Theo thời gian, TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là nơi giao lưu văn hóa trên khắp mọi miền tổ quốc. Cùng với đó, Sài Gòn xưa đã quy tụ nhiều loại hình tôn giáo khác nhau trên thế giới để rồi hôm nay trở thành điểm “du lịch tâm linh” hấp dẫn và độc đáo.
Nếu Việt Nam là quốc gia hòa hợp tôn giáo thì tại TP.HCM, mỗi tôn giáo đều có “đất dụng võ”. Xuôi theo các con đường từ trung tâm ra tận các vùng ngoại ô xa xôi, đâu đâu cũng dễ dàng tìm thấy các đền đài, nhà thờ, chùa chiền. Tuy nhiên, có lẽ tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa mới đích thực là nơi linh thiêng, “kinh đô” tôn giáo ở Sài Gòn.
Chùa đại giác
Được xây dựng từ năm 1962, chùa Đại Giác vừa được trùng tu và xây mới cách đây vài năm. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí rất đẹp, 3 mặt giáp với đường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Trọng Tuyển và Trương Quốc Dung.
Tổng hội Baptist Việt Nam
Tổng hội Baptist Việt Nam (Ân điển- Nam Phương) được thành lập vào tháng 11/1962. Đến tháng 5/2008, Tổng hội Baptist Việt Nam được Ban Tôn giáo Chính phủ trao quyết định công nhận về mặt tổ chức theo quy định của pháp luật. Hiện tại, đây là Trụ sở của Hội thánh Baptist Ân Điển: vừa như trường học dạy về giáo lý, nơi phổ biến phương hướng hoạt động, kim chỉ nam của nhánh Tin Lành Ân Điển.
Thánh đường Hồi giáo Jamiul Muslimin
Tín đồ hồi giáo chủ yếu là người Chăm, có khoảng 70 nghìn tín đồ tập trung ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai. Thánh đường Jamiul Muslimin ở 52 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận. Jamiul Muslimin là thánh đường của người Chăm và cũng là Văn phòng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP.HCM.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa được khởi công năm 1964 và hoàn thành vào năm 1971 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu. Tên Vĩnh Nghiêm được lấy theo tên một ngôi chùa ở Bắc Giang, có từ đời Trần. Sau này, năm 1982 và đầu những năm 2000, chùa còn được xây dựng thêm nhiều công trình phụ khác. Trong khuôn viên chùa có một tháp đá 7 tầng, cao 40 mét rất ấn tượng.
Thiền viện Quảng Đức
Thiền viện Quảng Đức là nơi đặt văn phòng 2 của Trung ương Giáo hội PGVN , đồng thời là nơi in ấn và phòng phát hành kinh sách của Thành hội phật giáo TP.HCM. Thiền viện được hòa thượng Thích Thiên Minh thành lập vào năm1964 để làm nơi tu học cho các tu sĩ thuộc hệ phái Bắc tông. Toàn thể thiền viện được xây kiên cố bằng vật liệu thời hiện đại, với mặt tiền được thiết kế theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ uốn cong.
Nhà thờ Đức Bà
Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, nhà thờ được kiến trúc sư J. Bourad khởi công từ năm 1877 và 3 năm sau thì kết thúc, theo phong cách kiến trúc Roman. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Nhà thờ Đức Bà hay còn gọi nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn có tên gọi chính thức là Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là nhà thờ công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, một những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố này.
Chùa Ông Subramaniam Swamy
Đây là ngôi đền lâu đời nhất của người Ấn Độ trên đất Sài Gòn, được xây vào thế kỷ 19. Đền thờ vị thần có quyền lực siêu phàm trong hệ thống các thần của người Ấn Độ là Subramaniam Swami vốn có quan hệ mật thiết với thần Shiva (thần hủy diệt). Trong đền, ngoài hình tượng các thần khác như Vishnu (thần bảo hộ) còn có bộ linga và yoni nhỏ.
Thánh đường Al Rahman
Thánh đường Al Rahman tọa lạc tại 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Thánh đường này chủ yếu dành cho người Maylaysia và người Indonesia. Đây là Thánh đường Hồi giáo được xây dựng sớm nhất (1885) tại Việt Nam.
Thanh Nguyễn