Hậu Covid-19, người dân ngày càng hướng đến những sản phẩm tốt cho sức khoẻ, thúc đẩy nhanh hơn xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững. Một trong những quan tâm hàng đầu là nguồn nước: Sản phẩm được sử dụng mỗi ngày cũng là thành phần chính cấu thành nên cơ thể chúng ta.
Thị trường máy lọc nước với CAGR 11,58%, dự đạt 540 triệu USD vào năm 2030
Theo báo cáo mới nhất của Research and Markets, thị trường máy lọc nước toàn cầu đạt giá trị 42,4 tỷ USD vào năm 2021. Dự kiến con số này sẽ đạt 71,9 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,4% trong giai đoạn 2022-2027.
Riêng Việt Nam, thị trường máy lọc nước dự báo cán mốc hơn 540 triệu USD vào năm 2030 với CAGR vào khoảng 11,58%. Mức độ tăng trưởng được cho là gắn liền với 2 động lực: sự tăng trưởng dân cư ở các thành phố lớn và sự phát triển của các đô thị vệ tinh.
Thậm chí, vấn đề nước sạch đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ khi dự báo của World Bank chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.
Ghi nhận tại Tp.HCM, hơn 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt thành phố lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy nhiên, nguồn nước thô này đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động kinh tế – xã hội, tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, nguồn nước mặt sông Sài Gòn đang chịu tác động từ các nguồn thải như nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Nước thải đô thị cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung rồi đổ ra sông Sài Gòn – Đồng Nai khiến dòng sông hứng chịu một nguồn chất hữu cơ khổng lồ. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số ở Tp.HCM là chưa dừng lại, càng tạo thêm gánh nặng cho việc cung cấp nước sạch trong thời gian tới.
Điều này đang mở ra cơ hội đồng thời là thách thức lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh nước uống tiêu dùng hiện nay. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), toàn thị trường đang có hơn 400 thương hiệu máy lọc nước, cả hàng nội địa và nhập khẩu. Sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp khiến thị trường máy lọc nước ngày càng sôi động và cạnh tranh khốc liệt cả về thương hiệu, thị phần cũng như chất lượng sản phẩm.
Thực tế, nhiều đơn vị tham gia thị trường rất sớm, giải quyết nhu cầu theo hướng cung cấp thiết bị lọc nước như sản phẩm tiêu dùng điện tử và đã đạt được các thành quả nhất định như Kangaroo, Karofi…, mới nhất là Koro dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập Nguyễn Thị Minh Đăng – Phó chủ tịch Chi hội Nam Y tỉnh Đồng Nai, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học Nước từ trường với sức khoẻ con người và động thực vật. Xuất hiện trên Shark Tank mới đây, dự án nhận về khá nhiều ý kiến trái chiều.
Koro – Startup cung cấp nước “trường sinh” với kế hoạch IPO 460 triệu USD
Được thành lập vào năm 2020, Koro đang cung cấp dòng sản phẩm máy lọc nước từ trường sản xuất tại Ý.
Đại dịch Covid-19 đã giúp nhận thức người tiêu dùng tăng lên. Hiện, nước từ trường bắt đầu được bán rộng rãi hơn tại thị trường Việt Nam, điều đó cho thấy giá trị lợi ích của nước từ tính đang được khai thác. Trên thị trường, loại nước này đang được bán với giá lên tới 70.000-200.000 đồng/lít.
Koro cho biết, mô hình kinh doanh của công ty này là lắp đặt thiết bị tại nhà với giá chỉ từ 2.000 đồng/lít. Đó được cho là lợi thế cạnh tranh cho Công ty trên thương trường. Cụ thể, đây là mô hình bán nước tại điểm, không sử dụng chai nhựa, Koro sẽ cho thuê thiết bị tạo “nước trường sinh” cho hộ gia đình với giá 2.000 đồng/người/ngày. Thiết bị được lắp sau hệ thống lọc nước thành nước uống đóng chai. Người lắp đặt sẽ trả mức phí lắp đặt và đăng kí là 2 triệu đồng.
Ngoài ra, Koro cũng bán nước tươi qua App kết nối (giống Grab) giữa người mua và người bán nước trường sinh tại điểm, giá bán 4.000 đồng/lít (Koro chi trả lại cho người cung cấp nước 80% là 3.200 đồng/lít, Koro giữ lại 20% là 800 đồng/lít).
Mô hình thứ hai là Koro sẽ bán nguyên máy dành cho những người có khả năng mua luôn cả thiết bị với giá 16,77 triệu đồng/máy. Trong đó, Koro hiện độc quyền phân phối thiết bị tạo nước trường sinh của hãng Atlas Filtri dành cho gia đình tại thị trường Việt nam.
Về bài toán kinh doanh, chia sẻ trong lần gọi vốn tại Shark Tank mùa 5 vừa qua, bà Đăng cho biết doanh thu năm 2021 của Koro là 1,9 tỷ và hiện đang lỗ 1,5 tỷ. Tài sản của Koro là 4,56 tỷ.
Tuy nhiên, nhà sáng lập kỳ vọng rất lớn rằng năm 2023 doanh thu sẽ là 6 tỷ và tăng trưởng 100%/năm sau 3 năm kế tiếp. Đến năm thứ 3 thì sẽ đạt được mức lãi dương.
Họ cũng cho biết Koro sẽ chuẩn bị vòng gọi vốn Series A vào năm thứ 4 và tiếp tục nghĩ đến kịch bản tăng trưởng 200% sau 5 năm tiếp theo và IPO với giá trị vốn hóa là 460 triệu USD vào năm 2030. Lúc này, tổng số thiết bị cài dự kiến là 236.346 cái với tổng khách hàng mục tiêu hơn 1,1 khách. Tương ứng, doanh thu ước hơn 92 trệu USD, chiếm 7,3% thị phần dân số khu vực thành thị.
Shark Hưng ghi nhận rằng theo cảm nhận, giác quan về khoa học thì ông đánh giá là nước này có tác dụng đối với cơ thể con người. Điều ông băn khoăn chính là bức tranh về kinh tế, kinh doanh lại khác với cái giấc mơ khoa học của Startup: “Bạn vẽ ra bức tranh kinh khủng khi mà IPO trong vòng vài năm nữa với mức là 500 triệu USD, hơn 10 ngàn tỷ đồng, trong khi doanh số bây giờ đang có 1,9 tỷ. Quá sớm để chúng tôi có thể quyết định khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD cho kết quả kinh doanh tại thời điểm này như vậy”.
Cũng phản biện về bức tranh tài chính, Shark Hùng Anh cho rằng: “Cứ nhân đôi nhân đôi kinh doanh của mình mà không có dẫn chứng cụ thể. Làm kinh doanh không phải là muốn nhân đôi bao nhiêu thì nhân đôi, không phải mình muốn mình nghĩ bao nhiêu thì nó ra con số đó”.
Trả lời, Koro đồng ý việc Shark nói về dự đoán 5 năm sau IPO là không có cơ sở, song đây chỉ là một dự báo về tiềm năng thị trường của ngành này.