‘Canh bạc’ của Apple khi không tăng giá iPhone

Apple đang chuyển mình thành hãng bán phần mềm, và mảng này thì không cần những chi phí như vận tải, lưu kho hay chịu ảnh hưởng từ nguyên liệu đầu vào như bán iPhone.

Theo tờ Quartz (QZ), các chuyên gia và giới truyền thông đều từng dự đoán Apple sẽ tăng giá ít nhất 100 USD với dòng iPhone hạng sang và đồng hồ Apple Watches của mình nhằm đối phó với tình trạng chi phí thiết bị đi lên.

Thế nhưng, mọi người đều bất ngờ khi Apple không hề nâng giá sản phẩm của mình. Ngay cả dòng đồng hồ Apple Watch Ultra cũng chỉ có giá 799 USD, thấp hơn 200 USD so với dự đoán của hãng tin Bloomberg.

'Canh bạc' của Apple khi không tăng giá iPhone - Ảnh 1.
Biên lợi nhuận gộp của Apple không ảnh hưởng nhiều

Tờ QZ nhận định việc Apple không tăng giá sản phẩm cho thấy chiến lược chống lạm phát của nhà táo khuyết đang đem lại kết quả, tuy nhiên đây cũng là một canh bạc khi hãng phải phụ thuộc vào doanh thu của mảng phần mềm để hỗ trợ cho chính sách này.

Để giữ giá iPhone, Apple đã giới hạn được đà tăng thiết bị bán dẫn bằng cách tự thiết kế chip của mình cũng như đàm phán mức giá hời với những đối tác sản xuất chip lâu năm như TSMC. Trong khi đó, doanh thu tăng trưởng từ phần mềm và dịch vụ liên quan như App Store, Apple TV+, Apple Music hay điện toán đám mây đã giúp hãng giữ được lợi nhuận dù giữ giá iPhone và Apple Watch.

Cây nhà lá vườn

Apple bắt đầu thiết kế dòng chip A-Series của mình cho các sản phẩm iPhone, iPad và Apple Watch từ năm 2010. Đến năm 2020, hãng cũng thay đổi chip của máy tính Mac từ Intel sang M-Series do chính công ty thiết kế.

Theo các ước tính, việc tự thiết kế chip cho máy tính Mac giúp Apple tiết kiệm được khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm tiền phí cho Intel. Tương tự, việc tự thiết kế chip cho iPhone cũng sẽ tiết kiệm cho Apple hàng tỷ USD nhưng hãng không công bố chi tiết thông tin này. Tuy vậy rõ ràng đây là một trong những yếu tố chính giúp nhà táo khuyết giữ giá được sản phẩm lần này.

Tờ QZ cho biết nhờ chip tự thiết kế mà Apple đã giữ được mức biên lợi nhuận gộp ổn định ở 40% trong những năm gần đây . Thậm chí việc đại dịch bùng nổ hay chi phí đầu vào như nguyên liệu chế tạo pin tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số này của Apple.

Hãng bán phần mềm

Mặc dù Apple vẫn phụ thuộc vào doanh số iPhone cho kết quả báo cáo doanh thu hàng năm của mình nhưng dần dần, hãng bán điện thoại này đang chuyển mình thành một công ty bán phần mềm.

'Canh bạc' của Apple khi không tăng giá iPhone - Ảnh 2.
Đóng góp doanh thu từ bán iPhone so với phần mềm dịch vụ

Thật vậy, doanh thu từ các mảng dịch của nhà táo khuyết như Apple Music (phát hành năm 2015) hay Apple TV+ (phát hành năm 2019) đều ngày càng tăng. Thậm chí đóng góp doanh thu từ mảng dịch vụ đã đứng thứ 2 trong tổng doanh thu của Apple và đang thu hẹp dần khoảng cách với nguồn thu từ bán iPhone.

Xin được nhắc là mảng phần mềm, dịch vụ không cần những chi phí như vận tải, lưu kho hay chịu ảnh hưởng từ nguyên liệu đầu vào như bán iPhone. Bởi vậy khi doanh thu của hãng dịch chuyển dần sang bán phần mềm dịch vụ, Apple sẽ chịu ít áp lực tăng giá hơn trước ảnh hưởng của lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT