Mới đây, CEO Vietjet Air, Nguyễn Thị Phương Thảo vừa được vinh danh là nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam nhận Bắc đẩu bội tinh – Huân chương cao quý nhất của Pháp.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số những “lần đầu tiên” của bà Thảo từ khi còn là du học sinh đến khi về Việt Nam đặt nền móng kinh doanh đồ sộ như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 7/6/1970 tại Hà Nội, trong một gia đình có dòng dõi danh nhân lịch sử nổi tiếng. Bà Thảo được biết đến với vai trò là CEO hãng hàng không tư nhân Vietjet.
Với khối tài sản lên đến 2,5 tỷ USD, tương đương khoảng 58.000 tỷ đồng bà đã vinh dự được Forbes vinh danh là 1 trong 25 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á. Là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam có được danh hiệu tỷ phú đô la do Forbes ghi nhận sau doanh nhân Phạm Nhật Vượng.
Kiếm được 1 triệu đô la đầu tiên năm 21 tuổi
Năm 17 tuổi, Nguyễn Thị Phương Thảo đã may mắn có được cơ hội đi du học Đại học ngành Kinh tế tài chính ở Moscow. Khi ấy, bà từng ước mình sẽ trở thành một cô giáo như mẹ, rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy “cá vàng”… là đủ.
Thời còn là du học sinh, bà Thảo đã nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh bởi thành tích học tập xuất sắc của mình. Năm 18 tuổi, bà đã bắt đầu tập tành kinh doanh, tiến bước vào thương trường khi còn là cô sinh viên năm 2.
Theo bà Thảo, thời đó, 8h sáng đi học, chiều về bà bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học.
Bà kể, khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ với số vốn rất khiêm tốn. Bà trở thành nhà phân phối các sản phẩm từ quần áo, văn phòng phẩm đến hàng tiêu dùng, hàng điện tử, máy tính, máy fax, băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản của Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong, Đông Âu và bán lại ở Nga.
Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…
Theo hãng tin Bloomberg, 3 năm sau đó, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi. Trong bài phỏng vấn với Bloomberg, nữ tỷ phú chia sẻ bí quyết làm nên thành công của bà chỉ nằm ở hai chữ: “Trung thực”.
Bà luôn thành thật với đối tác, nhà cung cấp sản phẩm. Bởi vậy, ngay cả khi bà không có nhiều tiền để lấy hàng, người ta vẫn tín nhiệm và trao hàng cho bà.
“Thị trường giá cả hay biến động thì mình làm việc trung thực theo cách ngày nào giá bao nhiêu, và doanh thu ngày hôm đấy tương ứng với giá hôm đấy mình đều thông báo cho người ta rất cẩn thận, nên người ta có niềm tin, và thấy được làm việc với mình hiệu quả, doanh thu lợi nhuận đảm bảo tốt”, bà Thảo chia sẻ.
Sau khi hoàn tất việc học của mình, bà đã quay trở về Việt Nam và góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank, sau đó là VIB – đây là 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Thành lập hãng hàng không giá rẻ tư nhân đầu tiên ở Việt Nam
Đến với ngành hàng không chỉ từ ước mơ giúp tất cả mọi người “ai cũng có thể được bay”, nhưng nữ doanh nhân Phương Thảo đã làm nên lịch sử với thị trường ngành hàng không nước nhà.
Theo CNBC, Nguyễn Thị Phương Thảo là một người phụ nữ nhỏ nhắn, hay nở nụ cười ngọt ngào, và trả lời các câu hỏi bằng giọng nói nhẹ nhàng, tuy nhiên không nên để vẻ bề ngoài đó “đánh lừa”, bởi bà hoàn toàn không phải là một người phụ nữ bình thường.
Người phụ nữ 51 tuổi kể với CNBC: “Khi con trai đầu của tôi mới chỉ vài tháng tuổi, tôi bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực hàng không giá rẻ. Tôi dành 10 năm để nghiên cứu và gặp gỡ CEO của các hãng hàng không giá rẻ khác nhau như Jetstar, Air Asia, và Southwest Airlines”.
Khi đó, ngành hàng không là một lĩnh vực tương đối mới mẻ với người ban đầu giàu lên nhờ bất động sản như bà Thảo. Mấu chốt thành công của bà Thảo là xác định đúng thời điểm.
Đề án ban đầu về một Vietjet Air là hãng hàng không 5 sao, sang trọng và thượng lưu. Nhưng sau một lần đến thăm gia đình có công với cách mạng ở vùng cao vào dịp Tết, một bà mẹ đã hỏi: “Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay.”
Câu nói vô tình nhưng để lại rất nhiều dư âm trong suy nghĩ của những người kiến thiết đề án lúc bấy giờ. Vậy là bà Thảo đã quyết định chuyển sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ, tiếp cận được càng nhiều ước mơ bay của những người dân có mức thu nhập thấp và trung bình hơn.
Vô hình chung, động thái này lại kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ. Sau đó bà cùng với đối tác nộp hồ sơ xin lập một hãng hàng không tư nhân giá rẻ mang tên Vietjet Air.
Để có thể khởi nghiệp, điều hành kinh doanh một hãng hàng không phát triển thành công là điều không hề đơn giản. Nhưng bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên điều kỳ diệu mà không phải ai cũng dám thử sức mình.
Kết quả nhận lại cho sự liều lĩnh, lăn xả, dám làm dám chấp nhận ấy là sự thành công như ngày hôm nay của Vietjet Air. Chia sẻ về chiến lược phát triển Vietjet bà Thảo cho biết: “Tôi chưa bao giờ tính toán cụ thể xem mình có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty phát triển tốt, thu nhập của nhân viên tăng lên và Vietjet Air có thêm thị phần, vươn lên vị trí số một”.
Forbes đã đánh giá rằng, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử ngành hàng không thế giới. Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất khởi nghiệp, điều hành một hãng hàng không thương mại lớn.
Tháng 11/2007, Vietjet Air được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng tương đương 37,5 triệu USD. Đến tháng 12/2007, hãng hàng không chính thức được cấp giấy phép hoạt động. Ngày 5/12/2011, mở bán vé máy bay đợt đầu tiên. Vietjet hiện đang có 47 đường bay ở trong nước và khu vực châu Á.
Bà Thảo đã đưa hãng hàng không giá rẻ tư nhân duy nhất của Việt Nam phát triển nhanh chóng tới mức, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm sau khi đi vào hoạt động, lượng hành khách của Vietjet đã trên đà vượt qua hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
Bloomberg đã gọi hãng hàng không của bà là “hãng hàng không Bikini” khi Vietjet sử dụng chiêu marketing bằng cách để các người mẫu mặc Bikini thay vì áo dài truyền thống như hãng hàng không Vietnam Airlines – gã khổng lồ đang thống trị ngành hàng không lúc bấy giờ.
Vào tháng 9/2013 vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo gây tiếng vang lớn khi đặt mua 100 chiếc máy bay Airbus trị giá 9,1 tỷ USD. Đến 23/05/2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn Mỹ với tổng giá trị là 11,3 tỷ USD.
Nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam
Xuất thân là một Tiến sĩ kinh tế học, lĩnh vực chính là Tài chính – Ngân hàng, nhưng chính ngành hàng không lại mang về cho bà Thảo danh hiệu nữ tỷ phú tự thân đầu tiên khu vực Đông Nam Á.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017.
Vào tháng 11/2018, bà Thảo đã được Tổng thống của Singapore là ông Halima Yacob và ông Robert Yap – Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN trao tặng hai giải thưởng là Nữ doanh nhân xuất sắc khu vực ASEAN và Việt Nam.
Tháng 12/2018, CEO của Vietjet Air được Forbes vinh danh tại vị trí thứ 44 trong top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Với thứ hạng này, bà Thảo đã tăng 11 bậc so với vị trí trong danh sách năm 2017.
Không chỉ vậy, Bloomberg còn xếp bà Thảo trong danh sách 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu bên cạnh những cái tên nổi tiếng như Giám đốc tài chính của Microsoft, Tổng thống Nam Phi,….
“Bà Thảo không giống như những người giàu khác, bà ấy khá kín tiếng”, Võ Phúc Nguyên, chuyên gia phân tích đến từ CIMB – nhận định. “Bà ấy thực sự thành công với Vietjet. Từ con số 0, chỉ sau vài năm Vietjet đã chiếm tới hơn 30% thị phần ở Việt Nam”.
Không chỉ là CEO của Vietjet, bà Thảo còn là Chủ tịch HĐQT Sovico, tập đoàn đầu tư đa ngành hiện đang quản trị và điều hành hơn 20 đơn vị thành viên và liên kết. Sovico cũng là cổ đông sáng lập của hãng hàng không Vietjet và là cổ đông lớn của HDBank.
Ngoài ra, bà còn góp vốn vào 3 khu nghỉ dưỡng bao gồm Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang và An Lam Ninh Van Bay Villas.
Nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam nhận Bắc đẩu bội tinh – Huân chương cao quý nhất của Pháp
Tối ngày 14/4/2021, Đại sứ Pháp tại Việt Nam – ông Nicolas Warnery đã trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Đây là huân chương do Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte sáng lập, lâu đời và danh giá bậc nhất của Nhà nước Pháp trao cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp đặc biệt.
“Huân chương này là phần thưởng cho sự nghiệp và nhân cách xuất sắc của bà Nguyễn Thị Phương Thảo”, ông Nicolas Warnery nói về nữ doanh nhân Việt Nam. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh bà là “người bạn của nước Pháp”.
Vị Đại sứ tôn vinh những đóng góp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đánh giá cao tầm nhìn, trí tuệ và lòng nhân ái, triết lý kinh doanh vì sự phát triển của cộng đồng, thế hệ tương lai của nữ doanh nhân, cảm ơn các doanh nghiệp do bà dẫn dắt như Sovico, Vietjet, HDBank.. đã luôn đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp Pháp, người dân Pháp, đặc biệt trong suốt giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Huân chương Bắc đẩu bội tinh là danh hiệu gần nhất mà nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nhận được bên cạnh các danh hiệu trong nước và quốc tế mà bà đã nhận được suốt thời gian vừa qua.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị