Ngày trước, người Việt dùng “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì hiện nay, có lẽ nên đổi thành “rượu bia là đầu câu chuyện”. Con số thống kê mới đây: trên 3 tỷ lít bia, gần 70 triệu lít rượu, hownn 3 tỷ đô-la…khiến cho ai nghe cũng rùng mình. Nếu như người Việt ở các địa phương khác nhậu 1 thì dân Sài Gòn lại nhậu 10. Vậy, đâu là nguyên nhân…
Người Việt Nam có văn hóa nhậu hết sức lạ lùng. Đã ngồi vào bàn là phải uống bất kể “già, trẻ, bé, choi…”. Đã uống là phải nhiệt tình. Đã nhiệt tình thì phải 100%. Nói chung là phải chơi hết mình, uống thả ga, ai không theo thì coi như bị chê trách không hết mình, không nhiệt tình, coi thường bạn bè, anh em, đồng nghiệp, thậm chí còn bị chửi: về mà bám váy đàn bà…
Người miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng vốn phóng khoáng, nồng hậu. “Thành phố không ngủ” này còn được mệnh danh là thiên đương ẩm thực Việt khi những món ngon, mồi nhậu độc đáo được tứ phương chuyền về. Chính vì điều này đã vô tình tạo nên một thứ “văn hóa” hết sức đặc biệt: Văn hóa ăn nhậu.
Nhậu ở Sài Gòn không có nhiều khác biệt dù ở các tầng lớp khác nhau. Từ học sinh, sinh viên, người lao động tay chân đến dân văn phòng, cán bộ viên chức, giới doanh nhân… cứ thế là dzô, dzô, cụng ly chan chát. Dù là những chai rượu đắc tiền, những hàng quán sang trọng hay chỉ vài bao miếng “cốc, ổi, mía ghim”, nồi lẩu lèo tèo hay dăm ba con khô thì cũng có thể overnight, quên cả đường về.
Nếu lần đầu tiên đến với Sài Gòn, đặc biệt là ban đêm thì không khỏi cảm giác choáng ngợp với mức độ ăn nhậu ở đây. Người Sài Gòn cũng không tự bó buộc mình trong một quy chuẩn nhất định nào đó trên bàn nhậu. Nơi đâu cũng có thể nhậu nhưng ưa chuộng hơn cả là không gian sân vườn rộng thoáng, cảnh sắc giản dị. Vậy mới hay, người Sài Gòn có cá tính rất… Sài Gòn, không lẫn vào đâu được. Không cầu kỳ, không nghi lễ xa hoa, chỉ cần chung bàn nhậu là coi như xuyên đêm, cứ thế huynh huynh đệ đệ mà dìu nhau tới cơn say.
Có một thực tế, cung đường ăn nhậu của Sài Gòn dường như kéo dài vô tận. Suy cho cùng, đã gọi là dân nhậu thì đa phần ai cũng ham vui, mê bạn bè, ghiền không khí. Ấy vậy mà cái “không khí” ở Sài Gòn cũng có thể chia ra làm năm bảy đường khác nhau. Dân làm ăn thì thường chọn những ngõ ngách, các con hẻm yên tĩnh ở Lý Chính Thắng, Hai Bà Trưng, Hồ Văn Huê, Nguyễn Văn Đậu, Trần Quang Khải. Có điều lạ là ở những khu vực này, chủ quán chiều thượng khách từ các món nhắm bình dân đến cao cấp, từ bia rẻ tiền đến cả các chai rượu ngoại tiền triệu.
Trong khi đó, giới nhà báo, cánh văn nghệ sĩ, giới showbiz làng nhàng lại hay lui tới khu Trương Định, Kỳ Đồng, Nguyễn Thông, quanh khu vực ga xe lửa. Điểm đặc biệt khu vực này là hội tụ đầy đủ các món nướng. Chỉ cần dăm ba chục là có thể thưởng thức được. Chưa kể đến vỉa hè Tôn Đức thắng, chỉ với hai món bò mỡ chài và lá lốt mà cũng tồn tại hàng chục năm nay.
Nếu nói khu nhậu không kể sang hèn, bất phân đẳng cấp thì phải kể đến bờ kè Nhiêu Lộc. Trước đây, kênh Nhiêu Lộc bốc mùi hôi thối ít ai dám lui tới thì nay, dòng kênh đã trong xanh lại càng quyến rũ dân nhậu tứ phương. Đây là địa thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” bởi có thể kết nối với nhiều quận trung tâm thành phố. Đến đây, muốn tìm chiến hữu, chỉ cần alô thì trong vòng… 7 nốt nhạc là có bạn đồng hành để “bình đời”.
Rượu bia là thức uống cần thiết cho con người nhằm giải tỏa stress, phiền muộn nhưng cần phải biết dùng có chừng mực. Nếu như quá lạm dụng thì nó trở thành con dao 2 lưỡi mà hậu quả đau lòng như thế nào thì dù không nói ra nhưng ai cũng biết. Nói về chuyện ăn nhậu của dân Sài Gòn thì có lẽ đến… tết Congo cũng chưa hết chuyện. Có những cuộc nhậu có thể vớ bở hợp đồng hàng trăm tỷ đồng. Nhưng cũng có cuộc nhậu lại ký thác phận mình, thân bại danh liệt, đánh đổi bằng lao tù, thậm chí đi… đoàn tụ với ông bà!
Nhậu như thế nào cho phải đạo, âu cũng là suy nghĩ của mỗi người.
Minh Nguyễn