Theo WSJ, bữa tiệc startup đã đến lúc tàn.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết trong 10 năm qua, hàng loạt những startup không thiết yếu (Nice to have) xuất hiện tại Mỹ nhằm phục vụ nhu cầu “tiện lợi” cho người tiêu dùng. Đặc biệt khi đại dịch diễn ra, vô số những startup này đã tăng trưởng tốt khi người dân buộc phải ngồi nhà dựa vào các nền tảng công nghệ số.
Thế rồi vô số nhà đầu tư cũng đổ tiền vào những startup này với kỳ vọng chúng sẽ tăng lên mức giá trị mong muốn để kiếm lời.
Tuy nhiên bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn và khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ với nền kinh tế xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng 2008, các khách hàng bắt đầu cắt giảm chi tiêu, còn nhà đầu tư thì rút vốn vì lo ngại suy thoái.
Hậu quả là hàng loạt những startup như đưa cơm, tập gym hay bán xe cũ tại Mỹ lao đao vì chúng được liệt vào danh sách có cũng được mà chẳng có cũng chẳng sao.
Giáo sư Thomas Eisenmann của trường đại học Harvard, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Why Startups Fail” nhận định sự phát triển của công nghệ đã kích thích đà bùng nổ của những startup không thiết yếu.
Trớ trêu thay, nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra những công ty khởi nghiệp này có mức chi phí cố định quá cao trong khi lợi nhuận biên chẳng nhiều và đương nhiên tốc độ tăng trưởng cũng như khả năng đem về lợi ích cũng kém hơn so với các startup công nghệ thuần túy.
Ngành “đưa cơm” lao đao
Năm 2020, tập đoàn Nestle mua lại Freshly, một startup dịch vụ giao đồ ăn tận nhà, với giá 950 triệu USD. Vào thời kỳ đỉnh cao trong năm đại dịch, Freshly từng tự hào tuyên bố đã giao hàng hơn 1 triệu bữa ăn/tuần cho thị trường Mỹ.
Thế nhưng vào tháng vừa rồi, Nestle đã tuyên bố đóng cửa dịch vụ này với lý do nhu cầu của người tiêu dùng đã dịch chuyển, hay nói đơn giản là người dân Mỹ đã ra khỏi nhà và chẳng cần mấy đến dịch vụ “đưa cơm” này nữa.
Tương tự, startup bán cơm hộp Blue Apron cũng giảm doanh thu và tổng mức vốn hóa thị trường. Thậm chí cổ phiếu của hãng này đang có nguy cơ bị loại khỏi sàn chứng khoán New York vì giá sắp xuống dưới 1 USD/cổ.
Đồng cảnh ngộ, anh cả ngành startup bán cơm hộp là HelloFresh cũng gặp nhiều khó khăn. Hãng đã có thời kỳ đỉnh cao trong đại dịch khi người dân buộc phải ở nhà và nhu cầu cần mua cơm hộp gia tăng. Thậm chí người phát ngôn của HelloFresh còn tự tin dự đoán tăng trưởng doanh thu của startup này sẽ đạt 25%/năm.
Tiếc thay giờ đây lợi nhuận của HelloFresh lại đang giảm mạnh do chi phí lương thực và marketing tăng cao. Tình hình tồi tệ đến mức thay vì ưu tiên chất lượng, độ tươi ngon của hộp cơm thì startup này phải thay đổi chiến lược, nhắm đến giá rẻ, qua đó thu hút nhiều người tiêu dùng Mỹ khi tính toán đến chi phí trong thời kỳ lạm phát.
Chuyên gia chiến lược Ben Wynkoop của hãng tư vấn Blue Yonker nhận định rất nhiều startup bán cơm hộp hiện nay vốn chuyên ngành công nghệ nhưng lại nghĩ rằng mình có thể tạo ra cuộc cách mạng trong mảng thực phẩm. Tuy nhiên họ lại không nhận ra rằng trong ngành này, nhu cầu của khách hàng mới là chủ chốt chứ không phải độ tiện lợi của phần mềm dịch vụ.
Hậu quả là khi chuỗi cung ứng gặp vấn đề, chi phí thực phẩm tăng cao thì những startup ngoài nghề này chịu tổn thương nặng hơn những ông lớn trong ngành, vốn đã tồn tại qua nhiều cuộc khủng hoảng tương tự trước đây.
