“Anh em chúng tôi hay nói vui với nhau là lương không đủ để đổ xăng và uống trà đá, chưa nói đến đủ để ăn sáng”, NSƯT Tiến Minh nói.
Ngoài việc là gương mặt quen thuộc trên màn ảnh Việt với những vai diễn hài hước, hóm hỉnh, NSƯT Phùng Tiến Minh còn được biết đến là ca sĩ, nhạc sĩ – “cha đẻ” của nhiều ca khúc nhạc phim được khán giả yêu thích. Điển hình như Nơi tình yêu bắt đầu, Vệt nắng cuối trời… Nhiều năm qua, diễn viên Tiến Minh đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Bên cạnh vai trò diễn xuất, anh còn là đạo diễn cho nhiều vở kịch, mới nhất là vở Trái tim người Hà Nội.
Trong cuộc gặp với PV Tiền Phong, Tiến Minh trải lòng về đam mê với nghề, lý do diễn viên kịch diễn vì đam mê. Anh khẳng định nghệ thuật là nghề đặc thù, nên chăng những người làm nghệ thuật cần được hưởng một chế độ đặc biệt hơn.
Cái gì có tiền thì làm
– Ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn, anh muốn khán giả gọi mình với chức danh gì?
Tôi nghĩ là gì cũng được. Tất cả chức danh trên đều là để chỉ một công việc. Ở từng giai đoạn, tôi đang làm gì thì khán giả cứ gọi tôi với chức danh đó. Tôi khá đơn giản, không cầu kỳ nên cũng không quan trọng việc ai đó gọi mình thế nào. Nếu được, chắc mọi người gọi tôi là nghệ sĩ Tiến Minh, để phân biệt với cầu thủ, cầu lông Tiến Minh thôi chứ gọi tôi bằng cái tên Tiến Minh không là cũng đủ.
Với tôi, chức danh là sự công nhận của xã hội về nghề nghiệp. Tôi mới chỉ tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, chưa tốt nghiệp khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy hay khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc nên tôi cũng không nhận mình là ca sĩ, nhạc sĩ.
– Học và tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, vậy cơ duyên nào đưa anh đến con đường viết nhạc phim?
Nói về âm nhạc, tôi nghĩ mình có máu âm nhạc từ những ngày nằm trong bụng mẹ. Bố là nghệ sĩ hát quan họ, xong ông chuyển sang diễn viên chèo rồi diễn viên kịch nói. Mẹ tôi là nghệ sĩ chèo. Từ những ngày nằm trong bụng mẹ, tôi đã được lắng nghe các ca khúc do chính bố mẹ hát. Máu âm nhạc chảy trong tôi từ khi chào đời. Việc viết nhạc phim thì đến một cách khá tình cờ.
Ca khúc nhạc phim đầu tiên của tôi là trong phim Tình thắm Sapa (1999). Trong một phân đoạn quay ở chợ tình Sapa cần diễn viên hát vài câu, tôi có ngân nga theo cảm xúc thì được đạo diễn nói là hay và phù hợp với phim. Đạo diễn đề nghị tôi viết hoàn thiện, hòa âm phối khí để làm nhạc phim. Ca khúc đầu tiên đến tình cờ như thế.
– Trong vài chục ca khúc nhạc phim gắn liền với tên tuổi của Tiến Minh, “Vệt nắng cuối trời” là một trong những sản phẩm nổi bật nhất, anh có kỷ niệm gì với ca khúc này?
Cũng giống nhiều ca khúc khác, Vệt nắng Cuối trời đến tình cờ. Tôi bắt đầu viết và hoàn thiện chỉ mất một buổi. Lúc ấy, nhạc sĩ viết nhạc phim có việc bận nên đạo diễn bảo tôi viết gấp thay thế. Dựa vào nội dung phim và vài sự trùng hợp ngẫu nhiên, lời bài hát tôi viết khá khớp với những nhân vật và câu chuyện trong phim. Điệp khúc bắt đầu từ câu “Nắng lên rực rỡ cùng ngàn mây”, tôi đánh giá là câu hát dễ nhớ, vừa tai khán giả ở thời điểm đó nên được mọi người đón nhận.
– Lúc đặt bút viết ca khúc “Vệt nắng cuối trời”, anh có nghĩ tác phẩm của mình được hưởng ứng như vậy?
Tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Lúc phim phát sóng, đi đâu tôi cũng thấy mọi người mở bài hát của phim, từ hàng xóm, quán cà phê, nhiều lúc mọi người mở nhiều quá tôi nghe đau cả đầu (cười). Tôi nghĩ mọi điều đều cần đúng thời điểm và may mắn, ca khúc Vệt nắng cuối trời cũng vậy. Có thể lời bài hát gần gũi, giai điệu dễ nghe và bộ phim cũng được khán giả đón nhận nên nhạc phim được biết đến và chú ý nhiều hơn.
Diễn viên nhà hát lương không đủ ăn sáng
Lương của tôi ở Nhà hát một năm không bằng cát-sê viết nửa bài hát. Tôi không ngại nói ra điều này, đó là lý do tôi nói rằng ai đặt đơn, có tiền thì tôi làm.
Nghệ sĩ Tiến Minh
– Từng đảm nhận nhiều công việc từ diễn viên, nhạc sĩ, ca sĩ và cả đạo diễn, anh có bao giờ đặt các công việc trên lên bàn cân để lựa chọn một trong bốn?
