Là một trong những tuyến phố chính của Sài Gòn – Chợ Lớn khi xưa, con đường Triệu Quang Phục từ lâu nổi tiếng với nghề bốc thuốc bắc với hàng loạt cửa tiệm của người Hoa nằm san sát nhau. Tuy nhiên, khu vực này còn một nghề rất đặc biệt, dù ít người chú ý: Nghề làm kéo, mài kéo.
Nếu có dịp đi vào con đường Triệu Quang Phục (quận 5), rất dễ nhận ra hàng loạt cửa hiệu bày bán thuốc bắc, thuốc nam đủ loại với mùi hương thoang thoảng đặc trưng. Nào ai biết khu vực này khi xưa vốn không phải là nơi định cư của dân làm thuốc. Nghề sản xuất dao kéo, mài kéo mới là công việc chính của họ. Theo thời gian, nghề này mai mọt dần và cho đến nay, số hộ gia đình còn gắn bó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc đời của mỗi người gắn với nghề kéo đều có những câu chuyện vui buồn khác nhau…
Nghề hơn nửa thế kỷ
Đầu thế kỷ 20, khi vương triều nhà Thanh lụi tàn cũng là lúc một bộ phận không nhỏ người Hoa di dân đến Sài Gòn. Thế hệ lớp người Hoa này tự xưng là “Thòng dòng” (Đường nhân) hoặc “Xênh tửng” (Triều Châu). Không riêng gì ở Việt Nam mà người Trung Quốc ở nước ngoài thường gọi là “Đường nhân” bởi đời Đường là thời kỳ cực thịnh của quốc gia rộng lớn này.
Khi sang định cư ở Sài Gòn, để mang tính chất cộng đồng, tượng trợ lẫn nhau nên người Hoa tập trung sinh sống ở vùng chợ Lớn với đủ nghề khác nhau. Chẳng hiểu vì lý do gì mà con đường Quảng Đông Nhai (Triệu Quang Phục bây giờ) lại tập trung nhiều người với nghề truyền thống là làm dao kéo.
Không biết nghề này có tự bao giờ, ai là người đầu tiên khởi xướng nhưng theo cụ Chu.T – gần 80 tuổi, nhà ở trên tuyến đường này cho biết nghề làm dao kéo, mài kéo đã có ít nhất 50 năm qua. Ban đầu, dường như nhà nào cũng theo nghề này nhưng do kinh tế thay đổi, thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra nên phải “đứt gánh” giữa chừng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên cả tuyến đường Triệu Quang Phục chưa đầy 500m chỉ còn lại đôi ba hộ theo nghề làm kéo. Còn lại tập trung vào nghề bốc thuốc và các ngành nghề khác nhau. Có lẽ cụ Chu.T nói đúng, phải chăng là do nền kinh tế thị trường buộc con người phải thay đổi nghề nghiệp?
Trót mang cái nghiệp vào thân
Lân la hỏi chuyện, chúng tôi làm quen với anh Nhựt – Một chủ tiệm làm kéo ở đây. Anh Nhựt cho biết gia đình anh đã 3 đời theo nghề này, đến anh nữa chính là đời thứ 4. Dù chưa bước qua tuổi 40 nhưng anh cũng đã có thâm niên gần 25 trong nghề. Anh nói: “12, 13 tuổi tôi đã tiếp xúc nghề kéo. Lớn thêm chút nữa, vì đây là nghề truyền thống của gia đình nên tôi quyết định gắn bó. Đã theo nghề thì khó mà bỏ nghiệp được dù thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nhưng biết làm sao được, nhiều lúc cũng muốn bỏ nhưng lại sợ mang tội với tổ tiên, đành theo vậy”.
Đứng quan sát, chúng tôi thấy cũng khá đông người dân ghé lại tiệm. Có người nhờ mài lại chiếc kéo, có người đặt hàng làm giúp con dao nhưng cũng có người hỏi chuyện đôi câu rồi vội vàng bỏ đi. Vì là “phố kéo” nên những cửa tiệm này bày bán đủ loại kéo khác nhau như kéo cắt may, cắt tóc, cắt cỏ, cắt nhựa, cắt sắt, cắt giấy, cắt da giày, cắt tole…, một số loại dao và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày khác.
Công bằng mà nói, một vài năm trở lại đây, nghề làm kéo ở Triệu Quang Phục đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với sự ra đời của các cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp.Tuy nhiên, lợi thế của các cửa tiệm ở phố kéo là làm thủ công nên có thể nhận làm một hay vài ba cây kéo theo mẫu thiết kế hay sửa chữa, mài dũa theo sở thích mỗi người – điều này các cơ sở sản xuất đại trà không làm được.
Vỹ thanh
Theo một thợ làm kéo có tay nghề hàng chục năm tại đây cho biết, để làm ra một chiếc kéo hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là khâu chọn chất liệu. Chất liệu phải là loại thép chịu lực tốt, nung cho nóng chảy, rèn, quai, tạo hình, sau đó mài máy, rồi mài bằng tay sao cho lưỡi kéo bén ngọt, lau chùi và cuối cùng là ráp, tra quai, tra dầu, gắn ốc để tạo thành cây kéo hoàn chỉnh. Tùy từng loại, kích cỡ và đặc tính mà thời gian hoàn thành sản phẩm có khi phải mất vài giờ đồng hồ.
Ngay cả việc mài kéo, chẳng phải ai cũng mài được. Anh Lượng – Nhà có tiệm làm kéo trên đường này, cho biết mài kéo, hiển nhiên phải mài bằng tay. Tuy nhiên, để biết chiếc kéo đã đạt yêu cầu hay chưa đôi khi phải dựa vào trực giác của người mài. Người có năng khiếu thì 5, 7 tháng có thể mài được. Ngược lại, cũng có những người dù mất 2, 3 năm cũng không thể mài thành thạo. Có lẽ nghề làm kéo mới có những đặc tính “lạ lùng” này.
Rời tuyến đường Triệu Quang Phục luôn tấp nập xe cộ này, tôi tự hỏi chẳng biết có còn ai nhớ đến hay nghĩ tới nghề làm kéo buồn vui lẫn lộn này hay không?
Bài và ảnh: Thanh Minh