Đang có công việc ổn định, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, mức lương lại khá cao nhưng chàng trai này quyết định bỏ việc về quê nhặt lá rụng để khởi nghiệp.
Khi đang làm việc tại một khách sạn kết hợp với kinh doanh du lịch với mức thu nhập lên đến hơn 1.000 USD, Kiều Cao Dũng (Đại Dồng, Thạch Thất, Hà Nội) quyết định xin nghỉ việc, trở về quê khởi nghiệp.
“Vì tôi không muốn đi làm thuê mãi, muốn làm một việc gì đó cho riêng mình nên vào năm 2017, tôi quyết định nghỉ việc về nhà. Gia đình, bạn bè không ai ủng hộ, bảo tôi bị điên, bị hâm, dở người. Mọi người bảo làm việc được “ăn trắng mặc trơn” còn không thích lại đi về nhà làm việc chân lấm tay bùn”, anh cho hay.
Bỏ ngoài tai những lời đó, anh vẫn quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp với hoa bất tử. Vốn là người thích nghiên cứu chế tác, anh bắt đầu nghiên cứu làm ra sản phẩm nón từ lá bồ để sau một thời gian trở về quê làm hoa bất tử.
“Vì cây bồ đề mang biểu tượng của triết lý Phật giáo. Mà trong triết lý Phật giáo có triết lý nhân sinh và luân hồi, tức là khi một chiếc lá rụng xuống, còn người có thể viết tiếp phần đời cho nó, cho nó có sứ mệnh. Mà kiếp trước, nó có sứ mệnh tạo bóng mát, che chở cho mọi người nên tôi nghĩ đến việc làm nón từ loại lá này.
Cũng như lá bàng, lá sen ở Huế làm nón, tôi cũng muốn làm một sản phẩm độc đáo cho Hà Nội”, anh thẳng thắn chia sẻ.
Ý tưởng có sẵn nhưng khi thực hiện thì quá gian nan. Anh Dũng đã phải đi hết các tỉnh trong nam rồi ra ngoài Bắc và phải mất đến gần 2 năm mới cho ra đời được một chiếc nón làm từ lá bồ đề ưng ý.
Khi mới bắt đầu, anh phải đi học hỏi, nghiên cứu làm cách nào để lấy xương lá bồ đề. Anh có về một số nơi từng làm các sản phẩm về lá bồ đề để học hỏi nhưng hầu hết các cách đều không đáp ứng được về thời gian và chất lượng xương chiếc lá.
“Các cách tôi học được đều mất đến 60 ngày mới có thể lấy xương lá và kết quả làm ra lại không có độ dẻo dai và rất giòn. Trong khi đó, khi làm nón cần phải thít bằng sợi chỉ, nếu như vậy nó sẽ rách, không thể làm được”, anh chia sẻ.
Sau đó, anh phải tự tìm cho mình một phương pháp mới và mất đúng 1 năm, anh mới tìm ra được cách làm thế nào lấy được xương lá bồ đề chỉ trong vòng 1 ngày mà vẫn giữ độ dẻo dai.
Anh bắt đầu cầm những chiếc xương lá bồ đề đi khắp nơi này chốn khác với mong muốn làm thành một chiếc nón hoàn chỉnh. Anh đi về làng Chuông (Hà Nội) – làng làm nón nổi tiếng ở nước ra. Cầm những chiếc xương lá đi bày tỏ mong muốn làm chúng thành nón, ai cũng nói rằng không khả thi và mọi người đều từ chối.
Không bỏ cuộc, anh lại mang niềm hy vọng vào làng nón Sơn Đốc (Huế) rồi lại vào Bình Định, sau ngược lên Tuyên Quang để tìm người có thể giúp mình thực hiện ý tưởng nhưng cũng không một ai nhận làm.
“Mọi thứ rơi vào bế tắc, tôi đã tỉnh bỏ cuộc thì thật tình cờ gặp được một người bạn giới thiệu có một làng ở Quốc Oai (Hà Nội) cũng làm nón nhưng không nổi tiếng. Tôi đến đây và nói mong muốn của mình cho rất nhiều người làm nón. Cuối cùng, có một người chị – người gốc Bình Định, lấy chồng ở Huế và từng buôn nón làng Chuông (Hà Nội) đã làm thành công chiếc nón có hình bông hoa nở bằng việc kết hợp cách làm nón của cả 3 nơi”, anh chia sẻ.
Khi thành công, anh vẫn chưa ưng ý vì cách chằm nón theo phương pháp truyền thống sẽ xuất hiện đường chỉ chạy vòng quanh nón, nhìn không đẹp. Anh tiếp tục suy nghĩ và cải tiến cách làm và truyền đạt lại cho người chị làm nón. Sau khoảng 20 chiếc nón, anh cũng đã ưng ý và cho ra mắt thị trường chiếc nón từ xương lá bồ đề vào tháng 9/2021.
Gần 1 năm làm nón từ xương lá bồ đề, anh cho biết đã hoàn thiện và xuất bán ra thị trường được khoảng 1.000 chiếc, giá bán mỗi chiếc sẽ khoảng 550.000 đồng. Và mỗi chiếc nón hoàn thiện sẽ cần sử dụng đển 500 chiếc xương lá.
Ngoài nón, anh còn sử dụng xương lá bồ để làm đèn hoa đăng với mong muốn mọi người sử dụng sản phẩm để bảo vệ môi trường, thay cho các sản phẩm đèn hoa đăng làm từ giấy, nhựa, cao su non…
Thời gian tới, anh dự định sẽ làm quạt từ những chiếc xương lá bồ đề. Anh cho biết các sản phẩm này được bán ở các khu du lịch và trên sàn thương mại điện tử.
Theo 24h