Không, việc gì có tiền thì tôi làm. Tôi là người sống thực tế, bản thân ai cũng cần làm việc vì cơm, áo, gạo, tiền, cũng cần lo cho bản thân và gia đình, con cái, nên tôi không màu mè mà chia sẻ thẳng rằng việc gì có tiền, đúng với công sức tôi sẽ làm. Tuy nhiên, mặt khác, nếu nói vì đam mê cũng đúng, vì thực tế nghệ sĩ thuộc biên chế Nhà nước như chúng tôi, thu nhập rất thấp, nếu không có đam mê thì không thể làm được.
– Chi tiết về thu nhập của diễn viên ở Nhà hát Kịch Hà Nội thế nào?
Nếu diễn viên trực thuộc Nhà hát sẽ có một mức lương, theo lương cơ bản Nhà nước. Anh em chúng tôi hay nói vui với nhau là lương này không đủ để đổ xăng và uống trà đá, chưa nói đến đủ để ăn sáng. Với mỗi đêm diễn, vai phụ được cát-sê khoảng 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Vai chính sẽ được khoảng 400.000 đồng đến 500.000 đồng. Đây là sự thật. Nếu như vậy, diễn viên không đi làm vì đam mê thì là vì gì.
Tôi đánh giá diễn viên là nghề phải đánh đổi khá nhiều, từ thanh sắc, đến sức khoẻ. Diễn viên phải tiếp xúc với hóa mỹ phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến làn da và nhiều thứ khác. Thế nhưng, hiện tại, diễn viên vẫn được kê vào nhóm hành chính – sự nghiệp giống nhiều ngành nghề khác và hưởng mức lương chung.
Tôi hiểu rằng mỗi nghề đều có cái khó, cái vất vả, cái hy sinh riêng. Đứng ở góc độ của diễn viên có hơn 20 năm trong nghề, tôi muốn chia sẻ cái khó của những anh em đồng nghiệp.
– Nói vậy, thu nhập của anh chủ yếu đến từ việc viết nhạc?
Lương của tôi ở Nhà hát một năm không bằng cát-sê viết nửa bài hát. Tôi không ngại nói ra điều này. Đó là lý do tôi nói rằng ai đặt đơn, có tiền thì tôi làm. Nói vậy, tôi cũng là người khá nghệ sĩ nên cái gì cũng phải phù hợp mới làm.
– Những nghệ sĩ thuộc Gen Z, Gen Y có nhiều cơ hội để nổi tiếng với thu nhập tốt hơn, anh nghĩ sao về hai từ “nghệ sĩ” ở thời nay?
Tôi nghĩ xã hội phát triển, mọi ngành nghề cũng sẽ phát triển theo. Diễn viên, ca sĩ cũng vậy. Nói thật, có nhiều bạn trẻ tiềm năng trở thành ngôi sao, các bạn cống hiến tâm huyết nhưng cũng có những bạn nổi lên như một hiện tượng, từ hành động vốn dĩ chỉ để giải trí. Sau đó, các bạn cũng được nhãn hàng, sự kiện mời tham gia với chức danh “nghệ sĩ”. Với những người làm nghề lâu năm như tôi, chúng tôi không quan tâm đến cá thể này. Các bạn muốn tự xưng là gì cũng được, thật sự là tôi không muốn quan tâm.
– Vậy còn khán giả, anh nghĩ sao về quyền lực của khán giả Việt đối với nghệ sĩ, liệu sức mạnh của khán giả Việt đã so được với khán giả Trung, Hàn?
Tôi thấy khán giả Việt rất quyền lực. Tôi không mang lên bàn cân với khán giả Trung, Hàn, vì mỗi quốc gia mỗi khác. Tôi nghĩ một đất nước phát triển là đất nước có nền công nghiệp giải trí phát triển vì đất nước phát triển, người dân mới có thể quan tâm đến việc tận hưởng và một trong số đó là xem phim, nghe nhạc.
Về khán giả Việt, tôi thấy bên cạnh một bộ phận khán giả có góc nhìn sáng suốt, đúng đắn nhưng cũng có không ít người lạm dụng mạng xã hội để tấn công nghệ sĩ, không phân biệt đúng sai. Có nhiều người đang dùng mạng xã hội theo hướng vùi dập nghệ sĩ. Điều này cần phải xem lại. Chúng ta hãy phản đối sự trở lại của những nghệ sĩ vi phạm đạo đức, vi phạm luật pháp của Nhà nước. Còn nếu chỉ dựa vào quy chuẩn đạo đức của khán giả đánh giá, tôi nghĩ đó là chưa đủ.
– Trong công việc, nghệ sĩ Tiến Minh là người rõ ràng, thẳng thắn, vậy ở ngoài đời, anh là người chồng, người cha thế nào?
Là ai, tôi vẫn là mình, không màu mè. Với con cái, tôi luôn nói rõ quan điểm, con muốn học gì, học đàn, học hát, học vẽ, học võ, học bơi, tôi đều ủng hộ, miễn nó không ảnh hưởng và vi phạm điều gì là được. Con thích cái máy tính, máy ảnh, trong khả năng tài chính của gia đình, tôi đều đồng ý, còn nếu không, tôi cũng nói vui là “Để bố cày thêm”. Gia đình là phải được sống thật, nhà mình có thế nào thì sống như thế.
Con tôi học giỏi thì tốt, học dốt thì cũng thôi, bố mẹ làm sao học hộ con cái được. Miễn sao là con khoẻ mạnh, ăn cơm biết mời, gặp người lớn biết chào, như thế là vui rồi. Tôi không đặt nặng điều gì lên con cái, tôi muốn các con phải được sống là chính mình.