Từ niềm đam mê và yêu thích với kim loại, cô gái Đào Thị Huyền Thu đã mày mò và chế tạo ra những món đồ trang sức dành cho bàn phím với giá 200 triệu đồng.
Cô gái mê…kim loại
Nằm ẩn mình trong một khu tập thể ở ngõ hẻm trên con đường Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân), là một cửa hàng trưng bày sản phẩm, “trại” sáng tác các trang sức dành cho… bàn phím của cô chủ nhỏ Đào Thị Huyền Thu.
Đối diện với tôi là một cô gái khá là “tưng tửng”, luôn nhí nhảnh đáng yêu và đặc biệt là nói…không ngừng nghỉ khi vào đúng câu chuyện. Thu thích mọi người gọi là Hiên Hiên, cái tên cô dùng để ký lên các tác phẩm khi mang ra thế giới.
Tôi không nghĩ một cô gái với vóc dáng tiểu thư mà lại có niềm đam mê… kim loại như vậy.
Cứ được một lúc Hiên lại hỏi tôi “Anh có hiểu những gì em đang nói không?”, dường như cô sợ nói quá sâu xa vào nghề khiến người khác như “vịt nghe sấm”.
Hiên tâm sự, trước đây học kiến trúc về nghề xây dựng nhưng lại rất đam mê các món đồ phụ kiện. Thời đấy cô chỉ đam mê những thứ như là trang sức, ghim cài áo, pin cài áo… Sau khi đam mê và sưu tầm nhiều, cô mong muốn được làm những đồ đáp ứng đúng như sở thích của mình.
Hai năm gần đây, Hiên nhận thấy giới chơi Keycap đang dần phát triển ở Việt Nam và bản thân cũng là một người đam mê công nghệ nên đã dấn thân vào bộ môn này. Lúc đầu đơn giản chỉ là thích tự làm những sản phẩm cho riêng mình.
“Lúc đấy em chỉ muốn làm ra một cái keycap để đáp ứng cho sở thích thôi. Sau này, em đã giới thiệu với mọi người chỉ để giao lưu nhưng không ngờ có rất nhiều người đang tìm kiếm những thứ như thế. Vì vậy em biết là đã tìm được hướng đi riêng cho công việc của mình”.
Chất liệu Hiên dùng để chế tác Keycap chủ yếu là bạc. Ngoài ra cũng làm từ đồng và nhôm nếu khách yêu cầu. Tùy theo sở thích của mọi người, có người thì thích màu bạc, người thì thích màu vàng của đồng…
Hiên bảo, hầu hết mọi người đều rất ngạc nhiên khi cô làm nghề này. Bởi khi mà nói đến kim khí, kim hoàn thì người ta có thể liên tưởng đến cái búa, những tiếng gõ và những hình ảnh như thế thì thường sẽ không liên quan đến một cô gái.
“Cái này gọi là đam mê anh ạ. Khi mới ra trường em đã tiếp xúc rồi nên là cũng không có nhiều khó khăn về việc chuyển từ việc này sang việc kia. Đến tận bây giờ em cũng thấy đây là lựa chọn đúng đắn nhất”.
Người dạy nghề cho Hiên có kinh nghiệm 30 năm làm ở Đan Mạch và những máy móc liên quan đều được anh ấy nhập về hộ. Khi mới bắt đầu vào nghề cũng may mắn cho Hiên vì đã tiếp xúc với những máy móc rất hiện đại đó. Có thể nói Hiên đi nhanh hơn một số bạn khác về mặt keycap này vì có rất nhiều người nghiên cứu lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành được.
“Làm keycap khó nhất là phần đế chân, bởi vì điểm gắn keycap stem này làm bằng nhựa nên khi mình cho tiếp xúc với nút kim loại, nhựa để lâu nó sẽ bị xước xát, dễ bị mòn và không còn nhét vừa được nữa. Vì thế, em đã phải làm sao nghiên cứu ra một cái gắn đế chân mà ít ảnh hưởng nhất đến nó.”
Cũng theo Hiên, nhiều khách cũng đã đặt hàng làm sản phẩm bằng vàng nhưng hiện tại bên cô đang không nhận làm bởi vì do giá trị. Hiên lí giải điều này là do giá vàng lên xuống bấp bênh và nhiều người không hiểu được việc gia công vàng như thế nào. Vàng mua để chế tác phải là vàng nguyên chất 9999 nhưng khi về gia công phải chuyển nó thành vàng tây để dễ chế tác. Nên trong quá trình gia công sẽ bị hao hụt đi rất nhiều gây ảnh hưởng đến kinh tế cho người sản xuất.
“Vì vậy, em có làm duy nhất 1 cái cho riêng mình và chưa làm bán ra thị trường. Nếu mà để bán ra thị trường với một cái như thế trung bình mức giá sẽ rơi vào khoảng 10-30 triệu/1 nút tùy loại vàng.”
“Phù thủy” nghề keycap
“Keycap của em làm ra hiện tại thị trường bên nước ngoài đón nhận rất nhiều, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng anh em chơi phím. Trong nước thì bây giờ mới manh nha có một số ít người chơi môn này.”
Trung bình 1 tháng Hiên bán được 100 sản phẩm, chủ yếu là hàng xuất đi nước ngoài. Hàng của Hiên gần như làm thủ công hoàn toàn và không có bất cứ một sản phẩm nào mang tính trùng lặp.
Thị trường đón nhận của Hiên chủ yếu bên Châu Âu như Pháp, Canada, Anh,… Châu Á cũng có, ngay ở Nhật Bản cũng nhiều. Một nút giao động khoảng tầm 1,5 triệu, đấy là nút bình thường nhất và đến khoảng 15 triệu là nút space.
“Và bản thân em cũng rất cầu toàn nên muốn đạt đến những chi tiết cụ thể nhất thì vẫn phải có sự can thiệp của máy móc nhất định.”
Nói về bộ bàn phím lên đến 200 triệu mà mình đã làm cho khách, Hiên chia sẻ sản phẩm được làm bằng đồng và bạc. Bàn phím được xử lý như mặt tráng gương và soi vào như gương. Ở trên đó có khắc phong cảnh với quê hương của người khách thế nên giá trị của bộ bàn phím cao. Để làm bộ bàn phím này, cô mất khoảng 3 tháng để tạo hình, làm đẹp và đến khi hoàn thiện sản phẩm mất hơn 6 tháng.
“Có thể thấy kim loại là vật liệu tuyệt nhất để có thể làm ra các chi tiết. Thế nên khi làm các sản phẩm cũng được anh em đón nhận và cũng góp ý cho em rất nhiều ý tưởng. Em cũng tiếp thu những ý kiến ấy và đã làm ra được những hình thức mới.
Nói chung bây giờ em cũng tự tin là đồ của mình sẽ ngang ngửa trên thế giới và thậm chí tốt hơn rất nhiều về mẫu mã. Bởi vì đơn giản là bên em có sự chủ động về sáng tạo.”
Dự định sắp tới, Hiên muốn phủ sóng nhiều hơn về mặt hàng keycap này. Ngày trước Hiên nghiên cứu rất nhiều về nút trên bàn phím, có rất nhiều loại nút và bản thân mỗi một bàn phím có các layout khác nhau thì các nghiên cứu cũng khác nhau. Nên mỗi hãng keycap Hiên lại cố gắng tạo ra được những kích thước và sản phẩm khác nhau.
“Mục tiêu sắp tới của em là trong năm 2022 là sẽ nghiên cứu ra tất cả các dòng, các kích thước phổ thông nhất để nhãn hàng nào cũng xuất hiện mặt hàng của em.”
Sau gần 1 giờ với câu chuyện ngẫu hứng của Hiên, cô gái nhìn tôi rồi chốt lại: “Bình thường em dịu dàng nữ tính lắm, móng tay sơn các màu rực rỡ luôn, tóc tai váy áo nữa. Nhưng hôm nay em phải tỏ ra nghiêm túc, ăn mặc bình dân để gặp anh đấy, chứ không lại bảo em là cô gái kim khí cục mịch như là đàn ông (cười)“.
Theo SoHa