Quá trình sa thải một nửa trong số 7.500 nhân viên Twitter đã chính thức diễn ra trong ngày 4-11 (giờ Mỹ) với rất nhiều hỗn loạn và ta thán. Sự việc xảy ra chỉ bốn ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.
Trên Twitter tràn ngập các “tút” với những mã chủ đề như #LoveWhereYouWork (Hãy yêu nơi bạn làm việc) và #OneTeam (Cùng một đội) trong ngày 4-11, khi cả ngàn nhân viên Twitter nhận thông báo đã bị sa thải. Họ là những người trước đây từng đảm nhận công việc trong các lĩnh vực như chính sách cộng đồng, sự tin cậy và an toàn, truyền thông, kỹ thuật, tiếp thị và nhân sự.
Nỗi lo hỗn loạn
Theo Hãng tin Reuters, Twitter xác nhận đã sa thải 50% số nhân viên. Trang Politico cho biết một nửa nhóm đảm trách chính sách cộng đồng của Twitter đã bị cắt giảm, trong đó bao gồm những người thuộc nhóm xác minh tài khoản của các chính trị gia. Một trong số đó là bà Michele Austin – giám đốc chính sách công và bầu cử của Twitter ở Mỹ và Canada.
Kể từ khi mua lại Twitter hồi tuần trước, tỉ phú Elon Musk đã khẳng định các chính sách kiểm duyệt nội dung và thông tin sai lệch của công ty vẫn có hiệu lực. Cuối ngày 4-11, ông Musk đăng trên Twitter: “Cam kết mạnh mẽ của Twitter đối với việc kiểm duyệt nội dung vẫn hoàn toàn không thay đổi”.
Tuy nhiên, việc sa thải nhiều nhân viên quan trọng như trên khiến cả người dùng lẫn các nhà quảng cáo lo lắng Twitter đang đánh mất khả năng giám sát các nội dung hiển thị trên nền tảng. Việc cắt giảm nhân sự lớn ngay trước bầu cử giữa kỳ ở Mỹ làm dấy lên nỗi lo sẽ xảy ra hỗn loạn trên mạng xã hội này.
Bà Melissa Ryan, giám đốc điều hành Công ty tư vấn Card Strategies, than phiền về việc Twitter sa thải hàng loạt nhân viên và sửa đổi quy trình xác minh người dùng: “Những kẻ xấu sẽ có một công cụ mới để lan truyền thông tin sai lệch, gây hại và gây hỗn loạn. Twitter hiện thiếu khả năng để đối phó với các vấn đề không thể tránh khỏi đó”.
Cuối ngày 4-11, ông Musk thừa nhận đã sa thải hàng loạt nhân viên. Ông giải thích là “không có lựa chọn nào khác trong lúc công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ngày”. Nhưng ông cũng nói “tất cả những người nghỉ việc đều được trợ cấp ba tháng lương, tức nhiều hơn 50% so với yêu cầu pháp lý”.
Tuy nhiên, bà Audrey Herblin-Stoop – người trước đây làm công tác vận động hành lang chính của Twitter tại Pháp – viết trên Twitter: “Loại bỏ những người phụ trách mảng chính sách cộng đồng trong lúc bạn đang tuyên bố sẽ thực hiện “tự do ngôn luận thực sự” là động thái ngu ngốc nhất chưa từng có”.
Nhân viên bất mãn, khởi kiện
Ở Dublin (Ireland), trụ sở tại châu Âu của Twitter, các nhân viên nói với nhật báo The Irish Times rằng tình hình sa thải ở Twitter giống như một “cuộc tàn sát”, trong đó việc sa thải là “ngẫu nhiên và bừa bãi”. Còn bà Jessica González – giám đốc điều hành của nhóm vận động truyền thông Free Press – cho rằng với việc sa thải hàng loạt nhân viên ngày 4-11, rõ ràng hành động của ông Musk “phản bội lại lời nói của ông ấy”.
Chia sẻ với trang Politico, một cựu nhân viên Twitter kể lại: “Tôi thức dậy và thấy mình không còn quyền truy cập vào tài khoản Slack, máy tính làm việc và email công ty. Người quản lý đã nhắn tin hỏi tôi có còn quyền truy cập không, như vậy tại thời điểm đó, ngay cả những người quản lý cũng không biết ai vẫn còn trong đội ngũ của họ”.
Để thay thế một số trong khoảng 4.000 người được báo cáo đã mất việc cho đến nay, ông chủ mới của Twitter đã “đưa một số kỹ thuật viên từ Tesla cùng một số nhà đầu tư và bạn bè của ông vào Twitter”, theo nhân viên nói trên. Người này cho biết ban lãnh đạo mới của Twitter biện minh việc cắt giảm nhân sự nằm trong lợi ích của công ty, giúp “cắt giảm chi phí”.
Nhiều nhân viên ở Mỹ đã khởi kiện tập thể chống lại Twitter, với lý do không được thông báo đầy đủ về việc chấm dứt hợp đồng. Các bang như California và New York có luật yêu cầu các công ty phải thông báo sớm cho nhân viên trước khi họ bị sa thải. Tại châu Âu, một số nước có luật lao động nghiêm ngặt như Bỉ, Anh và Pháp có thể khiến ông Musk gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều tiền bạc nếu muốn đuổi việc các nhân viên sở tại.
Kêu gọi tẩy chay Twitter
Một liên minh các nhà hoạt động và nhóm về dân quyền có tên #StopToxicTwitter (Hãy dừng Twitter độc hại) đã kêu gọi các doanh nghiệp hãy tạm dừng quảng cáo trên Twitter trong bối cảnh hàng loạt nhân viên bị sa thải. Một số công ty lớn như General Mills, Pfizer và GM cho biết họ đang tạm dừng quảng cáo trên nền tảng này.