Có đến 50% CEO Việt Nam cho biết rất lạc quan vào triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.
Mặc dù bị ảnh hưởng không ít bởi khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam vẫn nằm trong nhóm lạc quan nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là kết quả của cuộc khảo sát CEO trong khối APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) năm 2016 do hãng tư vấn PwC thực hiện với hơn 1.100 lãnh đạo doanh nghiệp trong khối.
Theo khảo sát, có đến 50% CEO Việt Nam cho biết rất lạc quan vào triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp, so với mức trung bình 28% toàn khu vực APEC. Đáng chú ý, không chỉ riêng trong năm 2016 mà trong 3 năm qua, niềm tin của các CEO Việt Nam luôn cao hơn mức trung bình khu vực.
Những doanh nghiệp tham gia khảo sát của PwC cho biết điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam nằm ở quy mô thị trường không ngừng mở rộng, cũng như triển vọng tăng trưởng GDP khả quan. Với dân số hơn 90 triệu người và sự gia tăng nhanh chóng của nhóm thu nhập trung bình, Việt Nam là một thị trường rộng lớn với sức mua ngày càng cao. Mặc dù các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP khiêm tốn hơn trong năm nay, nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Nguồn lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh và việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do cũng đã góp phần tăng thêm sức hút của nền kinh tế Việt Nam trong những năm trở lại đây.
Thế nhưng, một câu hỏi đang được đặt ra: Liệu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt có thể tiếp tục lạc quan như vậy trong thời gian tới? Mặc dù các lợi thế nêu trên có thể vẫn sẽ được duy trì, nhưng doanh nghiệp đang lo ngại họ sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các đối thủ trong khu vực, trong khi hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước vẫn gặp nhiều thách thức do hành lang pháp lý phức tạp và chưa hoàn chỉnh.
Các CEO Việt Nam tham gia khảo sát của PwC cho biết đối thủ hàng đầu của họ thường là doanh nghiệp trong khu vực APEC (41%), thay vì các công ty đa quốc gia có trụ sở tại một nền kinh tế phát triển (27%) hoặc mới nổi (27%). Thực tế cho thấy với việc mở rộng hoạt động của những người chơi Trung Quốc và ASEAN tại Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực đã dần trở thành chuẩn mực mà doanh nghiệp Việt hướng đến. Một số chuyên gia tại Diễn đàn M&A năm 2016 thậm chí còn cảnh báo rằng một số đối thủ trong khu vực đang lên kế hoạch thâu tóm, có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của nhiều thương hiệu trong nước.
Không chỉ vậy, các nền kinh tế trong khu vực cũng đang cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhau để thu hút vốn FDI. Trong bối cảnh vốn FDI vẫn là nền tảng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế mới nổi, đấu trường FDI sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Đã qua rồi cái thời quy mô thị trường là điều kiện đủ để thu hút các khoản đầu tư khổng lồ. Kết quả khảo sát của PwC cho thấy những năm tới, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy về các nền kinh tế cải thiện được môi trường kinh doanh và pháp lý, chính sách theo hướng thuận lợi hơn. Nhà đầu tư sẽ vẫn quan tâm đến các thị trường năng động, nhưng họ sẽ tìm cách cân bằng lợi ích này với môi trường pháp lý và kinh doanh có ảnh hưởng tới triển vọng doanh thu.
Người viết vinh dự có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh các CEO trong khối APEC vào tháng 11.2016 tại Peru với tư cách thành viên của mạng lưới PwC. Quan điểm chung của gần 1.000 doanh nghiệp và lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại hội nghị này là sự bất ổn của nền kinh tế thế giới và sự đình trệ của thương mại toàn cầu đang tác động tiêu cực đến khả năng phát triển kinh tế của các quốc gia APEC.
Tại các buổi tọa đàm trong khuôn khổ hội nghị, giới doanh nghiệp ở hai bờ Thái Bình Dương đã cảnh báo việc kìm hãm thương mại tự do sẽ chỉ làm suy giảm quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu mà thôi. Vì vậy, các chính phủ và doanh nghiệp tham dự hội nghị đều hy vọng có thể tăng cường hợp tác, đẩy mạnh kết nối và cải tổ hành lang pháp lý. Qua đó, tự do hóa thương mại sẽ thực sự đem lại lợi ích cho các bên liên quan.
Nỗ lực này có thể sẽ khó khăn hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và các chính sách bảo hộ mà chính quyền mới đang lên kế hoạch triển khai. Đặc biệt, các lãnh đạo doanh nghiệp APEC quan ngại trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đối với một nền kinh tế vẫn phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, động thái này sẽ đồng nghĩa với việc mất nhiều cơ hội kinh doanh với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực TPP. Nhưng TPP không chỉ xoay quanh vấn đề cắt giảm hàng rào thuế xuất nhập khẩu. Hiệp định này còn đưa ra những tiêu chuẩn, thông lệ kinh doanh tốt, có khả năng giúp mở rộng hành lang đầu tư giữa các nước và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Dù TPP được phê chuẩn hay không, Việt Nam cần tiếp tục đà hội nhập vì nền kinh tế vẫn hưởng lợi từ thương mại tự do và khả năng tiếp cận được nhiều thị trường hơn. Muốn duy trì đà hội nhập, các nhà quản lý kinh tế và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn để cùng xây dựng một môi trường đầu tư thực sự thuận lợi. Sẽ cần đến sự chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Quan trọng hơn cả, tiến trình tái cấu trúc và hiện đại hóa nền kinh tế không nên bị cản trở bởi sự thành công hay thất bại của bất kỳ hiệp định thương mại nào.
Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng một hành lang pháp lý ổn định và đưa ra tầm nhìn dài hạn hơn cho nền kinh tế. Nhà đầu tư và doanh nghiệp cần biết họ có thể mong đợi gì và an tâm rằng những kế hoạch kinh doanh của họ sẽ được hỗ trợ bởi khung pháp lý nhất quán, rõ ràng và ổn định. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, tính thích ứng cũng rất cần thiết. Hành lang pháp lý sẽ cần một sự linh hoạt nhất định để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh.
Phía doanh nghiệp cũng phải biết tận dụng những lợi ích to lớn mà nền công nghệ kỹ thuật số mang lại. Không doanh nghiệp nào có thể bỏ qua xu hướng công nghệ số khi mà Internet of Things đang từng ngày làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế toàn cầu, kích thích các mô hình kinh doanh mới và kết nối chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng và đối tác cung ứng. Điều này được phản ánh trong khảo sát của PwC: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng theo xu hướng khu vực về ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Nhiều CEO Việt Nam cho biết đang có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào những giải pháp công nghệ hỗ trợ kinh doanh như ERP, CRM và thương mại điện tử.
Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017 và đây là cơ hội để thể hiện thế mạnh của đất nước trước cộng đồng thế giới. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh các CEO APEC tại Peru vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện 3 đột phá lớn: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng vào triển vọng phát triển trong thời gian tới.
Theo nhipcaudautu