Trong khi đó, tờ WSJ cho biết hiện rất nhiều startup mảng đưa cơm nhanh đã phải đầu hàng do tình hình khó khăn.
Vào tháng 3/2022, startup giao đồ ăn nhanh Buyk đã tuyên bố phá sản. Tháng 6/2022, startup tương tự Jokr tuyên bố chấm dứt hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ.
Tháng 12/2022, startup Gorillas bán mình cho đối thủ Getir khi không sống sót nổi.
Startup Gopuff thì phải lùi thời hạn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đồng thời tìm kiếm khoản vay 300 triệu USD vào tháng 8/2022 do tình hình kinh doanh bết bát.
Trong khi phía Gopuff khẳng định họ còn đủ tiền để hoạt động trong 4 năm nữa thì nguồn tin của WSJ cho biết startup này đang liên tục thua lỗ.
Tương tự, DoorDash, startup chuyên giao đồ ăn nóng từ cửa hàng cũng cho biết người tiêu dùng hiện nay ưu tiên chọn món giá rẻ và gọi đồ ít hơn nên tăng trưởng doanh thu của họ chậm lại. Đối thủ của DoorDash là Uber Eats cũng lâm vào cảnh tương tự.
Bị loại trước tiên
Tờ WSJ nhận định người tiêu dùng Mỹ vẫn chào đón những startup không thiết yếu vì những tiện lợi mà chúng mang lại. Thế nhưng với tình hình phải cắt giảm ngân sách chi tiêu hiện nay thì chính những dịch vụ này sẽ bị loại bỏ đầu tiên.
Ví dụ điển hình là startup Peloton Interactive, chuyên bán những gói phần mềm hướng dẫn tập thể dục, xe đạp điện có hướng dẫn công nghệ số, thời trang thể thao đã suy giảm mạnh về doanh thu thời kỳ hậu dịch.
Cổ phiếu của hãng đã giảm 92% từ mức đỉnh cao tháng 1/2021 và CEO Barry McCarthy của hãng vào tháng 10/2022 đã phải tuyên bố rằng nếu kế hoạch cắt giảm chi phí không đem lại hiệu quả thì nhiều khả năng Peloton sẽ phải đóng cửa.
Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy tỷ lệ thành viên mua gói sản phẩm tự tập ở nhà của hãng nhưng từ bỏ là 1,1%/tháng, qua đó cho thấy nhiều người Mỹ đã quay trở lại phòng tập gym thay vì “đạp xe” ở nhà.
Cùng cảnh ngộ, startup Stitch Fix chuyên cung cấp dịch vụ huấn luyện thể thao cá nhân trực tuyến cũng mất 95% tổng giá trị kể từ mức đỉnh đầu năm 2021. CEO của startup này đã phải từ chức trong khi hãng mới cắt giảm 20% nhân sự. Tình hình u ám này khiến Stitch Fix dự đoán lượng khách hàng sẽ tiếp tục giảm trong năm tài khóa thứ 2 liên tiếp.
Ở mảng streaming, nhiều công ty và startup cũng đang phải điều chỉnh ngân sách từ “bung lụa” làm nội dung thu hút người đăng ký sang chiến lược cắt giảm chi phí duy trì hoạt động.
“Tất cả mọi thứ tồi tệ sẽ diễn ra nếu giá trị của startup đi xuống”, giáo sư Eisenmann của trường đại học Harvard nhận định.
Startup bán xe cũ Carvana, từng là hãng khởi nghiệp đình đám thời đại dịch khi khách hàng có thể mua xe mà không cần tiếp xúc trực tiếp, xe được giao đến tận cửa người dùng.
Đáng tiếc thay, giờ đây doanh số của startup này lao dốc thảm hại còn cổ phiếu thì mất 98% giá trị so với thời đỉnh cao năm 2021. Tổng mức nợ của startup này đã lên đến hơn 7 tỷ USD và 1/5 nhân viên đã bị sa thải trong năm 2022.
“Rất khó để nhận định thị trường startup đang hướng đến một thời kỳ băng giá hay chỉ là sự điều chỉnh nhất thời trong 6 tháng”, giáo sư Eisenmann lo lắng.
*Nguồn: WSJ
Theo Nhịp sống thị trường