Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì đối xử đặc biệt với các thị trường mới nổi, trong số đó có Trung Quốc. Động thái này được xem là “một mũi tên trúng hai con nhạn”, trong đó Mỹ vừa công kích WTO vừa tấn công Trung Quốc mà không cần dùng đến đòn thuế.
“Nếu các quốc gia giàu có hàng đầu tự nhận mình là những nước đang phát triển, điều này không chỉ ảnh hưởng tới những đước đã phát triển mà còn cả những nền kinh tế cần được đối xử đặc biệt. Những bất cập trong nguyên tắc của WTO, ở hiện tại và cả trong tương lai, đều cần phải được kiểm tra,” ông Trump nói trên Twitter.
Cũng trong ngày 26.7, Nhà Trắng đã ban hành một bản ghi nhớ, trong đó đại diện bộ Thương mại Mỹ yêu cầu WTO thay đổi cách thức phân loại các nước đang phát triển trên thế giới. Không chỉ Trung Quốc, bản ghi nhớ này còn liệt kê 11 quốc gia khác, bao gồm Kuwait, Macao, Mexico, Qatar, Singapore, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu: “Thực trạng bất công trên khiến Mỹ, quốc gia tuân thủ luật lệ, phải chịu thiệt thòi. Tôi hoan nghênh việc tổng thống đòi hỏi sự công bằng và tinh thần trách nhiệm từ phía WTO.”
Trong một diễn biến khác, tổng thống Mỹ đã đe dọa áp thuế lên rượu nhập khẩu từ Pháp ngay sau khi Pháp tuyên bố sẽ tăng thuế lên các công ty công nghệ Mỹ.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng đang thấp thỏm lo sợ tình trạng tương tự xảy ra với sản phẩm của mình. Tuy vậy, với mùa tranh cử 2020 đang đến rất gần, nhiều người tin rằng khả năng ô tô châu Âu bị đánh thuế khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ không cao, bởi EU rất có thể sẽ trả đũa bằng thuế nông sản. Điều này sẽ gây ra gánh nặng cho nông dân Mỹ, đặc biệt khi những khách hàng Trung Quốc của họ đã bỏ đi vì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Giữa lúc này, Mỹ và châu Âu vẫn đang bàn bạc để tiến tới một thỏa thuận thương mại. Phía EU đang kỳ vọng một vòng đàm phán diễn ra chậm rãi, bởi khi đó Mỹ sẽ chú tâm vào chiến dịch tranh cử tổng thống, thay vì tăng sức ép lên quan hệ thương mại với EU, tờ Bloomberg chỉ ra.
Điều này cũng đồng nghĩa EU tin rằng đương kim tổng thống Donald Trump sẽ không thể tái đắc cử và một tổng thống mới sẽ đảm đương việc tạo dựng quan hệ song phương Mỹ – châu Âu sau khi cuộc bầu cử năm 2020 chấm dứt.
Tương tự, có khả năng Mỹ sẽ không làm cho chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang. Tờ Politico dẫn nguồn từ các cố vấn của tổng thống Mỹ, cho rằng ông Trump hoàn toàn nhận thức được mình không nên gây chiến thêm với các đối tác thương mại của Mỹ.
“Trừ phi điều gì tiêu cực xảy ra, tổng thống nên tập trung vào cuộc tranh cử để xây dựng một nền kinh tế vững mạnh,” Chris Campbell, cựu nhân viên cấp cao bộ ngân khố Hoa Kỳ nhận định.