Thiếu nhân sự thương mại điện tử, doanh nghiệp “order” sinh viên từ năm thứ 2

Nhu cầu nhân sự lớn, một số doanh nghiệp thương mại điện tử tính đến việc nhận sinh viên thực tập từ năm thứ 2 để làm quen dần với công việc.

Hơn 30% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu công việc

Theo sách trắng năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Ước tính có khoảng 57 – 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 -285 USD. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế số Việt Nam.

Nhờ sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều thương hiệu đã đạt được tốc độ tăng trưởng từ 1,5 – 3 lần và xu hướng này tiếp tục được duy trì trong thời gian tới khi hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi. Báo cáo về thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á với chủ đề: “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022 cho thấy: 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên thương mại điện tử, 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử, 50% các đơn hàng trên thương mại điện tử ở Việt Nam được mua mà không có dự tính.

Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử đã dẫn đến nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn. Tuy nhiên, đây lại đang là khó khăn của các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sinh viên ngành thương mại điện tử ra trường có 1/3 sẵn sàng bắt tay ngay vào việc, còn lại 2/3 doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Xem xét nhận sinh viên thực tập từ năm thứ 2

Đồng thuận với ý kiến trên, ông Nguyễn Tấn Phong – đại diện lãnh đạo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: nguồn nhân lực là vấn đề đang gây khó khăn với các doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Vì vậy, thời gian qua, Hiệp hội đã thống kê, tổng hợp các ngành đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học và có nhiều cuộc làm việc, kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, tổ chức để sinh viên tìm hiểu sâu ngành thương mại điện tử… để giải bài toán nhân lực cho ngành.

Thiếu nhân sự thương mại điện tử, doanh nghiệp “order” sinh viên từ năm thứ 2 - Ảnh 1.
Cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường để đưa thực tế hoạt động vào giảng dạy

“Trong quá trình kết nối như vậy, chúng tôi nhận thấy thường sinh viên năm 4 mới đi thực tập tại các doanh nghiệp 6 tháng. Như vậy có thể thời gian hơi ngắn nên Hiệp hội đã đề xuất các trường có thể xem xét cho sinh viên năm thứ 2 làm quen, thực tập tại doanh nghiệp để đến năm thứ 4, sinh viên ra trường có thể đi làm ngay, giúp giải quyết nguồn lực cho doanh nghiệp, vừa tạo cơ hội học hỏi cho sinh viên. Chúng tôi vẫn nói vui là ngành thương mại điện tử sắp tới không có ngày hội tuyển dụng việc làm vì sinh viên ra trường đã có việc làm” – ông Nguyễn Tấn Phong cho biết thêm.

Tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, hiện nay có xu hướng các trường đại học cấp bằng nhưng sinh viên được nhận thêm chứng chỉ hoặc chứng nhận thực hành tại các doanh nghiệp. Không phải sinh viên nào đi thực tập cũng được cấp chứng chỉ thực hành. Trong quá trình thực tập, sinh viên thực hiện công việc được giao, sau đó qua kiểm tra, phân hạng sinh viên mới được cấp chứng chỉ.

CEO của các doanh nghiệp đóng vai trò như một giáo viên giảng dạy thực hành. Đây là cơ hội để sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với công việc. Ngược lại, doanh nghiệp có cơ hội khai thác nguồn nhân lực tốt với chi phí tối ưu mà sau này không phải đào tạo lại.

Tại Việt Nam, việc cấp chứng chỉ thực hành chưa có nhưng nhiều doanh nghiệp, nền tảng thương mại điện tử đã gắn kết chặt chẽ với các trường nhằm đưa thực tế hoạt động của mình vào giảng dạy để sinh viên hình dung, làm quen với công việc thực tế. Bà Nguyễn Thị Bạch Yến – Phó Tổng giám đốc công ty CP chuỗi cung ứng Smartlog Việt Nam cho biết: Smartlog đã có Smartlog Academy. Công ty xây dựng phần mềm với các nội dung hoạt động của mình để chuyển giao cho 25/100 trường đại học dùng thử gói giáo dục này. Trong thời gian tới, công ty dự tính tiếp tục chia sẻ gói giáo dục này đến các trường có phân ngành đào tạo liên quan đến thương mại điện tử.

Còn theo bà Ngô Thị Trúc Anh – Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Logistics, trong quá trình tuyển dụng sinh viên mới ra trường thì lượng nhân sự đáp ứng yêu cầu sơ cấp, trung cấp và cao cấp rất ít nên doanh nghiệp đã kết hợp với một số trường để đào tạo lại. Ngoài ra, doanh nghiệp thường xuyên cho sinh viên vận hành kho thực tế để biết, hiểu rõ thực tế công việc và có những thiết kế phù hợp hơn nếu tiếp nhận sinh viên thực tập sớm hơn.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT