Việt Nam tiếp tục thể hiện bước tiến trong đổi mới sáng tạo khi tăng ba bậc, từ vị thứ 45 năm 2018 lên 42 năm nay. Đây là năm thứ 9 liên tiếp thứ hạng của Việt Nam được cải thiện trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO).
Chỉ số sáng tạo của Việt Nam năm 2019 đạt 38,84 điểm, vượt qua các quốc gia cùng khu vực là Thái Lan, Philippines và Indonesia. Điểm số này đẩy Việt Nam lên vị trí thứ 9 trong 15 quốc gia khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, đồng thời dẫn đầu về năng lực sáng tạo đổi mới trong nhóm 26 nước có thu nhập trung bình thấp (từ 1.006-3.955 USD) trên thế giới.
Tốp 10 quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất thế giới
|
|
1
|
Thụy Sĩ
|
2
|
Thụy Điển
|
3
|
Mỹ
|
4
|
Hà Lan
|
5
|
Anh
|
6
|
Phần Lan
|
7
|
Đan Mạch
|
8
|
Singapore
|
9
|
Đức
|
10
|
Israel
|
Xét trong các nhóm điểm cụ thể, chỉ số dành cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), xuất khẩu hàng hóa mang tính sáng tạo và xuất bản các tài liệu khoa học và kỹ thuật, Việt Nam đều ở mức khả quan. Tuy vậy, các chỉ số liên quan tới tỷ lệ học đại học và tỷ lệ lao động nữ có văn bằng cấp cao được tuyển dụng vẫn cần cải thiện.
“Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cho thấy những quốc gia có chính sách ưu tiên đổi mới sáng tạo sẽ đạt được bước tiến đáng kể trong thứ hạng năm nay,” tổng giám đốc WIPO Francis Gurry chỉ ra.
2019 là năm thứ 12 WIPO, kết hợp với hai trường đại học danh tiếng toàn cầu là Cornell và INSEAD, đo lường và tổng hợp chỉ số đổi mới sáng tạo cho 130 quốc gia trên toàn thế giới.
Dẫn đầu danh sách năm nay là Thụy Sĩ với chỉ số 67,24/100. Singapore và Israel là hai quốc gia châu Á lọt vào top 10 bảng tổng sắp năm nay với điểm số lần lượt đạt 58,37 và 57,43 điểm.
Bản đồ phát triển đổi mới và công nghệ thế giới liên tục có những thay đổi lớn. Các thập niên gần đây ghi nhận sự trỗi dậy của những nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, đặc biệt là các nước châu Á.
Nhìn vào bối cảnh kinh tế hiện tại, WIPO chỉ ra tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang rơi vào trạng thái mất đà, hiệu suất lao động cũng ở mức thấp nhất thập niên. Điều này khiến chính phủ các nước, đặc biệt là những quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo phương Tây, e ngại rót vốn vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều nước cũng trở thành rủi ro kìm hãm sự phát triển của đổi mới sáng tạo toàn cầu. Điều này sẽ tạo cơ hội phát triển cho các quốc gia châu Á.
“Châu Á sẽ nhào nặn nên tương lai của đổi mới sáng tạo kỹ thuật số toàn cầu,” báo cáo “Tương lai của châu Á chính là hiện tại” của McKinsey nhận định.
Ông Lee Jae-woong, nhà đồng sáng lập Daum – kỳ lân công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc tại Hội thảo công nghệ do Forbes Việt Nam tổ chứ. Ảnh: Forbes Việt Nam.
McKinsey chỉ ra các yếu tố tiên quyết đưa châu Á thành khu vực dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Thứ nhất là sự bành trướng của Internet với số lượng người sử dụng tại châu lục này đạt đến 2,2 tỉ người, tạo nên một môi trường rộng lớn hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.
Châu Á cũng là cái nôi của những quốc gia phát triển công nghệ hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. Những quốc gia khác như Ấn Độ, Việt Nam, Mông Cổ cũng đang đạt được những bước tiến đáng kể, thể hiện qua chỉ số đổi mới sáng tạo được cải thiện liên tục những năm gần đây.
Yếu tố thứ hai thúc đẩy đổi mới công nghệ, cụ thể là sự xuất hiện của các startup, là nguồn vốn. Châu Á hiện là nơi cung ứng gần 1/2 nguồn tài chính cho startup toàn cầu. Tính đến tháng 4.2019, số lượng kỳ lân (những startup có giá trị trên 1 tỉ USD) của châu Á là 119 công ty, chiếm khoảng 1/3 lượng kỳ lân thế giới.
Tuy không phải là tỷ lệ áp đảo nhưng nếu xét thời gian để các startup lột xác thành kỳ lân, châu Á đang vượt qua các khu vực phát triển trên thế giới: Thời gian để một công ty châu Á đạt giá trị vốn hóa tỉ đô chỉ mất 6 năm, trong khi con số này của khu vực Bắc Mỹ là 9 năm.
Theo Forbes Việt Nam