Với việc sở hữu khối tài sản khổng lồ và nhiều quyền lực trong tay, các tỷ phú mong muốn kéo dài cuộc sống của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu.
“Trường sinh bất lão”, “cải lão hoàn đồng” vốn là giấc mộng của nhiều vị vua chúa khao khát có được nhằm vĩnh viễn nắm giữ quyền lực và sự giàu sang. Cũng chung suy nghĩ như vậy, giới siêu giàu ngày nay ẵn sàng mạnh tay đầu tư để chữa “căn bệnh tuổi tác”. Theo một ước tính, doanh thu của ngành công nghiệp chống lão hóa toàn cầu hiện nay là 200 tỷ USD, con số này có thể sẽ tăng lên 420 tỷ USD vào năm 2030.
Các tỷ phú công nghệ mạnh tay đầu tư cho ước mơ “không già”
Trong vòng một thập kỷ qua, nhiều tỷ phú giàu có như Mark Zuckerberg, Jeff Bezos hay Peter Thiel… đã rót tiền vào những dự án nghiên cứu về công nghệ kéo dài tuổi thọ và chống lão hóa, với hy vọng có thể áp dụng những công nghệ này lên chính mình.
Tháng 9/2021, tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon, đã đầu tư một khoản tiền không được tiết lộ vào Altols Labs, công ty khởi nghiệp nghiên cứu về công nghệ chống lão hóa. Công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại San Francisco này tập trung vào công nghệ giúp “lập trình trẻ hóa tế bào”, một phương pháp trên lý thuyết có thể đảo ngược được quá trình lão hóa, rút ngắn thời gian chữa trị bệnh tật, chấn thương…
Ngoài Jeff Bezos, tỷ phú công nghệ Peter Thiel cũng được xem là một người tích cực trong việc đầu tư vào các nghiên cứu về công nghệ chống lão hóa.
Jeff Bezos và Peter Thiel đã cùng đầu tư vào Unity Biotechnology, một công ty công nghệ sinh học khác có trụ sở tại San Francisco chuyên nghiên cứu về “tế bào già”, với ý tưởng phát triển các loại thuốc biến đổi để làm chậm, ngăn chặn quá trình lão hóa và chống lại các bệnh do tuổi già.
Thiel cũng đã đầu tư vào một công ty khởi nghiệp có tên Ambrosia, hiện đang nghiên cứu về phương pháp chống lão hóa bằng tế bào máu.
Michael Rae – một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng công nghệ trường sinh đang đạt những bước tiến vượt bậc. Nhờ các khoản đầu tư khổng lồ, ông tin tưởng con người sẽ đạt được mục tiêu vào năm 2050.
Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan, thông qua quỹ từ thiện mang tên của hai người, đã treo giải thưởng hàng năm trị giá 3 triệu USD cho các nhà khoa học tạo ra những tiến bộ mang tính đột phá nhằm kéo dài tuổi thọ con người.
Trong một bài trả lời phỏng vấn vào năm 2015, Mark Zuckerberg đã bày tỏ sự thích thú với ý tưởng có thể kéo dài cuộc sống mãi mãi.
“Tôi rất thích thú với những câu hỏi về con người. Điều gì có thể giúp chúng ta sống mãi mãi? Làm sao để chữa được toàn bộ bệnh tật? Bộ não hoạt động như thế nào? Làm sao để tăng sức mạnh để giúp con người có thể học hỏi nhiều hơn hàng triệu lần?”, Mark Zuckerberg chia sẻ trong một bài phỏng vấn vào năm 2015.
Tỷ phú Larry Ellison, nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle, cũng đã đầu tư ít nhất 370 triệu vào các nghiên cứu công nghệ chống lão hóa. Hai nhà sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page cũng đã đầu tư một số tiền lớn để giúp Calico, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học chuyên nghiên cứu công nghệ chống lão hóa và các căn bệnh về tuổi già.
Giấc mộng liệu có thành công?
Trái ngược với suy nghĩ chung của đại đa số các tỷ phú, người giàu nhất thế giới hiện tại là Elon Musk lại không mấy mặn mà và thờ ơ với công nghệ này. Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây với tờ báo Insider, Elon Musk đã đưa ra lời giải thích vì sao không muốn đầu tư vào công nghệ chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên thử tìm cách để giúp con người sống thực sự lâu”, Elon Musk chia sẻ. “Điều này sẽ gây ra sự ngột ngạt cho xã hội, bởi vì sự thật là hầu hết mọi người không thay đổi suy nghĩ của họ. Họ chỉ chết đi. Vì vậy, nếu không chết, chúng ta sẽ bị mắc kẹt với những ý tưởng cũ và xã hội không thể tiến lên”.
Đây được xem là một quan điểm khá trái ngược với các “ông lớn” trong ngành công nghệ tại Mỹ. Song, thực tế là đến nay vẫn chưa có công nghệ chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ nào thực sự thành công và được áp dụng vào thực tế.
Giả sử các công ty thành công nghiên cứu được công nghệ kéo dài tuổi thọ thì đây có thật là tin tốt cho thế giới hay không? Có rất nhiều nghi vấn xoay quanh vấn đề này: Nếu con người sống bất tử, liệu chúng ta có phải làm việc vô thời hạn không? Thế giới sẽ đối phó thế nào với tình trạng bùng nổ dân số, và tình trạng này có tác động thế nào với môi trường sống?
Câu trả lời cho những nghi vấn trên có liên hệ mật thiết với các cuộc đàm phán tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu tổ chức tại Glasgow (Anh). Hội nghị hướng đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Mục tiêu này đòi hỏi mỗi người chỉ được tạo ra không quá 2 tấn CO2/năm, trong khi những người thuộc 1% dân số giàu nhất thế giới tạo ra tới hơn 70 tấn CO2/năm. Thế giới sẽ phải hứng chịu các thảm họa khí hậu sớm hơn dự kiến nếu như nhóm đối tượng này không chỉ ngày càng đông hơn mà còn có thể sống thọ đến 140, 200 tuổi, thậm chí là bất tử.
Có thể thấy, công nghệ trường sinh bất lão dường như khó đi đến kết quả thực tiến và đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ. Sẽ hữu ích hơn nếu như các dự án được giới siêu giàu thế kỷ 21 dốc vốn đầu tư không phải là kéo dài tuổi thọ mà là các lĩnh vực có thể thay đổi cuộc sống hiện tại.