Với những nỗ lực không mệt mỏi, sau hơn 8 tháng làm việc với đối tác Nhật Bản, CEO 9X Thu Phương đã ký được hợp đồng phân phối độc quyền tại thị trường khó tính bậc nhất này cho sản phẩm hạt mắc ca sấy.
Theo ông Trần Sơn Tùng – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Năng (Đắk Lắk), cây mắc ca được trồng trên địa bàn huyện từ những năm 2003 theo mô hình trồng khảo nghiệm do Tổng cục Lâm nghiệp đầu tư ở 2 xã Dliêya và Phú Lộc.
Đến cuối tháng 9 năm nay, toàn huyện Krông Năng có hơn 2.363 ha diện tích cây mắc ca (khoảng hơn 250ha trồng tập trung, còn lại trồng xen), đứng đầu tỉnh Đắk Lắk. Trong đó diện tích cho sản phẩm hơn 1.000 ha. Năng suất ước đạt gần 18 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 1.700 tấn/năm.
“Dự kiến thu nhập từ bán sản phẩm hạt tươi của nông hộ sau khi trừ chi phí đầu tư trên 120 triệu đồng/ha. Giá bán bình quân trong vụ từ 95.000-105.000 đồng/kg hạt tươi”, ông Tùng cho hay.
Ông Vũ Văn Mỹ – Chủ tịch UBND huyện Krông Năng – cho biết, toàn huyện có trên 22 cơ sở sơ chế, chế biến đơn giản mắc ca. Các cơ sở này chủ yếu thực hiện tách hạt, sấy khô, đóng gói, hút ẩm và 1 cơ sở chế biến sâu, có sản phẩm Socola mắc ca. Sản phẩm mắc ca của huyện này đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Mắc ca Krông Năng”.
Cũng theo lãnh đạo huyện Krông Năng, trong số các doanh nghiệp kinh doanh mắc ca, sản phẩm của Cty CP DAMACA Nguyên Phương đã được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Đắk Lắk cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, cấp khu vực năm 2022.
“Nhờ có chất lượng vượt trội, sản phẩm đa dạng… hạt mắc ca của Damaca Nguyên Phương đã có mặt ở các thị trường đặc biệt khó tính như Nhật Bản, Pháp, Canada, Hàn Quốc…”, ông Mỹ nói và cho biết, tháng 10 vừa qua, lô hàng mẫu đã có mặt trên kệ hàng của hệ thống 200 siêu thị và trên trang thương mại điện tử Nhật Bản. Một số siêu thị lớn vẫn đang thử thị trường.
Theo lãnh đạo huyện Krông Năng, ngày 9/11, huyện sẽ xuất khẩu chính ngạch container mắc ca đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đây là lô hàng của của Cty CP DAMACA Nguyên Phương do chị Nguyễn Thị Thu Phương (30 tuổi) làm giám đốc.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Phương, chị tốt nghiệp quản trị kinh doanh, trước khi lập nghiệp riêng ngay trên mảnh vườn nhà mình vào năm 2016, chị có 3 năm đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm.
Khi khởi nghiệp, chị Phương nhờ bố mẹ vay giúp 400 triệu đồng để mua nguyên liệu, máy dập hạt, máy sấy, máy hút chân không, nhờ thợ cơ khí gia công lại cho phù hợp yêu cầu, rồi mày mò chế biến.
Những mẻ hàng đầu tiên bị hôi dầu, ế ẩm, lỗ vốn hơn 70 triệu đồng, nhưng chị Phương vẫn kiên trì thử nghiệm và cuối cùng đã có công thức chế biến, đóng gói hút chân không hạt mắc ca sấy, hương vị tươi ngon, giá lại rẻ hơn hẳn mắc ca ngoại nhập.
Sau 6 năm thành lập, công ty của chị Phương đã cho ra thị trường các sản phẩm từ mắc ca như mắc ca sấy, dầu mắc ca, sô-cô-la mắc ca và đang nghiên cứu cho ra sản phẩm sữa bột mắc ca, nhân mắc ca tẩm các vị, các sản phẩm chế biến sâu có áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Theo Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần phấn đấu để đến năm 2030 cả nước có được tổng diện tích 130.000 – 150.000 ha mắc ca, vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Tính đến nay, Việt Nam đã trồng được 18.800 ha mắc ca.
Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với các thị trường nhập khẩu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Hà Lan với thuế nhập khẩu đối với hạt mắc ca 0%. Đây là cơ hội lớn để hạt mắc ca vươn ra thị trường thế giới, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng mắc ca, dần đưa cây mắc ca trở thành cây “đi sau về trước”, góp phần vào danh sách những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk.