ngờ gì. Cô ủng hộ việc nên tìm ra cách sử dụng chatbot một cách thích hợp và tìm ra những cách sáng tạo hơn để cộng tác với nó. Ví dụ, sinh viên có thể sử dụng chatbot để khơi dậy những ý tưởng hoặc lập luận mới. Một trong những sinh viên của cô đã ví ChatGPT như một công cụ tìm kiếm siêu mạnh của Google. Kudina cũng cho rằng ChatGPT sẽ có thể khuyến khích các nhà giáo dục sáng tạo hơn trong việc ra bài tập, chẳng hạn bằng cách thiết kế chúng để các học sinh có thể rút ra từ trải nghiệm cá nhân.
Nhưng những điều đó cũng không có nghĩa là ChatGPT hoàn toàn không gây rối gì cho ngành giáo dục. Chatbot đã xuất hiện vào thời điểm nhiều giáo viên đang bị kiệt sức sau khi trải qua quá trình dạy học từ xa khẩn cấp trong đại dịch. Và giờ đây, một hiện tượng công nghệ khác đang đe dọa sẽ thay đổi toàn bộ phương pháp giảng dạy của họ, tạo ra nhiều việc phải làm hơn. Bên cạnh đó, ý nghĩa về quyền riêng tư của học sinh đối với ChatGPT cũng không rõ ràng. OpenAI cho biết chatbot có thu thập một số dữ liệu về người dùng và xem xét các cuộc trò chuyện của họ với ChatGPT. Điều khoản dịch vụ của công ty cũng quy định rằng người dùng phải từ 18 tuổi trở lên, mặc dù con bot này sẽ không cố gắng xác minh tuổi người dùng.
Còn việc cấm hoàn toàn ChatGPT khỏi các lớp học, dù rất hấp dẫn, có thể sẽ gây ra một loạt vấn đề mới. Tiến sĩ Torrey Trust tại Đại học Massachusetts Amherst đã nghiên cứu cách giáo viên sử dụng công nghệ để định hình lại việc học. Bà chỉ ra rằng việc quay trở lại với các hình thức đánh giá cũ, chẳng hạn như kiểm tra miệng, có thể khiến học sinh khuyết tật gặp bất lợi. Và các lệnh cấm hoàn toàn đối với các công cụ AI có thể củng cố tâm lý không tin tưởng.
“Học sinh sẽ khó học hơn trong một môi trường mà giáo viên đang cố gắng bắt quả tang chúng gian lận”, bà nói. “Nó sẽ chuyển trọng tâm từ việc học sang việc chỉ cố gắng để đạt điểm cao.”
Vào tháng 1 năm nay, khi bắt đầu học kỳ mới, các trường công lập ở Thành phố New York đã cấm ChatGPT trên các thiết bị và mạng của trường do “lo ngại về tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh và lo ngại về tính an toàn và chính xác của nội dung”.
Marilyn Ramirez, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường trung học ở Washington Heights, thành phố New York, nói rằng cô thậm chí không được đơn vị quản lý giáo dục của thành phố New York thông báo trực tiếp.
Ramirez là kiểu giáo viên sẽ cố gắng đọc truyền cảm các bài phát biểu của các nhân vật nổi tiếng cho học sinh nghe. Cô không lo lắng về ChatGPT. Nữ giáo viên này cho biết nó cũng tương tự như cách cô cho phép các học sinh đang học tiếng Anh của mình sử dụng công cụ Google Dịch nhưng đồng thời cũng giúp họ biết công nghệ này còn thiếu sót ở đâu và khi nào thì sử dụng nó sẽ thích hợp nhất. Cô thấy ChatGPT cũng tương tự, có những hạn chế riêng nhưng sẽ có lợi khi đi kèm với sự hướng dẫn của giáo viên.
Khi Gibson trở lại trường học ở Oregon vào dịp năm mới, kế hoạch giới thiệu ChatGPT với học sinh của cô đã bị cản trở. Vì trường của cô đã cấm chat bot này khỏi các mạng internet nội bộ. Vì vậy, thay vào đó, cô đã đưa ChatGPT tới lớp bằng cách sử dụng các ảnh chụp màn hình của công cụ này.
Cô cũng dùng TikTOk để giải thích về các kế hoạch giảng dạy trên lớp. Một trong số đó sẽ yêu cầu học sinh viết một luận điểm về các văn bản họ đang đọc. Sau đó, lớp sẽ cùng sử dụng ChatGPT để tạo các bài tiểu luận dựa trên những câu luận điểm đó. Để vượt qua sự phong tỏa ChatGPT của trường, Gibson sẽ sử dụng thiết bị của riêng mình để tạo các bài luận. Sau đó, học sinh phải phân tách và cải thiện bài luận do ChatGPT tạo ra. Đây là một bài tập được thiết kế để dạy các học sinh cách phân tích và phê bình, cải thiện kỹ năng viết luận điểm chính xác và cảm nhận về một “bài viết hay” sẽ trông như thế nào.
Gibson hy vọng nhưng cũng thừa nhận rằng công nghệ này vẫn còn mới và vai trò của nó trong giáo dục phần lớn chưa được xác định. Cô nói: “Giống như rất nhiều thứ khác, nhiệm vụ của các giáo viên là phải tìm ra điều này”.
Cô cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các cấp quản lý cho phép học sinh truy cập ChatGPT tại trường.
Theo Thể thao văn hóa