Nếu như Nguyễn Văn Bảy trong Toan trắng dựa theo Đời thừa của Nam Cao mô tả sức giằng xé của người nghệ sĩ trước sự lựa chọn giữa nghệ thuật và áo cơm, thì Giang Nguyễn với Cú ngã mô tả sự “sai lầm trong tiến hóa” đã biến con người thành sinh vật “nửa người nửa rô bốt”.
Được chọn lọc từ nhiều tác phẩm tham dự giải thưởng Dogma năm nay, 14 tác phẩm lọt vào chung kết đang được triển lãm tại Galerie Quỳnh với chủ đề “Đối diện”, thể hiện những cái tôi khác biệt dưới các lăng kính và loại hình nghệ thuật riêng.
Giành được giải nhất Dogma Prize năm nay là Giang Nguyễn, một nghệ sĩ trẻ sinh năm 1989. Tác phẩm sắp đặt và trình diễn The Fall (Cú ngã) của Giang lấy cảm hứng từ video một rô bốt bị đẩy ngã để thử thăng bằng của Boston Dynamics. Giang đã nhờ một biên đạo múa tái hiện lại cú ngã. Kết quả là càng ngã thuần thục bao nhiêu, cử động của người biên đạo lại giống rô bốt bấy nhiêu.
“Điều này khiến tôi liên tưởng đến sự tiến hóa của con người thành một sinh vật nửa người nửa máy. Giữa những dịch chuyển này tồn tại một cú ngã, biểu trưng cho sự sai lầm trong tiến hóa,” Giang giải thích.
Lơ lửng giữa gian phòng lầu hai của Galerie Quỳnh là tác phẩm tượng làm từ bông và vải Silence (Sự im lặng) của Phạm Hồng. Nghệ sĩ này hình tượng hóa khái niệm phi vật chất bằng hình ảnh nấm mốc. “Hình ảnh này hiện thân cho sự phá hủy thầm lặng và ghê sợ,” tác giả cho biết.
Tuy vậy sự im lặng trong mắt Phạm Hồng không hoàn toàn mang lại sự chết chóc, mà sau đó là sự thay đổi và tái sinh. “Im lặng khiến tôi rơi vào dằn vặt, khổ đau, đồng thời dạy tôi biết chấp nhận và thích nghi, biến đau thương thành trưởng thành,” Phạm Hồng lý giải.
Một tác phẩm nổi bật khác là bức tranh sơn dầu của họa sỹ Nguyễn Văn Bảy. Thực hiện dựa theo truyện ngắn Đời thừa của nhà văn Nam Cao, nhân vật trong Blank Canvas (Toan trắng) trầm ngâm nơi giá vẽ, sau giá là chiếc áo của vợ và thú bông của con – hình ảnh ẩn dụ cho hiện thực với gia đình, vợ con và sự nghiệp.
Khoảnh khắc ngồi trước toan trắng là lúc người nghệ sĩ giằng xé với bi kịch lựa chọn giữa nghệ thuật hay cơm áo gạo tiền.
Đại diện cho thế hệ 5X tại giải thưởng Dogma 2019 là nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu cùng tranh sơn dầu God’s Treasure (Báu vật của Thiên chúa). Sử dụng ngôn ngữ hội họa trừu tượng, Nguyễn Minh Châu tự họa bản thân với phần lồng ngực bị khoét rỗng. “Bức tranh là thân thể tôi, một thân thể đã trải qua phẫu thuật lồng ngực vì ung thư,” ông cho hay.
God’s Treasure kể lại trải nghiệm chống chọi vượt qua bệnh tật của người nghệ sĩ, đồng thời cũng là ẩn dụ cho hành trình con người chống lại chiến tranh, bệnh dịch và sự tha hóa nhân cách ở mọi thời đại.
Tác phẩm từ nhiều nghệ sĩ khác cũng có mặt, như Mystery beneath the cover (Bí ẩn dưới lớp vỏ bọc) của Đặng Việt Linh; video nghệ thuật Untitled (Không đề) của Phạm Nguyễn Anh Tú; hoạt họa City (Thành phố) của nghệ sĩ trẻ Phan Thị Hoài Nhi và tác phẩm sắp đặt Infiltration or coersive awareness (Tiêm nhiễm hay cưỡng chế nhận thức) của Trần Quốc Giang…
“Khi lựa chọn, chúng tôi còn cân nhắc đảm bảo tất cả các phương tiện sáng tác đều được tôn vinh. Triển lãm này mong muốn mang đến một cái nhìn toàn cảnh hiện có của nghệ thuật Việt Nam,” đại điện ban giám khảo cho hay.
Triển lãm diễn ra tại Galerie Quỳnh từ nay tới ngày 7.9.
Theo Forbes Việt nam