Giá dầu chuyển hướng từ giảm sâu sang tăng mạnh do lo ngại tắc nghẽn ở kênh đào Suez sẽ kéo dài nhiều tuần

Giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần do lo ngại dòng chảy dầu thô và các sản phẩm dầu lọc trên toàn cầu có thể bị gián đoạn trong nhiều tuần khi những nỗ lực giải cứu con tàu khổng lồ mắc kẹt ở kênh đào Suez có thể phải kéo dài nhiều tuần. Sự hồi phục này diễn ra mạnh mẽ chỉ 1 ngày sau phiên giảm giá mạnh trước đó do lo ngại việc Châu Âu tái phong tỏa chống Covid-19 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu mỏ trong tương lai.

Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 2,62 USD (4,2%) lên 67,57 USD/thùng, phiên liền trước giá giảm 3,8%; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,41 USD/thùng (4,1%) lên 60,97 USD/thùng, sau khi cũng giảm 4,3% ở phiên liền trước.

Như vậy, sau một tuần biến động rất mạnh, giá dầu Brent vẫn tăng 0,1% so với tuần trước, trong khi WTI giảm 0,7% và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Hai vấn đề nổi bật tác động tới thị trường dầu mỏ trong tuần này là: (1) Châu Âu tái phong tỏa để ngăn làn sóng Covid-19 thứ 3, và (2) một con tàu chở hàng lớn (tàu Ever Given) dài 400 mét, rộng 59 mét bị mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez từ hôm 24/3, gây ách tắc ở cả 2 chiều. Kết quả là hoạt động giao dịch dầu mỏ tuần này diễn biến rất thất thường do các nhà giao dịch đang cân nhắc kỹ lưỡng xem tác động của yếu tố nào sẽ mạnh hơn.

Giá dầu tuần này liên tục dao động mạnh

Giá dầu chuyển hướng từ giảm sâu sang tăng mạnh do lo ngại tắc nghẽn ở kênh đào Suez sẽ kéo dài nhiều tuần - Ảnh 1.Paola Rodriguez Masiu, phó chủ tịch phụ trách thị trường dầu mỏ của Rystad Energy cho biết: “Hôm nay thị trường tăng trở lại khi các nhà giao dịch quyết định rằng việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn ở thời điểm hiện tại thực sự là yếu tố quan trọng đối với dòng chảy dầu mỏ hơn nhiều so với những đánh giá ban đầu”.

Các nhà phân tích nhận định sự tắc nghẽn này tấc động rất nghiêm trọng đến những tàu nhỏ chở dầu và các sản phẩm dầu, nhất là dầu naphtha và nhiên liệu xuất khẩu từ châu Âu sang Châu Á, khiến cho việc cung dầu đến với nhà nhập khẩu bị chậm trễ đáng kể, trong bối cảnh tình trạng thiếu container vẫn còn gây khó khăn cho hoạt động vận tải trên toàn cầu.

Ban Quản lý kênh đào Suez hôm 26/3 đã tăng cường nỗ lực để giải phóng con tàu lớn bị mắc kẹt, sau khi những nỗ lực trước đó không thành công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có thể kết luận rằng những nỗ lực giải cứu con tàu này có thể phải mất hàng tuần, và thậm chí lâu hơn nữa vì xung quanh đó còn có yếu tố thời tiết rất khó đoán định.

Theo công ty thu thập dữ liệu Kpler, trong số 39,2 triệu thùng dầu/ngày vận chuyển bằng đường biển năm 2020 thì có 1,74 triệu thùng/ngày đi qua kênh đào Suez. Ngoài ra, còn có 1,54 triệu thùng các sản phẩm dầu lọc đi qua con đường này mỗi ngày, chiếm khoảng 9% thương mại sản phẩm dầu đường thủy của toàn cầu. Đến ngày 26/3, có 10 con tàu chở khoảng 10 triệu thùng dầu đang đợi ở các điểm vào của kênh Suez.

Tắc nghẽn ở kênh đào Suez đã dẫn tới việc cước phí vận chuyển đối với các tàu chở sản phẩm dầu tuần này tăng gấp đôi, và một số tàu đã buộc phải chuyển hướng đi qua mũi Hảo vọng của Châu Phi. Theo đó, chi phí vận tải xăng và dầu diesel từ cảng Tuapse của Nga trên Biển Đen đến miền nam nước Pháp đã tăng từ 1,49 USD/thùng vào ngày 22/3 lên 2,58 USD/thùng vào ngày 25/3, tương đương tăng 73%.

Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ tuần này cũng gia tăng lo ngại về sự leo thang những rủi ro địa chính trị ở Trung Đông, khi lực lượng Houthi của Yemen hôm 26/3 cho biết họ đã tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở thuộc sở hữu của Saudi Aramco.

Một yếu tố nữa cũng đẩy giá lên, đó là dự báo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ duy trì mức sản lượng thấp như hiện nay vào tháng 5 tới. Theo đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo OPEC + sẽ giữ nguyên mục tiêu sản lượng sắp tới trong cuộc họp sẽ tiến hành vào ngày 1/4.

Một tuần trước cuộc họp này, Công ty Dầu mỏ ADNOC (Abu Dhabi National Oil Company) đã cắt giảm kế hoạch cung dầu thô cho các khách hàng Châu Á trong tháng 6 tới xuống 10-15%, nhiều hơn mức giảm 5-15% của tháng 5.

Cũng liên quan đến nguồn cung dầu, dữ liệu từ Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ tuần này tăng thêm 6 tuần, lên 324 giàn.

Trong khi dòng chảy dầu mỏ bị xáo trộn thì triển vọng nhu cầu dầu mỏ vẫn mờ mịt khi nhiều nước Châu Âu và Châu Á bước vào đợt phong tỏa mới. Giám đốc Viện Robert Koch Đức (RKI) cho biết làn sóng Covid-19 thứ 3 ở Đức cơ thể là đợt nhiễm tồi tệ nhất từ trước tới nay, có thể có tới khoảng 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện số ca nhiễm Covid-19 mói ở Đức đang tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021, buộc Chính phủ phải yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, kể cả trong dịp lễ Phục Sinh

Tại Ấn Độ, chính quyền ở các vùng phía tây đã yêu cầu cho người dân ở trong nhà vì tình trạng nhiễm coronavirus mới đã lên đến mức cao nhất trong vòng 5 tháng.

Tham khảo: Refinitiv

Theo Nhịp sống kinh tế

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT