Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ

Cuộc khủng hoảng hiện tại có điểm tương đồng với những lần suy thoái trước đó như sụp đổ Thứ Hai Đen năm 1987, bong bóng dot-com 2000–2002 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009. Tuy nhiên cũng có những khía cạnh khác nằm ngoài dự đoán như sóng gió hậu COVID, xung đột Nga-Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng, dòng vốn ETF.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid năm 2021 dường như không thể cản bước các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Thậm chí, nguồn vốn dồi dào chưa từng có trong lịch sử ồ ạt đổ vào giới startup càng tạo thêm hưng phấn, thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng quy mô, tận dụng cơ hội tăng trưởng sau đại dịch.

Cuối năm 2021, chị Thuỳ (đã đổi tên) nhận việc mới ở một kỳ lân công nghệ, cùng đợt với hàng trăm nhân sự mới trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của kỳ lân này. Nhưng bất ngờ 6 tháng sau, chị và các đồng nghiệp gia nhập công ty cùng thời điểm nhận thông báo nghỉ việc. Theo tìm hiểu, đó không phải đợt sa thải duy nhất của kỳ lân công nghệ trong năm nay, nhằm tạm thời thu hẹp quy mô hoạt động.

Chị Thuỳ chỉ là một trong số rất nhiều người bị cuốn vào làn sóng sa thải nhân sự tại các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung – như cách mà doanh nghiệp đang đối phó với cơn bão suy thoái đang ập đến.

“Có lẽ phải mười mấy năm trở lại đây, tại thung lũng Silicon Valley mới thấy hiện tượng các lập trình viên thất nghiệp hàng loạt. Trước giờ dân công nghệ đi đâu cũng được săn đón, mức lương cao. Họ thất nghiệp không phải vì họ không có năng lực, mà các công ty công nghệ giờ đây đều chịu áp lực lớn trong việc tối ưu hóa vận hành bằng việc thu nhỏ quy mô nhân sự, bao gồm cả Facebook, Google. Chỉ cần sang Mỹ vài ngày, bạn sẽ cảm nhận rõ tình hình đang tệ thế nào. Đa phần các thị trường, trong đó có Việt Nam, đều “đồng pha” với thị trường Mỹ, tuy có độ trễ nhất định. Một “mùa đông” đang đến với giới startup công nghệ!”, bà Lê Hàn Tuệ Lâm – Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans tại Việt Nam, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Mỹ cho hay.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 1.

Cách Việt Nam không xa, nền tảng mua sắm trực tuyến Malaysia – iPrice cũng cắt giảm 20% nhân sự. Trước đó, công ty có 250 nhân viên. Công ty công nghệ giáo dục Indonesia Zenius cũng vừa cho 200 nhân viên nghỉ việc.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 2.

Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % và cảnh báo về những đợt tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % có thể xảy ra vào thời gian tới. Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất quá mức dấy lên lo ngại rằng có thể khiến tình trạng suy thoái càng thêm tồi tệ. Những nỗi lo của giới đầu tư cũng ngay lập tức được phản ánh trên thị trường chứng khoán.

1.000 tỷ USD là tổng giá trị vốn hoá đã bị thổi bay của giới Big-Tech tại Mỹ, chỉ trong 3 phiên giao dịch ngày 4-6 tháng 5. Các cổ phiếu nói chung đều đã bị bán tháo, nhưng nhóm doanh nghiệp công nghệ phải chịu đựng cơn bán tháo tồi tệ hơn hẳn so với các lĩnh vực kinh tế khác. Apple đã mất 220 tỷ USD vốn hóa trong phiên ba phiên giao dịch. Nhà “táo khuyết” cũng tuột mất danh hiệu công ty giá trị nhất thế giới vào tay Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco, khi mà giá trị vốn hóa của Saudi Aramco đạt 2.430 tỷ USD vào 11/5 (tăng 30% kể từ đầu năm), còn giá trị của Apple chỉ còn 2.390 tỷ USD (giảm 16% kể từ đầu năm).

Apple cũng không phải ông lớn duy nhất phải trải qua cơn bán tháo. Trong vỏn vẹn 3 phiên giao dịch (4-6/5), giá trị vốn hóa của Microsoft mất 189 tỷ USD, Tesla mất 199 tỷ USD, Amazon mất 173 tỷ USD, Alphabet – công ty mẹ của Google mất 123 tỷ USD, Meta mất 70 tỷ USD. Theo CNBC, nguyên nhân đến từ việc các nhà đầu tư không còn mấy hứng thú với những gì đã thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây – bao gồm cả đại dịch Covid-19, mà đưa tiền vào những doanh nghiệp có sản phẩm thiết yếu hơn như Campbell Soup, General Mills và J.M. Smucker.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 3.

Đây cũng không phải 3 ngày đen tối duy nhất mà giới công nghệ phải đối mặt.

Sau khi trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD vào ngày 3/1, tính đến ngày 19/7, cổ phiếu của Apple đã mất 17% giá trị. Peloton – công ty bán các thiết bị tập thể dục có kết nối internet, chỉ còn lại hơn 2 tỷ USD giá trị vốn hoá, giảm 95% so với mức 47 tỷ USD vào năm ngoái. Một “con cưng” khác của đại dịch là Netflix cũng phải nhìn cổ phiếu của mình bay hơi 75% so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 11/2021.

Cơn bán tháo của giới đầu tư không phải dựa trên cảm xúc lo lắng nhất thời, khi kết quả kinh doanh của các ông trùm công nghệ đang là chiếc gương phản chiếu rõ ràng nhất. Số liệu cho thấy biên lợi nhuận gộp của Apple trong quý I/2022 đạt 43,7%, cao hơn so với dự đoán trước đó nhưng lại thấp hơn so với quý IV/2021. Thậm chí giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple còn cảnh báo con số này có thể còn xuống 42-43% trong quý II/2022. Trong khi đó, Amazon ghi nhận mức lỗ 3,8 tỷ USD sau quý đầu tiên của năm, trái ngược với lợi nhuận 8,1 tỷ USD cùng kỳ 2021. Đây là lần đầu tiên đại gia thương mại điện tử này chịu lỗ trong suốt 7 năm qua.

Trong lá thư gửi tới các founder trong danh mục của Quỹ Nextrans, bà Tuệ Lâm nhận định: “Thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào suy thoái và chúng tôi tin rằng thời kỳ bùng nổ của thập kỷ trước rõ ràng đã qua. Sự sụt giảm lớn trong hệ số nhân doanh thu (mức định giá/doanh thu) của các công ty công nghệ là dấu hiệu rõ ràng nhất về cuộc khủng hoảng hiện nay. Hãy xem xét sự tăng và giảm hệ số này của Amazon trong thời kỳ bong bóng dot-com so với SHOP trong năm ngoái. Hệ số nhân doanh thu của AMZN đã giảm từ hơn 50 lần xuống còn hơn 10 lần trong thời kỳ dot-com, trong khi chỉ số này của SHOP hiện đang giảm nhanh từ khoảng 70 lần xuống còn 7 lần. Đây là mức thấp nhất mọi thời đại.

Những xu hướng giống nhau kỳ lạ này bắt nguồn từ các đợt điều chỉnh thị trường trước đó, cụ thể là sự sụp đổ Thứ Hai Đen năm 1987, bong bóng dot-com 2000–2002 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009. Cuộc khủng hoảng hiện tại có sự tương đồng với những lần suy thoái trước đó khi nhìn vào bong bóng tài sản đầu cơ và việc Fed tăng lãi suất, nhưng cũng có những khía cạnh khác nằm ngoài dự đoán như sóng gió hậu COVID, xung đột Nga-Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng, dòng vốn ETF”.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 4.

Thực tế, những yếu tố kinh tế vĩ mô dường như cũng đang “thúc đẩy” cho cơn suy thoái. Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố, lạm phát ở Mỹ một lần nữa đã vượt quá dự báo, lên tới 9,1% trong tháng 6. Đây là mức tăng chưa từng thấy trong hơn 40 năm qua, theo tờ Wall Street Journal. Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Fed bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất, bao gồm mức tăng 75 điểm % tại cuộc họp chính sách gần vào tháng 6, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Điều này có thể khiến các khoản vay mượn của doanh nghiệp và hộ gia đình trở nên đắt đỏ hơn, từ đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế và có khả năng dẫn đến suy thoái. Deutsche Bank vào tháng trước cũng dự kiến một cuộc suy thoái lớn ở Hoa Kỳ vào năm tới.

Cùng với đó, xung đột Nga – Ukraine và đà tăng phi mã của giá nhiên liệu như nhân thêm áp lực lên túi tiền của doanh nghiệp và người dân. Nhu cầu mua sắm, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghệ – vốn được coi là hàng hóa không thiết yếu cũng vì thế mà giảm xuống. Apple đã hạ kỳ vọng doanh số cho năm 2022 trong bối cảnh chi phí hoạt động, chi phí vận tải, kho bãi tăng cao bất thường do lạm phát và giá xăng. Doanh thu của Amazon cũng chỉ tăng trưởng 7% – tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 2 thập kỷ qua. Trong báo cáo mới đây, Netflix đã mất gần 1 triệu người đăng ký trong 3 tháng quý II/2022. Trước đó hồi quý I, con số này là 200.000 người.

Trước những cơn gió lạnh mang tên lạm phát, giá xăng dầu tăng hay xung đột Nga – Ukraine, giới công nghệ Việt liệu có sẽ phải đối mặt với bức tranh tồi tệ như Mỹ? Các founders và quỹ đầu tư nên làm gì để đón bão và tránh tối đa thiệt hại?

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 5.

“Khi mà các ông lớn công nghệ còn khó khăn như vậy thì các startup cũng cần chuẩn bị tinh thần tốt để vượt bão”, bà Tuệ Lâm nhận định.

Cơn hưng phấn được thúc đẩy bởi số vốn kỷ lục rót vào startup công nghệ trong năm ngoái (1,4 tỷ USD, cao hơn mức đỉnh 874 triệu USD thiết lập năm 2019) dường như vẫn đang đem lại niềm lạc quan cho giới khởi nghiệp. Một số dự báo còn cho rằng tổng vốn đầu tư vào startup Việt có thể đạt mức ấn tượng – hơn 2 tỷ USD trong năm 2022.

Tuy nhiên, bức tranh thực tế không sáng sủa như kỳ vọng, khi ngay cả con số 1,4 tỷ USD cũng có độ trễ. Theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech, còn được biết đến với vai trò “cá mập” trong Shark Tank Việt Nam, nguyên nhân giúp dòng tiền đổ vào startup năm 2021 tăng cao kỷ lục một phần là do cộng dồn nguồn vốn bị “tắc nghẽn” từ năm 2020. Bà Tuệ Lâm cũng có quan điểm tương tự. Mỗi năm, các quỹ đầu tư thường có KPI về giải ngân vốn đầu tư và gần như không thay đổi, trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 cùng với các hạn chế về đi lại đã khiến quá trình tìm kiếm, đàm phán và đầu tư gặp khó khăn. Do đó, nguồn vốn chưa được giải ngân của năm 2020 được dồn vào năm 2021. Thậm chí, có những thương vụ đã hoàn thành trong năm 2020 nhưng đến 2021 mới được công bố và ghi nhận.

Nửa đầu năm 2022, một số thương vụ đầu tư mới được công bố cũng khiến nhiều người tiếp tục giữ niềm tin lạc quan vào thị trường. Đó là Finhay công bố huy động thành công 25 triệu USD, OnePoint gọi vốn 50 triệu USD,…

“Nhưng nếu chúng ta ngẫm nghĩ kỹ một chút, hầu hết các thương vụ mới được công bố thực tế đã diễn ra từ năm ngoái. Một thương vụ thường kéo dài 6 tháng đến cả năm mới hoàn thành. Thị trường đang có độ trễ, đang công bố những thông từ cuối năm ngoái và thậm chí là quý I năm nay.

Không chỉ riêng Việt Nam, các thương vụ trên thế giới được công bố giai đoạn này hầu hết là của năm trước, quý trước. Những điều thực sự đang xảy ra tệ hơn rất nhiều, nhưng họ chưa cảm nhận được. Trước cơn bão, bầu trời rất trong xanh, bình lặng. Trước suy thoái, mọi thứ cũng rất tích cực. Ảnh hưởng của cuộc suy thoái sẽ bắt đầu biểu hiện rõ ràng hơn sau 3-6 tháng nữa”, bà Tuệ Lâm cho hay.

Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng báo cáo mới được HSBC và KPMG công bố cũng dự đoán, vốn đầu tư vào startup khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 dù có thể vượt qua năm 2020 hay 2019, nhưng ít khả năng duy trì được như năm 2021.

Tình hình kinh tế vĩ mô tại Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Trong báo cáo mới phát hành giữa tháng 6, ngân hàng UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5% và tỷ lệ lạm phát chính ở mức 3,7% vào năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên 5% trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những thách thức mà các quốc gia châu Mỹ hay châu Âu đang phải đối mặt. Đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine và tác động đối với giá hàng hóa (dẫn đến rủi ro lạm phát đối với nhu cầu trong và ngoài nước); gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu và rủi ro COVID-19.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 6.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã bắt đầu cảm nhận được những cơn gió lạnh mà suy thoái thổi đến. Để chuẩn bị “đón bão”, không ít công ty chọn cách đóng băng tuyển dụng, thậm chí sa thải hàng loạt.

Mạng xã hội Twitter đã thông báo trong một bản ghi nhớ nội bộ gần đây về việc đóng băng tuyển dụng nhân viên mới. Apple và Amazon cũng có động thái tương tự, dù không sa thải hàng loạt nhưng giảm tuyển dụng lao động mới hoặc hoãn kế hoạch mở rộng. Trong báo cáo thu nhập của Amazon, ông lớn này thừa nhận nguồn nhân công dồi dào trước đây đã trở nên thừa thãi và “đang làm việc để khắc phục điều đó”. Meta – công ty mẹ của Facebook, cũng cũng cắt giảm chi tiêu và hoãn tuyển dụng đối với các nhân sự cấp cao.

Quan sát một số ngôi sao công nghệ tại châu Á, không khó để nhận ra sự tương đồng. Theo CNBC, hàng trăm nhân viên của các startup đã bị sa thải trong vài tháng, trong đó có Sea Limited. Email của Giám đốc điều hành Chris Feng, Shopee cho biết đã sa thải các nhân viên thuộc bộ phận giao đồ ăn, thanh toán và đội ngũ tại Argentina, Chile và Mexico. Nền tảng mua sắm trực tuyến Malaysia – iPrice cũng cắt giảm 20% nhân sự. Trước đó, công ty có 250 nhân viên. Công ty công nghệ giáo dục Indonesia Zenius cũng vừa cho 200 nhân viên nghỉ việc.

Tại Việt Nam, chưa có một thống kê đầy đủ về xu hướng này nhưng một vài cái tên nổi bật trong giới công nghệ đã sa thải để thu hẹp quy mô kinh doanh. Propzy – startup công nghệ bất động sản từng gọi vốn 25 triệu USD từ SoftBank, sau khi sa thải tới 50% nhân sự trong năm 2021 đã mạnh tay giải thể công ty dịch vụ và tái cấu trúc lại các mảng kinh doanh.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 7.

Nhưng chỉ sa thải thôi chưa đủ. Dòng vốn đầu tư mạo hiểm được dự báo sẽ không còn dồi dào như năm 2021, khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm con đường khác để huy động vốn. Bà Lê Hàn Tuệ Lâm quan sát, nhà đầu tư tại Mỹ sẽ hạn chế giải ngân mà đổi sang trạng thái phòng thủ, tập trung hỗ trợ các công ty trong danh mục thay vì tìm kiếm các thương vụ mới. Nhà đầu tư tại châu Á cũng không có sự khác biệt.

Sau năm 2021 huy động cả chục triệu USD, Loship bất ngờ đi tìm khoản vay tài chính như một cách để kéo dài thời gian hết tiền, đồng thời tập trung nguồn lực cho mục tiêu tồn tại thay vì gọi vốn, tăng trưởng. Tháng 5/2022, truyền thông đưa tin Ngân hàng lớn thứ hai Hàn Quốc, Shinhan Financial Group vừa tuyên bố quyết định mua lại 10% cổ phần tại công ty thương mại điện tử Tiki. Tập đoàn sẽ cân nhắc đầu tư tổng cộng 40 triệu USD vào Tiki. Tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi, khoản đầu tư của ngân hàng thực chất là khoản cho vay, với lãi suất 10%/năm.

Với kinh nghiệm đầu tư và đồng hành cùng nhiều startup trong danh mục của Nextrans, bà Tuệ Lâm cho rằng việc chạy đua đốt tiền đổi lấy người dùng và tăng trưởng không còn là công thức mà doanh nghiệp có thể theo đuổi. Trước kia, các tay chơi lớn trên thị trường – mà nổi bật là SoftBank Vision Fund có thể vung hàng tỷ USD cho startup với tư duy rằng, sau khi đã chiếm lĩnh thị phần thì sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

“Nhưng cái dở nhất là chúng ta không biết phải đốt bao nhiêu tiền mới tới thời điểm đánh bại được hết các đối thủ. Hiện tại, giá cước của Grab tại Việt Nam đã rất cao và không có nhiều khuyến mãi nữa. Nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn chưa bù được lỗ. Bài toán không đơn giản là cứ đốt tiền mà chiếm được thị trường. Tôi cho rằng thời điểm sắp tới, Tiki, Shopee hay Lazada đều sẽ gặp khó khăn, sẽ bắt đầu phải tìm cách kiếm tiền. Hiện các bên vẫn có chính sách miễn phí vận chuyển, vẫn tổ chức siêu sale 6/6,7/7,8/8,.. nhưng sắp tới, có thể chúng ta sẽ không còn thấy nhiều khuyến mãi hay ngày hội giảm giá như vậy nữa”.

Bà Tuệ Lâm nhận định, cuộc suy thoái có thể kéo dài ít nhất 2 năm. Các doanh nghiệp nên bắt đầu chuẩn bị “lương thực” để đón “cơn bão” phía trước. Nếu dùng nguồn lực tự thân, doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng trên vai. Ngược lại nếu dùng đòn bẩy quá nhiều (bao gồm gọi vốn và vay) trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức “lãi” không hề rẻ.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 8.

Khủng hoảng đem lại sự đổ vỡ cho một bên thì cũng đồng thời giúp một bên khác trở nên giàu có. “Hiện tại tôi cho rằng dấu hiệu của cuộc khủng hoảng có lẽ là điều tốt chứ không phải tệ. Chúng ta cần một sự thanh lọc. Nghe có chút tiêu cực nhưng về mặt bản chất, sau mỗi cơn bão thì những công ty còn trụ lại là những công ty khỏe mạnh nhất”, bà Tuệ Lâm lạc quan.

Ở một góc nhìn tích cực, suy thoái sẽ giúp thị trường trở về một nền giá mới, nơi mà mọi thứ được định giá một cách hợp lý hơn, thật hơn. Với nhà đầu tư, họ có cơ hội tìm kiếm được những công ty tốt hơn với giá rẻ hơn. Với doanh nghiệp, đây là cơ hội để tập trung vào khách hàng, trở về với hoạt động kinh doanh cốt lõi, kiếm lợi nhuận từ chính mô hình của mình. Đó là phương thức duy nhất để sống sót. Ngược lại, doanh nghiệp nào ôm đồm quá nhiều mục tiêu cùng lúc, coi gọi vốn và tăng trưởng là mục tiêu chính, sớm muộn sẽ kiệt sức.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 9.

Muốn không sớm kiệt sức hay hết tiền, các nhà sáng lập cũng cần đánh giá lại định giá của công ty. Việc gọi nhiều vốn và định giá quá cao có thể trở thành “liều thuốc độc” khiến doanh nghiệp khó hoàn thành vòng gọi vốn mới, trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng và chờ đợi thời điểm giá rẻ hậu suy thoái. Hệ lụy là cuối cùng startup cũng phải hạ mình, hạ giá trị công ty, rũ bỏ những phần màu mè và làm thật. Việc không gọi vốn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng nhưng trong cơn bão, mục tiêu hàng đầu là sống sót.

Tại Việt Nam, các bộ ban ngành cũng đang nỗ lực đưa ra chính sách để kiềm chế lạm phát và hạ giá xăng dầu. Chiều 21/7, giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh về ngưỡng 25.000-26.000 đồng/lít, so với mức đỉnh gần 33.000 đồng/lít hồi tháng trước. Đây là tín hiệu tích cực giúp giải tỏa một phần gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.

Từ cơn bán tháo Apple, Microsoft đến làn sóng sa thải hàng loạt ở Silicon Valley và Việt Nam: Dòng vốn không còn dễ dãi, cơn bão suy thoái đang đổ bộ - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết trong năm nay, ông và quỹ đầu tư Next100 của mình sẽ vẫn tìm kiếm thêm các startup mới: “Suy thoái chủ yếu ảnh hưởng đến dòng tiền của các nhà đầu tư tài chính, chi rót tiền và chờ “cây” lớn. Còn những nhà đầu tư hệ sinh thái, đầu tư chiến lược như NextTech thì vẫn đi theo con đường của mình. Miễn là có tiền thì tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào startup phù hợp với hệ sinh thái của mình, vì tôi nhìn một bức tranh 10-20 năm chứ không phải ngắn hạn”.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TIN NỔI BẬT